Vợ cầm mũ bảo hiểm đánh chồng giữa phố, mặc con khóc thét: Gậy ông lại… đập lưng ông!

01/07/2016 - 06:12

PNO - Vợ chồng giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực trước mặt con nhỏ sẽ thỏa mãn được sự búc xúc nhất thời trong lòng nhưng lại phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề khi đánh mất đi niềm tin của con cái.

Đoạn băng ghi hình người vợ cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào người chồng, mặc cho đứa con nhỏ đang khóc thét vì sợ hãi vào đêm ngày 23/6 trên đường Lý Tự Trọng, Q. 1, TP. HCM đã khiến nhiều người bức xúc.

Báo Phụ nữ TP. HCM đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Khanh – PGĐ Trung tâm Tâm lý Giáo dục Rồng Việt xung quanh vấn đề này.

PV: Vợ chồng nào cũng có lúc “bát xô, đũa lệch” là quan niệm của rất nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kìm nén được sự bực tức để tránh thể hiện điều đó trước mặt con nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ ra sao?

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Có thế nói đó là một tổn thương về tâm lý khó bình phục. Bởi vì hơn ai hết, người cha hay mẹ luôn là thần tượng của con cái. Người cha hay mẹ cũng là người mà trẻ tin tưởng và yêu thương, và khi chứng kiến việc ẩu đả giửa hai người mà trẻ tôn trọng và yêu thương thì đó là một sự gãy đổ niềm tin . Trẻ sẽ không còn biết tin vào những gì tốt đẹp nữa.

Vo cam mu bao hiem danh chong giua pho, mac con khoc thet: Gay ong lai… dap lung ong!
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.

Điều tệ hại không phải chỉ là những cãi vã hay dùng tay chân thay cho lời nói, mà điều tệ hại nhất là khi cha mẹ tìm cách lôi kéo đứa con về phía mình, đôi khi cố tình cho con chứng kiến sự tranh cãi, xô xát để nó phải biết “thương mình” và sẽ “ghét kẻ kia”! Có thể trẻ sẽ tỏ ra bênh vực mẹ hay bố , nhưng đó không phải là sự thành công, mà đó là dấu hiệu của một sự thảm bại.

Đã có nhiều trường hợp cha mẹ “đổi vai” cho con sau những mâu thuẫn với nhau. Đứa trẻ sẽ trở nên “người chủ” trong gia đình, nó sẽ trở nên ích kỷ, đòi hỏi thậm chí là độc ác , khi mà những người mà nó yêu thương đã tự đánh mất lòng tự trọng qua việc lôi kéo, chiều chuộng để trẻ về “ phe với mình” .

PV: Được biết, hầu hết các cặp vợ chồng đều cảm thấy việc ẩu đả trước mặt con là hành động sai trái. Nhưng chỉ khi điều ấy diễn ra rồi thì họ mới hối hận. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Đây là điều mà không phải các bâc làm cha mẹ không biết, họ hiểu rằng sự xung đột trước mặt con là điều không nên, nhưng họ lại không kiểm soát được lời nói hay hành vi của mình, bởi vì khi tranh cãi họ vô tình bị cuốn vào tình trạng mất kiểm soát sự tức giận của mình do sự “leo thang” cảm xúc . Khi đối phương đưa ra một câu, thì lập tức sẽ nhận được một phản hồi “cao hơn” một bậc , cứ thế cho đến khi đối phương phải đuối lý. Nhưng sự đuối lý đó đã đẩy cảm xúc lên đến một “ tầm cao mới” để đi đến sự bùng nổ.

Không chỉ trong gia đình, mà sự bùng nổ đó có thể diễn ra bất cứ ở nơi đâu – trên FB cũng đã có một video clip diễn tả hành vi người vợ dùng mũ bảo hiểm để quật người chồng, và ông chồng phải hét lên vì sợ trúng vào đứa con và đứa bé trong tình huống ấy hẳn là sẽ sợ chết khiếp, sự tổn thương tâm lý là điều chắc chắn cho dù bé có thể không hề hấn gì về thể chất.

Vo cam mu bao hiem danh chong giua pho, mac con khoc thet: Gay ong lai… dap lung ong!
Hình ảnh người vợ đánh chồng, mặc cho con nhỏ khóc thét trong sự sợ hãi ở đường phố TP. HCM vào tối ngày 23/6.

PV:  Việc cha mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trước mặt con nhỏ chắc chắn sẽ gây ra ảnh hương tâm lý không tốt cho trẻ. Thậm chí nó còn khiến trẻ trở lên nguy hiểm khi phải chứng kiến thường xuyên cảnh tượng đó. Vậy bố mẹ phải ứng xử như thế nào sau khi đã “lỡ” xô xát trước mặt con?

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Hầu hết sau các cuộc xô xát là sự ân hận và đau khổ. Nhưng làm thế nào để phòng tránh lại là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu là người thương con và tôn trọng con, thì khi bắt đầu cảm thấy “bầu khí đang nóng dẩn lên” thì cha mẹ nên để ý xem là trẻ có đang phải làm khán giả bất đắc di không, nếu có thì hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc, để kềm chế hay đi ra ngoài tầm mắt của trẻ . Hoặc hãy dợi khi trẻ không có nhà, thậm chi là có thể đưa nhau đến một nơi nào đó để giải quyết vấn đề, để tránh cho con có những tổn thương không đáng có.

Bởi vì, điều đó không chỉ la những đau khổ nhất thời, mà sẽ là những tổn thương lâu dà , không phải chỉ đứa trẻ gánh chịu mà chính cha mẹ sẽ là người “lãnh nhận” hậu quả đôi khi còn nặng nề gấp bội , bởi vì khi đã đánh mất lòng tin của con thì coi như họ đã mất tất cả những gì tốt đẹp mà họ muốn dành cho con mình.

Không có hạnh phúc nào lớn lao hơn đối với các bậc cha mẹ là thấy những đứa con thân yêu của mình vui vẻ và khỏe mạnh từ thế chất đến tinh thần. Vì vậy, đừng đễ sự mất kiểm soát qua những mâu thuẫn nhất thời trong mối quan hệ vợ chồng phá hủy đi điều mà chúng ta đã phải bỏ hết sức lực ra gây dựng từ ngày này qua ngày khác trong đời sống gia đình của chính chúng ta !

Cảm ơn ông đã trao đổi với Phụ nữ TP. HCM!

Song Phương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI