Sau suất diễn tối 8/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: Minh Trường, Nhã Thy, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Nhựt Nguyên, Diệp Duy…, vở cải lương Chân dung người mở cõi (kịch bản: Phạm Dũ, kịch bản chuyển thể cải lương Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nguyễn Minh Trường - Vũ Trần) sẽ dự Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc tại Long An vào tháng 11 tới.
|
Chân dung người mở cõi vẽ nên chân dung Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh qua một câu chuyện hư cấu hấp dẫn |
Một câu chuyện hư cấu hấp dẫn
Chân dung người mở cõi (tên gọi khác là Nguyễn Hữu Cảnh) kể về quá trình Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) nhận lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai và bình định Chân Lạp (từ năm 1698). Vốn sử liệu khá ít ỏi, gần như chỉ đại lược công trạng mở mang bờ cõi, bước đầu an định vùng đất phương Nam. Còn thì đường đi nước bước của ông trên vùng đất mới như thế nào thì hầu như không rõ.
Đó chính là không gian sáng tạo rất lớn cho người làm nghệ thuật. Cũng chính là yếu tố hấp dẫn Nguyễn Minh Trường chọn kịch bản Nguyễn Hữu Cảnh của tác giả Phạm Vũ để thực hiện tác phẩm tốt nghiệp đạo diễn sân khấu của mình vào năm 2020. Sau hai năm, Nguyễn Minh Trường tiếp tục nâng cấp vở diễn để dự Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, và lần này anh cũng đảm nhận luôn vai trò kép chính.
Theo Nguyễn Minh Trường, tác phẩm sân khấu dù là đề tài nào, thì muốn thu hút khán giả, trước hết phải kể câu chuyện hấp dẫn. Nhưng vì nhiều lý do, tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử những năm qua thường bị mặc định là khô khan, nhàm chán, khó thu hút người xem. “Tôi cho rằng do cách kể chuyện còn quá an toàn và hầu như chỉ phụ thuộc vào sử liệu. Cho nên một câu chuyện hoàn toàn hư cấu về quá trình Nguyễn Hữu Cảnh bình định phương Nam của tác giả Phạm Dũng khá táo bạo. Quan trọng hơn là những hư cấu khá hợp lý và tạo được kịch tính làm người xem bất ngờ” - Nguyễn Minh Trường chia sẻ.
|
|
Chân dung người mở cõi không đi sâu vào những chiến công trên chiến trường của Nguyễn Hữu Cảnh, mà là cuộc đấu trí giữa những gián điệp và phản gián của Đại Việt và Chân Lạp. Thông qua nhân vật có vai trò dẫn dắt mạch truyện là Huyền Thư - cô gái có thân phận bí ẩn được xem là “hồng nhan tri kỷ” bên cạnh Nguyễn Hữu Cảnh - tài trí và đức độ của bậc danh tướng mở đất cũng như những giá trị tiêu biểu ngàn đời của dân tộc được tôn vinh.
Với cốt truyện nhiều nút thắt, vở cũng chọn cách dàn dựng khá điện ảnh với những bối cảnh thực - hư xen kẽ liên tiếp và tình huống tạo nút thắt kết vở thực sự làm khán giả bất ngờ. Lâu nay, trên sân khấu cải lương, những kịch bản có nút thắt bất ngờ như thế này không nhiều.
Vở Chân dung người mở cõi có cốt truyện kịch tính, cách kể chuyện mới mẻ, nhưng về tổng thể cần phải tiếp tục hoàn thiện để chinh phục những người xem khó tính. Vở cần sắp xếp lại đường dây câu chuyện cho liền lạc hơn, điều chỉnh tiết tấu, tránh dàn trải, khi lơi khi chặt. Khâu chuyển cảnh là một điểm trừ lớn khi có phần chậm trễ và cập rập làm trì mạch diễn. Các nghệ sĩ cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện khi vẫn còn vấp lời thoại, và thiếu sự hòa hợp trong ca diễn lẫn phối diễn cùng nhau |
Mạnh dạn “bước qua định kiến”
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường cho rằng, đề tài lịch sử vẫn là một kho tàng đầy tiềm năng của sân khấu cải lương, nhưng lại đầy thách thức. Anh nói: “Ngoài những nhân vật anh hùng dân tộc với những chiến công rạng rỡ, những trận đánh lẫy lừng ghi rõ ràng trong sử sách - vốn có nhiều chất liệu khai thác và cũng dễ được tiếp nhận hơn - thì còn rất nhiều nhân vật hay nhưng ít được biết đến. Những gì để lại chỉ vài dòng chung chung công trạng hoặc vài giai thoại dân gian. Muốn khai thác những nhân vật này, để mang đến những câu chuyện mới lạ hơn cho sân khấu cũng rất khó, vì nhiều người trong chúng ta vẫn có thói quen e dè, khó tiếp nhận những gì nằm ngoài sử sách hay ấn tượng quen thuộc. Hư cấu trong tác phẩm lịch sử luôn bị soi xét dưới kính hiển vi và dễ bị phản bác vì định kiến, nên người làm nghề cũng dễ nản lòng và chọn cho mình giải pháp an toàn”.
|
|
Thời gian qua, những nhân vật một thời gây tranh cãi như Tả quân Lê Văn Duyệt hay các danh thần triều Nguyễn được quan tâm chú ý và khai thác nhiều. Điều này thể hiện xu thế cởi mở hơn trong sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. “Thời gian tới, tôi mong cả người sáng tác lẫn người xem đều mạnh dạn vượt qua định kiến với tư duy cởi mở hơn để cùng nhìn lại. Hãy cùng tái khám phá những nhân vật lịch sử hay, còn nhiều góc khuất, đặc biệt là những nhân vật gắn liền với công cuộc khai phá và mở mang bờ cõi trên vùng đất phương Nam. Đây là cách tri ân xứng đáng công trạng người dựng nước, cũng là nâng cao nhận thức về chủ quyền bờ cõi và thúc đẩy tư duy sáng tạo cởi mở của người làm nghệ thuật” - nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường chia sẻ.
Ninh Lộc