Vợ chồng đã ly hôn, con trai nhất định đòi ba về nhà mới chịu ngủ

30/10/2017 - 14:14

PNO - Con khóc lóc, thức trắng đêm đến mắc bệnh luôn. Cháu chống đối đến cùng việc bố không ghé nhà mỗi ngày nữa. Chúng tôi rất khổ sở. Mong chuyên gia giúp tôi.

Vợ chồng tôi ly hôn, hai con sống với mẹ. Tôi cũng đã có gia đình khác và chuẩn bị có con.

Vo chong da ly hon, con trai nhat dinh doi ba ve nha moi chiu ngu
Ảnh minh họa

Nhưng đứa con lớn của tôi với vợ cũ vẫn đòi được ngủ với ba. Lúc ấy, vì muốn bù đắp thiếu thốn cho con, cũng như thấy mình có lỗi trong việc làm tan nát gia đình nên tôi chấp nhận hết. Ngày nào sau khi tan sở tôi cũng về nhà vợ cũ, dạy con học, chơi với cháu, chờ con ngủ rồi mới về nhà mình, ròng rã mấy năm như thế. Vợ sau của tôi cũng thông cảm chuyện này.

Nhưng gần đây cô ấy sắp sinh em bé, nên nếu tôi tiếp tục một cảnh hai quê như thế này, vợ tôi rất vất vả vì không có người đỡ đần việc nhà. Qua lại nhà cũ còn gặp mặt người mới của vợ cũ cũng rất bất tiện. Tôi không muốn tiếp tục như thế nữa, nhưng không biết làm cách nào để con trai chịu ngủ mà không có ba.

Con khóc lóc, thức trắng đêm đến mắc bệnh luôn. Cháu chống đối đến cùng việc bố không ghé nhà mỗi ngày nữa. Chúng tôi rất khổ sở. Mong chuyên gia giúp tôi.

Tuấn (Thủ Đức)

Anh Tuấn thân mến, 

Tình cảm cha con anh thật gắn bó. Anh không nói rõ cháu bao nhiêu tuổi nên chúng tôi cũng hơi khó trong việc cùng anh phân tích vấn đề. Tuy nhiên, qua tâm sự của anh, tôi đoán cháu còn nhỏ, khoảng dưới sáu tuổi.

Việc anh qua lại thăm con, chơi và ngủ cùng con mỗi ngày rất tốt cho cháu giai đoạn đầu ly hôn, nhưng về lâu dài thì quả là một rắc rối lớn cho anh, phiền cả vợ mới của anh và chồng mới của mẹ cháu. Chúng tôi đồng cảm với nỗi khổ của anh, đồng ý việc không thể tiếp tục tình trạng này.

Thay đổi hoàn cảnh hiện tại trước hết là vì cháu, nếu gắn bó kiểu phụ thuộc vào bố, cháu sẽ càng khó mạnh mẽ vượt qua sự thật bố mẹ đã ly hôn. Những bất ổn tâm lý sẽ nảy sinh nếu cha mẹ không giúp con thích nghi với hoàn cảnh mới. 

Cháu khóc và đổ bệnh là một trong những cách cơ thể và tinh thần của cháu đang tìm cách chống lại sự thay đổi, cháu muốn níu kéo cha ở bên mình càng lâu càng tốt, không chấp nhận việc mẹ và cha có gia đình mới. Đây là vấn đề tâm lý nhiều hơn là bệnh lý. 

Anh chị có thể thử áp dụng một vài cách sau đây với cháu nhé: 

1. Cha mẹ tâm sự cùng con về hoàn cảnh mới, giúp cháu dần hiểu cha và mẹ đều đã có cuộc sống riêng, không thể làm phiền nhau mãi. Cha mẹ kiên trì, mưa dầm sẽ thấm sâu, rồi trẻ sẽ hiểu và chấp nhận hoàn cảnh dễ hơn. 

2. Cha dãn cách dần thời gian bên con, khuyến khích con gần mẹ và dượng nhiều hơn. Khi kết nối với mẹ và cha dượng nhiều hơn cháu sẽ bớt nhớ, bớt phụ thuộc vào cha đẻ. Mẹ cháu cần chủ động tạo dịp cho gia đình mới gắn kết với nhau như tạo cơ hội đi chơi xa cả nhà, cơ hội nhờ cha dượng đưa đón cháu đi học, đi chơi những trò cháu thích…

3. Cháu cần được tập sống tự lập trong các công việc của mình, công việc nhà có liên quan đến cháu để rèn luyện tính tự lập và kiên trì. Nếu cha mẹ bảo bọc con, lo cho con quá theo kiểu bù đắp những thiếu thốn tình cảm chỉ càng khiến cháu thêm yếu đuối. 

4. Giải pháp khác, nếu cháu vẫn khó khăn khi thiếu cha, có thể cha mẹ cần thỏa thuận lại về việc ai nuôi dạy bé, ai đóng góp nuôi con. Cha mẹ vì lợi ích của con bàn chọn một giải pháp thích hợp với con trong giai đoạn nhất định. Có thể là giải pháp bé ở với bố vài năm, rồi bé sẽ lại về với mẹ, tùy thuộc vào tâm lý, nhu cầu của bé ở từng giai đoạn tuổi. 

5. Nếu cần thiết, cha mẹ nên cùng con đi gặp chuyên viên tham vấn tâm lý để cháu và anh chị được giúp đỡ cụ thể hơn qua gặp gỡ trực tiếp. 

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI