“Tôi và anh khắc khẩu, cãi nhau tưng bừng chỉ vì vợ bận bịu với một tá công việc còn chồng chẳng biết phụ gì. Thậm chí khi tôi không còn kiên nhẫn “tôi là vợ hay ô sin trong cái nhà này?”, anh vẫn bình thản xem ti vi, còn nói vọng qua các con,“mạ (mẹ) tụi bay chỉ giỏi mỗi chuyện cằn nhằn”. Câu chuyện đời thường ấy đã từng diễn ra trong ngôi nhà của chị Dương Trà Mi và anh Lê Huy Hoàng Hải (TP. Huế).
|
Tổ ấm hạnh phúc của anh chị Hải - Mi. Ảnh: Nhân vật cung cấp (NVCC) |
Yêu thì lấy thôi
Chị Trà Mi từng là á khôi của trường cấp ba ngày đó. Anh Hoàng Hải thì nổi tiếng đẹp trai lãng tử. Như bao câu chuyện tình khác, cô nữ sinh xinh đẹp lọt vào mắt xanh chàng sinh viên năm nhất, rồi tình cảm dần nảy nở đẹp như mơ.
Ngày bé, chị sớm phải xa mẹ để theo ba, sống cùng ông bà nội ở Huế. Mẹ và em gái ra Hà Nội sống với ông bà ngoại. Anh Hải từ nhỏ đã sống với nội vì mẹ bị bệnh tim, lớn lên chút nữa anh lại phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của anh trai và bố. Sự đồng cảm về hoàn cảnh khiến họ gắn kết với nhau nhiều hơn. Đợi chị tốt nghiệp đại học, họ về chung một nhà.
|
Vẻ thanh tú dịu dàng của chị từng khiến anh mê đắm. Ảnh: NVCC |
“Yêu thì lấy thôi”, quan niệm đơn giản của những người trẻ tuổi khiến họ mộng mơ về tương lai. Thế nhưng, no đủ về vật chất chưa hẳn quyết định sự trọn vẹn trong hôn nhân khi lối sống bất đồng.
Chị Mi là một cô gái Huế chính hiệu, siêng năng, chu đáo, thích sự cầu toàn, anh Hải cũng là trai Huế không lẫn vào đâu, gia trưởng và vô tâm. Mọi công việc nhà in sâu trong tư tưởng anh rằng đó là việc của đàn bà, của vợ. Vì thế, trong khi chị làm không hết việc, anh lại điềm nhiên xem đó là bình thường. Chị kể, có những hôm 11g đêm, chị mỏi tay ủi áo quần, anh lại nằm khểnh cười khúc khích với những clip hài trên mạng… Thế là tranh cãi, giận hờn. Mức độ và tần số cãi vã càng tăng khi 2 chị em Heo, Nghé lần lượt ra đời. Bạn bè gặp chị cũng bất ngờ vì gương mặt bợt bạt, trong khi anh lại được khen ngày càng trắng trẻo và mập lên.
“Mình ôm đồm thế để làm gì? Để được chồng ghi nhận và mọi người ngợi khen là đàn bà đảm đang? Đâu có, đàn ông dường như không ghi nhận điều đó, họ mặc định tất cả việc nhà và chăm con vốn dĩ của đàn bà. Công việc của mình và bà giúp việc chẳng khác nhau là mấy. Thiên hạ khen đâu chả thấy chỉ thấy chê mình càng lúc càng già ”, chị Mi mỉm cười nhớ lại. Rồi chị nhận ra “muốn người khác thay đổi, bản thân mình phải đổi thay”.
|
Cuộc "cách mạng" khiến chồng chị phải thay đổi lối sống. Ảnh NVCC |
Muốn người khác thay đổi, bản thân mình phải đổi thay
Một cuộc “cách mạng” thực sự bắt đầu. Chị lơi dần những công việc nhà, nấu ăn tùy hứng và đa phần bản thân thích gì nấu nấy. Chị chẳng chạy theo khẩu vị và sở thích của chồng nữa. Nếu không thích, anh có thể tự tìm món khác. Chị nhờ anh đưa đón con nhiều hơn, rồi dần dà mặc định thành một thói quen. Chị mệt thì bếp nghỉ, cả nhà đi ăn tiệm. Anh đi nhậu, chị chẳng còn đợi cửa để cằn nhằn, mẹ con chị cơm nước xong đi ngủ sớm. Sinh nhật, chị hỏi anh thích gì mới mua chứ không vò đầu bứt tai tìm món “độc” để làm chồng bất ngờ rồi nhận lại cái lắc đầu chê xấu hay đắt, rẻ. Chị làm ngơ trước thái độ cau có của anh “vì sao áo quần chồng chưa ủi, cơm úp lồng bàn mà không bê lên”...
Chị vẫn tôn trọng chồng, tôn trọng sở thích của các con, nhưng chị cũng phải “tôn trọng bản thân mình”. Sự thay đổi chóng vánh của vợ khiến anh Hải “hết hồn”. Chị dành thời gian cho bản thân nên ăn mặc đẹp hơn, chưng diện hơn. Chị cũng bắt đầu hẹn hò bạn bè cà phê nhiều hơn. Đồng nghiệp rỉ tai anh “người đẹp đã xuất thế, anh không biết giữ khéo mất”. Anh Hải vốn đã không thích vợ đi đâu mà không có chồng nên bắt đầu “nóng mặt”. Giờ lại thấy chị ngó lơ những yêu cầu và cảm xúc của mình nên đành xuống nước.
|
Anh phải chạy đua cùng 3 mẹ con chị. Ảnh NVCC |
Những trận khẩu chiến đã được anh “hạ tông” khi chị đóng vai “nữ cao”. Lạ một điều, anh lại là người chủ động làm lành xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Thấy chị soạn hàng đi giao cho khách, anh vui miệng “lại chuẩn bị làm xe ôm không công”, nhưng khi chị hỏi lại “anh có chở em đi không để biết” thì đã thấy anh dắt xe ra trước cổng chờ.
Tối đến, trong khi chị kèm bé đầu học bài, cu Nghé kêu đói bụng chạy lại lay tay ba, anh không còn nằm yên sai vợ nữa mà ân cần lấy sữa cho con. Bây giờ chị thoải mái đi tập tành giữ vóc dáng vì đã có anh đưa đón con. Nhiều hôm, anh chủ động rủ vợ đi coi phim, uống trà sữa. Trưa vợ không về, anh vẫn vui vẻ "seo-phì" khoe cơm sườn, canh cá. Trước mặt bạn bè, anh nói lời có cánh “tao được vợ nuôi” dù mọi người đều hiểu, chị Mi lo chi tiêu trong nhà, còn anh thì chủ chi những chuyện mua sắm lớn.
|
Trốn con đi xem phim. Ảnh: NVCC |
Cứ ngỡ chồng mình ích kỉ vì quen được nuông chiều, hầu hạ đến lười nhác bám rễ vào trong nếp nghĩ, chị Mi cũng bất ngờ khi anh thay đổi theo. Có lúc chị đùa với anh: “Có phải chồng tui đây không?”, “Thưa mụ, em là Hoàng Hải – ba của Heo và Nghé ạ”, anh nói và bật cười hài hước khiến chị thấy rưng rưng.
Thì ra, ai cũng có thể thay đổi khi đặt trong một tâm thế mới. Chị không còn ôm đồm, gồng mình để được chồng con ghi nhận, mọi người khen. Chị đã cởi bỏ áo khoác mình là trung tâm của bếp núc, con cái, dọn dẹp nhà cửa.
|
Cuộc sống đã đổi thay khi họ nhìn về một hướng. Ảnh: NVCC |
Sự cầu toàn của vợ cùng với sự ỷ lại của chồng khi thấy vợ làm việc quần quật suốt ngày mà vẫn khỏe khoắn lâu dần thành một thói quen trong nếp nghĩ. Hơn thế, tư tưởng, việc nhà là của đàn bà đã khiến nhiều người chồng quên mất việc chia sẻ cùng vợ.
“Phụ nữ vẫn hay tự làm khổ mình” chị Mi rút ra từ bản thân. Từng sự thay đổi nhỏ làm nên những chuyển biến lớn. “Bớt việc, thêm vui, chồng nào cũng muốn về nhà mà vợ con vui vẻ. Cũng như người vợ nào cũng mong chồng san sẻ đỡ đần”. Chị Mi vừa nói vừa chỉ vào khóm hồng trước mặt “hôn nhân cũng như một cây hoa, ngoài bàn tay chăm sóc còn phải đủ nắng, đủ gió và cả mưa sa thì mới ra hoa và kết trái”.
Lâm Hoàng