Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em vừa gây ra trận cãi vã lớn trong gia đình. Lần này, có lẽ vợ chồng em sẽ đường ai nấy đi, không thể hàn gắn được nữa.
Điều khiến em lo là em biết mình có lỗi, biết mình có thể gây ra những vết thương lòng cho người thân nhưng em không làm chủ được tình hình, không làm chủ được lời nói của bản thân. Bao giờ cũng vậy, em định sẽ nói chuyện với chồng về việc này nhưng rồi thực tế, câu chuyện quẹo sang hướng khác từ lúc nào không hay biết.
Ví dụ mới hôm rồi em định chỉ nói chuyện dạo này giá cả tăng, tiền chợ anh đưa cho em không đủ chi dùng, anh nên đưa thêm, nhưng rồi cuối cùng thành ra chuyện chị gái của anh mượn vợ chồng em gần trăm triệu làm ăn buôn bán, mấy năm rồi không trả mà cũng không nói tiếng nào, không hẹn khi nào trả. Mà bên nhà anh có kiểu vậy, hết người này nhờ vả đến người khác hỏi vay mượn tiền.
Em có tật hễ đã nóng lên là nói cho hả dạ mới thôi. Nghĩ lại, em thấy dù em có nặng lời một chút nhưng em nói đúng: Chị anh lợi dụng tình cảm chị em, hứa lèo, lần lữa hay tính ăn quỵt tiền của em út. Anh căn ke từng đồng từng cắc với vợ, tiết kiệm mọi thứ, rồi đem tiền đi cho người ta vay mượn vậy để được tiếng rộng rãi giàu có.
Tới giờ đã hai ngày trôi qua, em vẫn còn giận điên, máu nóng vẫn bốc ngùn ngụt khi nghĩ tới những chuyện đó. Anh không nói chuyện với em nữa, chỉ lẳng lặng về nhà ăn rồi đi ngủ. Em cũng cảm thấy áy náy, muốn nói với chồng là em nói bà chị anh chứ không liên quan gì đến anh, có khi em quá lời nhưng em không có ý vơ đũa cả nắm.
Có cách nào để chồng em hiểu rằng lời lẽ em vậy thôi chớ bụng dạ em vẫn tốt, bằng chứng là em đâu có qua nhà chị anh đòi tiền hay hiện giờ dù anh không đưa thêm tiền nhưng em vẫn cố gắng cân đo để đi chợ. Trước đây đã nhiều lần xảy ra chuyện tương tự, em nói rồi chồng bỏ qua, không hiểu sao lần này anh có vẻ căng thẳng…
Minh Vân (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Minh Vân thân mến,
Nghe lời khen dễ; nghe lời chê trách, chỉ trích khó gấp trăm ngàn lần, nhất là khi lời chỉ trích đó phát ra từ người thân yêu, sát cánh bên mình. Nói “khẩu xà tâm Phật” nghe dễ vậy, nhưng ít ai nhìn được qua cái rừng gươm dao nhỏ máu của bao lời chỉ trích để thấy được lòng dạ tốt của người nói.
Mặt khác, lời nói có sức sát thương tái đi tái lại theo thời gian, một vết dao đâm bằng lời có thể gây ra vết thương tầng tầng lớp lớp, mỗi lần nhớ đến là một lần chảy máu.
Em nói việc này đã xảy ra nhiều lần, tức là lần sau càng gây đau đớn nhức nhối hơn những lần trước nhiều lắm. Vậy nên, nếu em không làm chủ được lời nói, tốt nhất em cố gắng đừng nói hoặc bớt nói. Đó là cách đơn giản mà hữu hiệu nhất.
Việc “tịnh khẩu” phải luyện tập chứ không dễ dàng. Có những bài tập, kiểu như khi định nói lời giận dữ với ai đó, hãy uống hết một ly nước đầy. Khi uống xong ly nước, ta sẽ có thêm chút thời gian dằn cơn giận, lời lẽ sẽ cẩn trọng hơn.
Em cũng có thể “nhấn nút thoát”, bỏ sang phòng khác hoặc đi đâu đó để tránh buông thêm những lời không định nói. Một chiêu dĩ độc trị độc là nhờ con hoặc tự ghi âm lại cuộc khẩu chiến. Lúc mình nguội rồi, tự mình nghe lại lời lẽ giọng điệu của mình, em sẽ thấy kinh khủng lắm. Nhiều chị đã “tịnh” luôn được nhờ biện pháp này.
Giờ lời đã nói ra rồi, em cần xin lỗi, dù em tự thấy lời mình cũng hợp lý. Lời xin lỗi này là về thái độ. Cần nhỏ nhẹ, chân thành, mang theo tình cảm của người vợ người mẹ muốn gia đình yên ổn.
Em nên chuẩn bị lời xin lỗi để đừng bị “quẹo” qua hướng nổ ra một cuộc khẩu chiến khác tệ hơn. Cũng đừng nghĩ chỉ một lần là xong mà em cần từ từ điều chỉnh để khôi phục niềm tin của chồng và hòa khí trong gia đình.
Chúc em thành công.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Thanh Tâm (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Thiền sẽ giúp bạn
Tính tôi cũng y hệt bạn, nhiều khi tôi không hiểu điều gì đã biến mình từ một phụ nữ ít nói, lành tính thành cái người ăn nói thiếu kiểm soát. Có lẽ những thất vọng trong đời sống vợ chồng đã biến chúng ta thành như thế. Sau mỗi lần nói năng không kiềm chế, tôi thực sự rất mệt mỏi.
Cũng như bạn, tôi loay hoay tìm cách “trị” mình. Đành rằng nguồn cơn mọi thứ cũng do cách hành xử gây tổn thương của đàn ông nhưng không thể xem đó như lý do để biện hộ cho cách hành xử thiếu chừng mực, dễ gây tổn thương người khác.
Quyết thay đổi, tôi tham gia các khóa thiền, giúp giữ bình tĩnh trước khi quyết định điều gì. Nói thì dễ nhưng hành trình thật cam go. Cơ bản chúng ta đã quen hành xử nóng nảy nên luyện thiền khó lắm. Vậy nhưng khi nắm bắt được mấu chốt vấn đề, chúng ta sẽ làm được.
Tôi rất mừng khi thấy mình bắt đầu thận trọng hơn, không nói năng quàng xiên như trước, suy nghĩ thấu đáo trước khi phản hồi điều gì đó. Bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay.
Xuân Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM): Chuyện gì cũng có hai mặt
Áp lực cuộc sống gia đình khiến nhiều phụ nữ hành xử như thế, không riêng gì bạn. Tôi cũng từng như vậy. Giờ, tôi tập bỏ qua, cố gắng không cảm thấy “ngứa miệng”, không nói năng mất kiểm soát nữa.
Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày, đến nỗi chồng tôi tỏ ý nghi ngờ rằng tôi… có người khác chứ không thể bỗng dưng tôi hành xử khác trước đến vậy. Ngày anh hỏi tôi câu đó, tôi biết mình thành công.
Những ngày mới tập, tôi chỉ nín đến nửa chừng rồi bật lại. Sau đó, tôi giật mình, lại im. Cứ thế, tôi vật vã trong việc cố gắng… không thèm nói gì hết.
Chuyện gì cũng có hai mặt. Im riết, tôi không còn hứng thú nói chuyện với chồng, không muốn san sẻ gì nữa. Ngày ngày, tôi cứ lặng lẽ nhưng ít ra tôi thấy mình ổn hơn trước. Với tôi, vậy là được.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn