Vợ chồng tôi vốn là bạn cùng lớp đại học và cao học, ra trường lại làm việc trong môi trường tương tự nhau nên có rất nhiều điểm tương đồng. Vì thế, sau khi yêu nhau, về chung một nhà thì cuộc sống cũng không có nhiều xáo trộn. Chúng tôi đi chơi đâu cũng đi cùng nhau, những cuộc hẹn với bạn bè thường có mặt cả 2. Bạn bè trở thành thứ “tài sản” chung, điều đó không hề gây nhàm chán hay cản trở mối quan hệ của chúng tôi, mà ngược lại, nó giúp chúng tôi có nhiều tiếng nói chung trong cuộc sống.
Sau khi có con, chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp những cuộc gặp gỡ giữa các gia đình. Cứ đến cuối tuần, gia đình tôi lại í ới đặt lịch với gia đình bạn, chủ yếu là để chuyện trò, vui chơi. Sau những cuộc vui ấy, ai cũng được giải tỏa căng thẳng, nạp đủ năng lượng chuẩn bị cho tuần mới. Địa điểm gặp nhau không phải là quán nhậu, cũng hiếm khi là quán cà phê, mà thường tìm về với thiên nhiên yên bình.
Một vùng biển vắng, một khúc sông hoặc một con suối đẹp là những địa điểm lý tưởng chúng tôi thường chọn để cắm trại. Sau một tuần làm việc căng thẳng, cuối tuần thực sự là quãng thời gian vui vẻ và thắt chặt tình cảm gia đình. Khi chúng tôi có bạn bè chung là một gia đình khác, những cuộc chuyện trò trở nên tự nhiên và thoải mái, những cuộc hẹn cứ thế được nối dài, lời chào cuối ngày bao giờ cũng rộn rã tiếng cười và đầy lưu luyến.
|
Nhiều gia đình thân thiết cùng đi dã ngoại sẽ khiến cuộc vui thêm rộn ràng (ảnh minh họa) |
Hành trình cùng nhau dã ngoại vừa giúp các thành viên trong gia đình có thêm trải nghiệm, vừa giúp con cái trau dồi kỹ năng sống, các thành viên trong gia đình có thêm nhiều chủ đề chung để trò chuyện. Mùa hè vừa qua, nhờ siêng năng đi dã ngoại ở các con suối mà mấy đứa trẻ đã biết bơi, hành trang mang về sau mỗi chuyến đi rất phong phú: đá sỏi để tô màu trang trí, ốc và cá để nuôi, hoa dại để cắm... Các con cũng biết cách nhóm lửa nướng thịt, cách dựng lều bên suối. Trên xe, chúng thi nhau kể chuyện, chơi nối từ, đố vui. Nhìn thấy sự tiến bộ của con cái sau mùa hè, gia đình nào cũng mừng ra mặt.
|
Con cái sẽ có thêm nhiều trải nghiệm sau mỗi lần dã ngoại - Ảnh: Vũ Hoài |
Nếu trời mưa thì chúng tôi thường đến nhà nhau bày biện nấu nướng. Các ông chồng vừa đánh cờ vừa bàn chuyện thời sự. Mấy bà vợ ngồi tám chuyện mua sắm, chuyện nuôi dạy con. Đám con nít thì chơi thoải mái, mồ hôi nhễ nhại nhưng gương mặt vô cùng hân hoan. Thi thoảng, bên này xen vào câu chuyện của bên kia để trêu chọc, tiếng cười rộn vang khắp căn nhà.
Nếu không có những người bạn chung như thế, cuối tuần thể nào các ông chồng cũng la cà quán xá chén chú chén anh, mấy mẹ con hoặc lủi thủi ở nhà hoặc mỗi người cũng sẽ tìm cho mình một niềm vui riêng. Nghĩa là niềm vui của mỗi thành viên trong gia đình sẽ không còn gắn với các sự kiện cùng sinh hoạt chung, vui chơi chung. Tất nhiên, ai cũng cần có không gian riêng, nhưng một trong những giá trị quan trọng của mỗi gia đình là sự gắn kết. Nếu sợi dây gắn kết đó lỏng lẻo, liệu chúng ta có còn thực sự trân trọng từng khoảnh khắc gia đình bên nhau?
Chúng tôi tâm niệm, gia đình phải có những người bạn chung và thực sự thân thiết. Bạn thân không cần số lượng nhiều, chỉ cần chất lượng. Chất lượng ở đây là biết thông cảm cho nhau, đối xử tốt với nhau, không màu mè kiểu cách. Hơn nữa, để gia đình này thân thiết với gia đình kia đòi hỏi cả hai bên đều cùng "tần số", nghĩa là có cùng cách nhìn và quan điểm về cuộc sống, có nhiều sở thích chung, có như vậy thì đi chơi cùng nhau mới cảm thấy thoải mái.
Trong những cuộc hẹn cuối tuần giữa các gia đình ấy, có một số cuộc hẹn sau đó không bao giờ tiếp tục nữa, lý do thì có rất nhiều, chung quy lại vẫn là vì chúng tôi đều không cảm thấy thoải mái sau cuộc chơi.
Hôm rồi, cô bạn thân từ thời phổ thông rủ gia đình tôi đến nhà ăn tối. Đến nơi, chúng tôi thấy chồng cô ấy đang ngồi nhậu với 3 “chiến hữu” khác ở góc sân. Ổng vừa thấy chúng tôi đến thì xởi lởi kéo chồng tôi ngồi xuống bàn nhậu. Chồng tôi ngồi nói chuyện một hồi cảm thấy không “hợp rơ”, vì thế mọi thứ kết thúc không như kỳ vọng, thậm chí có phần nhạt nhẽo.
Cô bạn tôi không biết rõ những người bạn của chồng, chỉ biết là họ thường đi nhậu cùng nhau. Nếu chồng có dẫn bạn về nhà tụ tập thì cô ấy cũng chỉ loanh quanh trong bếp chuẩn bị thêm mồi nhậu, ngoài này là không gian của chồng và bạn. Ai biết chuyện của người nấy. Cô ấy bảo chuyện này là chuyện thường, nhưng đối với chúng tôi thì cứ thấy “sao sao”.
Vợ chồng có nhiều bạn chung không có nghĩa là gò bó cuộc sống của nhau, mà là có thêm nhiều cơ hội để cùng nhau tận hưởng niềm vui chung. Đặc biệt, sau khi có con cái, chúng tôi chọn cho mình những người bạn chung theo hình thức “gia đình”. Mỗi khi các gia đình gặp gỡ nhau, bố mẹ có nơi để chuyện trò, con cái có bạn để chơi, không khí thật vui vẻ và ấm cúng.
|
Các gia đình gặp nhau tạo điều kiện cho con cái được gặp gỡ, vui chơi - Ảnh: Vũ Hoài |
Hơn nữa, chơi thân với gia đình khác còn giúp hóa giải không khí căng thẳng trong gia đình mình. Đôi khi, vợ chồng tôi đang giận nhau thì nhà bạn đến chơi. Tình huống ấy buộc chúng tôi phải cười nói nhiều, phải giao tiếp cùng nhau, thế là sự nóng giận trong người tự nhiên bay biến một phần. Tôi thú nhận, mấy hôm nay vợ chồng tôi “chiến tranh lạnh”. Vợ chồng bạn cũng phá lên cười, tuần trước gia đình họ cũng cãi nhau nảy lửa.
“Vợ chồng nhà bà có khi nào muốn đường ai nấy đi chưa?”, tôi tò mò. Trong mắt chúng tôi, gia đình bạn giống như gia đình kiểu mẫu, ai cũng đằm thắm, cư xử chừng mực và hòa nhã. “Xời, mới tháng trước chứ xa xôi gì”, vợ chồng bạn cười đáp. Thì ra, gia đình nào cũng trải qua sóng gió, cũng từng có những ngày... ghét cây ghét đắng khi nhìn thấy mặt chồng/vợ mình. Chơi thân với gia đình bạn, chúng tôi nhận ra không có gia đình nào là yên ả, thậm chí có những khi càng có vẻ yên ả lại càng nguy hiểm.
Sau khi được “khai sáng”, vợ chồng tôi nhìn nhau cười: “À thì ra đó là chuyện thường, không phải chuyện lạ”. Chúng tôi tự tin hơn trước sóng gió, hiểu rằng đằng sau cảm giác bình yên luôn cần sự nỗ lực vun đắp từ các thành viên trong gia đình.
Vũ Hoài