Vô cảm

19/04/2013 - 16:54

PNO - PN - Chị nhào đến tôi, khóc: “Con Tâm nhà chị, hết thuốc chữa rồi em ơi! Bệnh của nó, không biết vái phương nào cho hết. Cái thói vô cảm vô tâm này, chị đau lắm!”. Tâm - cháu gái 16 tuổi xinh xắn, học rất giỏi, là niềm tự hào...

Hôm rồi nhà có tiệc, chị rủ con gái đi chợ. Ban đầu, Tâm không đồng ý, viện cớ phải học bài. Chị hỏi con gái có muốn mua gì không thì Tâm đáp: “Thôi để con đi với mẹ vì có vài món đồ cần mua”. Đến chợ, Tâm nhất định không đi với mẹ mà nhanh chân rẽ sang hướng khác. Chị chỉ biết hẹn con gái ở bãi giữ xe. Xong xuôi đâu đó, chị ra đến điểm hẹn thì thấy con cau có: “Mẹ làm cái gì mà lâu vậy?”. Chị chưa kịp giải thích thì Tâm dùng dằng bỏ đi. Mồ hôi nhễ nhại, phần lỉnh kỉnh tay xách nách mang, phần phải dắt xe ra, chị kêu con: “Cầm hộ mẹ với”. Con bé đáp ngay: “Của mẹ, mẹ cầm. Của con, con mang”. Chị đứng như trời trồng, “của con” chỉ là chiếc kẹp tóc và tuýp kem chống nắng. Chị kể thêm: “Mấy lần đón nó học về, mình có thể đứng đợi hàng tiếng dưới trời nắng, trời mưa không sao. Còn hễ nó tan trường năm phút không thấy ai đón thể nào cũng cằn nhằn”. Chị hỏi tôi có phải con gái không biết thương mẹ, rồi tự trả lời: “Em nó mà nó cũng chẳng thương. Thằng bé vào phòng nó chơi, nghịch vài món đồ thể nào cũng bị quát hoặc thẳng tay đẩy ra khỏi phòng. Thằng em nhờ giúp đỡ, nó ngoảnh mặt, nói, việc ai nấy lo”.

Vo cam

Mới đây, Tâm mượn xe gắn máy của bạn về nhà. Vì mới tập lái nên cô bé không kịp phản ứng suýt va phải bác hàng xóm lớn tuổi vừa chạy xe máy từ nhà ra. Được bác ấy đỡ dậy, chẳng những không biết cảm ơn, Tâm còn la lên: “Mắt mũi để ở đâu vậy ông?”. Hơi khựng lại trước câu nói của cô gái, bác hàng xóm vẫn hỏi: “Con có sao không?”. Tâm đáp: “Ông già rồi sao không ở trong nhà hay nhờ ai chở đi mà ra đường chi cho phiền phức vậy!”. Nói xong, Tâm dông thẳng, bỏ lại người hàng xóm đáng tuổi ông bà đứng lắc đầu ngán ngẩm.

Tuần rồi, bà ngoại của Tâm đổ bệnh. Dù con gái viện cớ có tiết kiểm tra toán sáng mai, chị vẫn kiên quyết muốn con cùng đi thăm bà. Thay chiếc áo mất gần bốn mươi phút đã đành, Tâm còn tỏ thái độ khó chịu, trong lúc chị cuống lên thì con gái làm gì cũng từ từ, rề rà. Thế nhưng vừa dắt xe ra khỏi cổng, chị thấy con gái ngồi thụp, ôm bụng la: “Con đau quá”, sau đó lao vô nhà vệ sinh rồi chạy thẳng lên phòng, lấy dầu xoa. Thấy vậy, chị để con ở nhà nghỉ ngơi. Cảm giác bất an, chị ghé tiệm thuốc mua cho con rồi quay về. Chưa kịp gõ cửa phòng con gái thì chị nghe có tiếng vọng: “Tao vừa hoàn thành cú lừa ngoạn mục, bà ngoại bệnh, mẹ bắt tao qua thăm, nhưng tao vờ đau bụng”. Chị chưa hết bàng hoàng thì nghe con tiếp: “Mẹ cứ làm lớn chuyện chứ người già ai chả bệnh. Không lẽ mỗi lần “lên cơn” là phải đi thăm. Thôi, tí mày qua chơi nhé!”…

Chị hỏi: “Do đâu mà Tâm ra nông nỗi này hả em?”. Không thể trả lời, nhưng tôi “rà” ra được một số lý do có khả năng cao. Chị khá bận rộn khi vừa là trưởng phòng một công ty lớn, vừa đóng vai trò nội trợ và cả “tài xế” của con. Thời gian rỗi không nhiều để chị có thể thảnh thơi ngồi với con hỏi han, chia sẻ và nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của con, dẫn đến con gái theo thời gian cuộn mình trong vỏ bọc của cái tôi, vô tâm với chung quanh. Việc Tâm học giỏi và chị thấy điều ấy đáng để không đòi hỏi con phải động tay vào việc gì, phải chăng cũng là lý do chính?

Ngân Du

Từ khóa Vô cảm
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI