Vợ chồng bác sĩ "đại đao": Cứ mãi là tình nhân

27/02/2022 - 05:31

PNO - Bệnh nhân và đồng nghiệp đều quý nể bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) bởi y đức của anh cùng những thành tựu trong điều trị ung thư phụ khoa. Bác sĩ Tiến còn được ngưỡng mộ vì có cuộc hôn nhân viên mãn bên vợ và hai người con đang tiếp nối nghề y.

 

“Đại đao" của bướu khủng 

Cậu học sinh Nguyễn Văn Tiến ở Cao Lãnh, Đồng Tháp luôn ước mơ trở thành công an hoặc bộ đội. Thế nhưng, vào năm 1982, khi cậu em út mất trên tay mình và nhiều người trong xóm ra đi vì bệnh sốt xuất huyết, Tiến bắt đầu khát khao trở thành bác sĩ (BS) để được cứu người. 

Khi biết ước mơ của con, ba của Tiến đã đánh vào đầu cho anh tỉnh mộng “con nhà nghèo mà mong làm BS”. Thế nhưng cái roi của cha chỉ làm Tiến quyết tâm hơn. Tiến học ngày học đêm và thi đậu vào Trường đại học Y Dược TP.HCM vào năm 1984. 

Gần 40 năm trôi qua, từ cậu học sinh tỉnh lẻ cho đến BS Nguyễn Văn Tiến nổi tiếng, anh vẫn vẹn nguyên ước mơ xưa là phụng sự giúp người, cứu người.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - chuyên gia xử lý  những khối bướu khổng lồ
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - chuyên gia xử lý những khối bướu khổng lồ

Ngày đầu tuần của tháng 2/2022, đang sải bước nhanh về phòng làm việc, trên đoạn đường hơn chục mét từ cổng Khoa Ngoại 1 đến phòng làm việc của khoa, BS Tiến phải dừng lại nhiều lần ở hành lang vì người “chào BS”, người nắm tay khoe: “Em khỏe rồi, em cảm ơn BS đã cứu mạng em”… Ở Khoa Ngoại 1 của BS Tiến, rất nhiều bệnh nhân bụng to vượt mặt, chịu đựng những cơn đau đớn.

Họ là những bệnh nhân có khối u lớn trong người và phần nhiều trong số đó bị ung thư cổ tử cung (CTC), buồng trứng… Ở đây, chuyện các BS Khoa Ngoại 1 xử lý những khối bướu 10 - 20kg là chuyện bình thường. Riêng với BS Tiến - người được mệnh danh là “đại đao”, anh chuyên đảm nhận những khối bướu khổng lồ: 40 - 50kg. 

Năm 2015, BS Tiến gây tiếng vang trong ngành khi phẫu thuật cắt khối bướu nặng 40kg cho nữ bệnh nhân 49 tuổi ở Long An. Các con của bệnh nhân đã khóc vì hạnh phúc khi mẹ được giải thoát khỏi chiếc “trống” khổng lồ chèn ép khiến bà không thể đi đứng, hay nằm ngủ. Gần đây, BS Tiến lại đánh dấu kỷ lục mới khi phẫu thuật thành công khối bướu 50kg ở bụng cho cô gái 18 tuổi Lê Thị Diễm ở Bạc Liêu. Diễm tìm đến Khoa Ngoại 1 sau khi đã đi nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào dám mổ. Có nơi tiên lượng Diễm chỉ sống được chưa đầy 15 ngày. 

BS Tiến nhận phẫu thuật cho Diễm. Cô gái được giải thoát khỏi nỗi oan “chửa hoang”. Ghi ơn tái sinh, Diễm gọi BS Tiến là “cha”. Trước tết, Diễm đến tái khám và BS Tiến không nhận ra cô, bởi “cô bé ễnh ương” đã trở thành thiếu nữ xinh xắn.

Dù đã hơn 30 năm làm nghề, nhưng trái tim BS Tiến vẫn thắt lại mỗi khi gặp bệnh nhân không có tiền điều trị. Anh thường âm thầm vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí. BS Tiến trải lòng: “Với phụ nữ, bị ung thư đã là một bất hạnh và bất hạnh nhân đôi, nhân ba khi họ bị người bạn đời bỏ rơi, ly hôn. Có nhiều người, dù rất trẻ, vẫn không thể lấy chồng, sinh con… vì ung thư phụ khoa. 

Vợ chồng BS Tiến vẫn thắm thiết như ngày nào
Vợ chồng BS Tiến vẫn thắm thiết như ngày nào

 

Trước những cảnh này, tôi luôn tự vấn: có cách phẫu thuật nào mà không để lại sẹo lớn cho bệnh nhân, thời gian hậu phẫu nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn? Cách phẫu thuật nào vẫn bảo tồn được CTC để những phụ nữ trẻ vẫn có cơ hội làm mẹ? Cách phẫu thuật nào để các bệnh nhân vẫn quan hệ tình dục bình thường sau điều trị ung thư phụ khoa…”.

Từ những trăn trở này, BS Tiến đã đóng góp nhiều thành tựu y khoa lần đầu tiên có ở Việt Nam: “Phẫu thuật CTC nội soi” (không đau và không để lại sẹo xấu); “Phẫu thuật type C1” (lấy khối u rộng hơn, nạo hạch nhiều hơn để tránh tái phát và di căn. Đồng thời, bảo tồn được các dây thần kinh vùng chậu giúp bệnh nhân đi tiêu tiểu sớm hơn, xuất viện sớm hơn); “Kỹ thuật cắt CTC tận gốc và bảo tồn sinh sản” (sau phẫu thuật này bệnh nhân vẫn có khả năng sinh nở), và mới đây là kỹ thuật “nối dài âm đạo” (giúp cải thiện chức năng tình dục, sinh hoạt vợ chồng bình thường). 

Đi đâu, các thành viên gia đình bác sĩ Tiến luôn có nhau
Đi đâu, các thành viên gia đình bác sĩ Tiến luôn có nhau

 

Yêu là phải nói…

Ngồi xuống chiếc sofa quen thuộc ở phòng khách và đưa mắt về gian bếp, nơi chị Lê Thị Ánh Tuyết - vợ BS Tiến - đang chuẩn bị bữa tối, BS Tiến tâm sự: “Người ta hay nói “phía sau một người đàn ông thành công là bóng dáng một người phụ nữ”. Với tôi câu này đúng 100%. Nếu không có bà xã, chắc chắn không có BS Tiến của ngày hôm nay”. 

Căn nhà sang trọng ở Q.Tân Bình, TP.HCM do “một tay vợ tôi lo kinh tế gia đình đó”. BS Tiến nói về vợ với ánh mắt yêu thương chan chứa sự hàm ơn. Anh kể: “Lúc trước, tôi cũng định mở phòng mạch, nhưng vợ tôi cản, nói tôi chỉ chuyên tâm làm ở bệnh viện, kinh tế để vợ lo. Vợ tôi là giám đốc công ty kinh doanh máy nông ngư cơ. Cô ấy tốt nghiệp Đại học Tổng hợp (ngành sinh học), nhưng nghề chính là chăm lo cho ba cha con tôi”. 

Trên trang Facebook của hai anh chị luôn có hình ảnh gia đình đầm ấm
Trang Facebook của hai anh chị luôn có hình ảnh gia đình đầm ấm

 

Lúc này, chị Tuyết ngồi xuống cạnh tôi, nở nụ cười thân thiện. Nụ cười mà tôi đã gặp hàng trăm lần trên trang Facebook của BS Tiến. Ở đó, ngoài những bài viết cung cấp kiến thức ung thư phụ khoa, cập nhật các kỹ thuật trong điều trị bệnh, BS Tiến luôn dành một vị trí trang trọng cho gia đình. Hình ảnh vợ chồng đi du lịch, sinh nhật, về quê… được BS Tiến đăng rất nhiều. Luôn là hình ảnh hai vợ chồng tay trong tay tình cảm, hay gia đình bốn người bên nhau trong bữa ăn tối ấm áp. 

Ngược lại, trên Facebook chị Tuyết cũng nhiều khoảnh khắc sum họp bên gia đình, hay những buổi hẹn hò riêng tư của hai người. Mới đây, dịp lễ tình nhân 14/2, chị Tuyết đăng hình vợ chồng trước rạp phim và viết: “Hãy cứ mãi là tình nhân nha anh xã. Tối hôm qua cùng “ấy ấy” đi xem phim ma thiệt là rùng rợn, kinh dị. Valentine của tôi đơn giản như vậy đó. Nhớ mãi 14/2/2022 nha anh xã”. 

Gia đình bác sĩ Tiến là hình mẫu mơ ước của nhiều người
Gia đình bác sĩ Tiến là hình mẫu mơ ước của nhiều người

 

Tôi hơi ngạc nhiên nên hỏi: “Thường vợ chồng rất ngại thể hiện tình cảm trước đám đông, hay trên mạng xã hội. Vì sao anh chị có thể thoải mái chia sẻ điều đó?”. Chị Tuyết vui vẻ nói: “Vợ chồng tôi sống thế nào, tình cảm ra sao thì cứ tự nhiên thế thôi”. 

Sống thẳng, sống thật và chân thành trong mọi chuyện, mọi mối quan hệ là quan niệm sống của vợ chồng BS Tiến. Chị Tuyết kể, hai người đến với nhau bằng tình yêu chân thành, không tính toán nên cuộc sống chung mấy chục năm sau cũng nhẹ nhàng như ngày mới yêu.

Chị nhớ lại: “Anh Tiến học cùng trường y với chị tôi. Anh thấy tôi dễ thương, tôi thấy anh dễ thương. Vậy là yêu, là cưới”. 

Là con gái cưng, vậy mà sau khi lấy chồng, chị Tuyết phải bán thuốc tây, xin đi phụ phòng mạch, buôn bán… Công việc vất vả, nhưng chị luôn vui cười, động viên chồng khi anh còn làm việc không lương cho một bệnh viện: “Anh cố lên, rồi cũng có ngày thành công”. 

“Anh là BS, anh cần chuyên tâm cho bệnh nhân. Có chồng là BS ngoại, tôi không dám tranh cãi. Vì nếu gây nhau sẽ ảnh hưởng tâm trạng của chồng, sợ ảnh mổ không tốt”. Câu nói tưởng đùa, nhưng là quan điểm rất thật của chị Tuyết. Chị luôn sống trong tâm niệm “nhường nhịn chồng”. 

BS Tiến cũng luôn cư xử nhẹ nhàng “không được để vợ buồn”. Vì lẽ này mà căn nhà của anh chị luôn rộn tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát. 

Chị Tuyết chia sẻ: “Có lúc đi nhập hàng về 4 - 5 container, người ta đi cả vợ chồng, tôi chỉ một mình, cũng có chút tủi. Nhưng cảm giác này thoáng qua, vì tôi biết chồng đang tận lực với bệnh nhân. Chung tâm niệm giúp người, cứu người nên cả hai đều thoải mái”.

BS Tiến thì khoe: “Tôi biết đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, lau nhà. Cuối tuần, tôi vào bếp phục vụ cho ba mẹ con với món ruột là lẩu mắm”. 

Chị nói: Nếu gây nhau sẽ ảnh hưởng tới tâm lý bác sĩ khi phẫu thuật
Chị nói, nếu vợ chồng gây nhau sẽ ảnh hưởng tới tâm lý bác sĩ khi phẫu thuật...

 

Trong sự nghiệp riêng họ đều thành công, nhưng niềm tự hào nhất của vợ chồng BS Tiến là hai con: Nguyễn Lê Đăng Khoa (sinh năm 1993), hiện là BS công tác tại Bệnh viện Ung Bướu, và con gái là Nguyễn Lê Đăng Uyên (sinh năm 2000), hiện là sinh viên năm thứ tư Trường đại học Y Dược TP.HCM. 

Đăng Uyên tâm sự: “Em rất ngưỡng mộ ba và anh Hai nên cũng theo ngành y. Em tin, những thế hệ sau này của gia đình sẽ luôn có người tiếp nối nghề”. 

Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, vợ chồng BS Tiến thường nhìn nhau trìu mến. Ánh mắt họ luôn chạm nhau, hạnh phúc, viên mãn. 

Thùy Dương

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI