Vợ bỗng dưng đổi tính, đùng đùng mang con về nhà ngoại không lý do

01/03/2023 - 10:24

PNO - Là một người đàn ông của gia đình, anh không thể mặc nhiên chấp nhận một cuộc sống ly thân không lý do như thế được.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và vợ có 1 cháu gái, cháu năm nay lớp 11. Tôi 62, vợ 52. Từ nhiều năm nay, vợ tôi trở tính ăn nói cộc lốc, chửi thề và dắt con về ngoại sống. Hằng tháng tôi đưa hết lương và không hề biết lương cô ấy.

Nhiều khi không đủ tiền, tôi phải chạy thêm xe ôm công nghệ, nhưng dường như cô ấy vẫn chưa hài lòng, trong khi tôi còn tự xoay sở tiền sinh hoạt, ăn uống. Cô ấy trình độ đại học 2 bằng.

Tôi cũng muốn li dị, nhưng thương con gái sắp sửa lên đại học. Dạo này nó cũng chẳng nhắn tin gọi điện. Ngày trước hai ba hôm là gọi điện nhắn tin, hoặc chat zalo. Tôi không biết xử trí thế nào với vợ và gia đình 2 bên.

Xin cám ơn.

Nguyễn Dinh

Anh Nguyễn Dinh thân mến,

Hạnh Dung đọc thư anh và thật lòng rất cảm thông, có cảm tình với một người chồng, người cha tử tế. Cho dù vợ đã cùng con đi khỏi nhà, nhưng anh vẫn thực hiện nghĩa vụ của mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh hết những khoản tiền mình làm ra, chỉ kiếm thêm để chính mình sinh sống.

Hạnh Dung cũng hết sức cảm thông với tâm trạng bối rối của anh, khi thời gian qua đã nỗ lực làm vui lòng vợ, nhưng không làm sao có thể thay đổi được tình huống, cũng không khiến cô ấy trở về. Và cuối cùng là cô ấy sẵn sàng lấy tiền của anh, nhưng lại không nghĩ tới cuộc sống chung nữa.

Nhưng phải xử trí thế nào với vợ là điều anh cần tìm hiểu từ cô ấy, chứ Hạnh Dung, với số lượng thông tin ít ỏi kia, thật khó thể cho anh một lời khuyên thật sự hữu ích.

Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ có một điều mấu chốt quan trọng mà anh không tìm hiểu, hay có biết nhưng không nói rõ cho Hạnh Dung, hoặc cố tình lơ đi: Vì sao vợ anh đột nhiên thay đổi, đột nhiên trở nên thô lỗ, cục cằn, chửi thề với anh? Không điều gì là không có lý do của nó, và anh nên tìm hiểu điều này trước tiên, thì mới dễ dàng có cách xử lý vấn đề của mình.

Ngay cả nếu anh không cảm thấy mình có bất kỳ lỗi nào, anh vẫn có thể mời vợ ngồi lại để trò chuyện cho ra lẽ: Vì sao cô ấy thay đổi cách cư xử với anh? Vì sao cô ấy bỏ nhà ra đi? Cô ấy dự tính điều gì trong cuộc sống tương lai, bởi không thể kéo dài cuộc sống hai nhà như thế này, nó không là một gia đình.

Hơn nữa, cách sống này rõ ràng là đã ảnh hưởng đến tâm lý của con gái anh, khi nó bắt đầu ngưng giao tiếp với anh. Là một người đàn ông của gia đình, anh không thể mặc nhiên chấp nhận một cuộc sống ly thân không lý do như thế được.

Con gái anh năm nay lớp 11, tuy không phải hoàn toàn trưởng thành, nhưng cũng đã có khả năng "hiểu chuyện". Vậy thì tại sao anh không trực tiếp trò chuyện với con, như với một người bạn lớn, để con có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về ba mẹ, về gia đình? Có thể thông qua những suy nghĩ của con gái, anh sẽ hiểu thêm phần nào vấn đề của vợ anh và anh chăng?

Anh chỉ có thể xử lý vấn đề khi biết rõ hai điều: Chuyện gì đang xảy ra giữa hai vợ chồng anh, và vợ anh muốn giải quyết các vấn đề đó như thế nào? Nếu còn cơ hội thuyết phục, và cùng cố gắng hàn gắn, thì vợ anh phải cho gia đình một cơ hội thật sự: Quay về sống chung nhà, và cùng nhau sửa chữa những chỗ rạn nứt hư hỏng. 

Nếu tiếp tục tình cảnh này, và vợ anh không muốn thay đổi kiểu sống này, thì anh buộc lòng phải nghĩ đến phương án ly hôn chính thức, để anh có được sự chuẩn bị cho cuộc sống riêng của mình đàng hoàng hơn, sau khi lo những phần nghĩa vụ cho con gái đến khi cô bé trưởng thành.

Hãy dứt khoát, mạnh mẽ, đối mặt với những vấn đề của mình và vợ, để giải quyết nó một cách triệđể. Tuổi của anh đã rất cần sự thanh thản và bình yên, để sống nhẹ nhàng hơn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI