Vỏ bọc ngọt ngào của nàng dâu

26/09/2024 - 11:34

PNO - Khi mọi người tinh ý hơn, thực tế hơn, thì tấm vỏ bọc thảo mai của Vân cũng dần xuyên thấu, kết nối gia đình trở nên lỏng lẻo.

Trước đây, Trang rất siêng về thăm nhà. Mỗi lần về, cô mang theo rất nhiều quà cáp. Phần tặng bố, thứ tặng mẹ, rồi bánh kẹo, đồ chơi cho những đứa cháu ở quê. Thế nhưng, sau khi nhà có thêm em dâu là Vân, mỗi lần soạn sửa về nhà là cô lại chần chừ, lấn cấn. Cô sợ càng tiếp xúc nhiều lại càng rước bực vào người.

Em dâu lúc nào cũng tươi trẻ, cười nói dịu dàng
Em dâu lúc nào cũng tươi trẻ, cười nói dịu dàng (ảnh minh họa)

Vân có nghề nghiệp, học thức, ngoại hình tươi trẻ, thế nhưng tính tình lại có nhiều điểm trừ, trong đó đáng ngại nhất là cái nết thảo mai.

Vân luôn nói ngọt mà việc làm thì “nhạt”. Tức là, cô luôn nói nhiều, nói hay mà cách làm thì dở, thậm chí đôi khi, Vân chỉ nói chứ chẳng chia sẻ, giúp đỡ ai bằng hành động bao giờ.

Hồi đầu Vân mới về, hầu hết mọi người trong nhà Trang ai cũng tấm tắc, vui mừng vì nhà có cô con dâu ngoan hiền, lễ phép, khéo ăn nói. Vân khen ba đã ngoài 70 nhưng vẫn còn phong độ; khen tóc mẹ xanh, thắc mắc da mặt mẹ dùng bí kíp gì mà vẫn căng bóng. Vân khen Trang giỏi giữ dáng, thân thiện, khen con trai của Trang có đôi mắt sáng, con gái tóc không cần uốn vẫn xoăn đẹp tự nhiên…

Thời gian trôi qua, khi mọi người tinh ý hơn, thực tế hơn thì tấm vỏ bọc thảo mai của Vân cũng dần bị xuyên thấu, kết nối gia đình trở nên lỏng lẻo, giữa các thành viên nhiều lần bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng.

Nhớ có lần khi về nhà thấy cái kệ trong phòng vệ sinh đã xập xệ khiến đồ đạc rơi vãi lung tung, Trang mới nhắn tin nhờ Vân trên đường đi làm về ghé vào quầy gia dụng mua cái mới để thay. Đợi cả ngày, chiều tối, Vân vừa dựng chân chống xe đã reo lên: “Chị biết không? Em tan sở là đánh xe đi vòng vòng khắp dãy phố nhưng mấy cửa hàng đều đóng cửa, ra chợ thì chợ cũng vừa tan”.

Một tuần sau, khi đã quay về thành phố sực nhớ ra, Trang mới gọi điện cho mẹ hỏi Vân đã mua kệ mới thay cho cái kệ rách chưa, mẹ Trang nhân tiện dặn: “Mẹ mua rồi. Vân nó mấy khi sắm sửa cái gì trong nhà này đâu. Lần nào hết bịch xà bông, chai nước mắm, mẹ không đi chợ được nhờ mua, lần thì em bảo bận làm về muộn, lần thì nói chỗ tạp hóa hết hàng. Biết tính em vậy nên lần sau mình tự lo được gì thì lo, con cũng đừng nhờ, nhắn gì hết, lại phức tạp, phiền hà ”.

Mẹ Trang là nông dân, xưa nay quá hiền lành, thật thà, hơn nữa mẹ cũng rất thương con trai, không muốn tạo những tình huống khiến em trai cô suy nghĩ, khó xử. Mẹ một mình “gánh” hết những việc làm lẫn ấm ức.

Nhà Trang làm nông nhưng bây giờ phần lớn những việc nặng đều có máy móc làm thay. Ba mẹ Trang cũng đã già, làm ít công ruộng, chọn hoa màu vừa sức nên những việc từ đồng đem về nhà cũng chẳng còn nhiều, không hề vất vả như ngày xưa. Chỉ là gom đậu phộng, gom ớt đổ vào bao khi trời sập tối, chuyển mưa; chỉ là quét lại vuông sân, thu mấy gộc tre đã phơi khô đem vào bếp, vậy mà chẳng bao giờ Vân động tay phụ giúp. Ngày nào đi làm không nói, ngày nghỉ Vân cũng đóng cửa phòng lướt điện thoại chán chê.

Trước cách cư xử của em dâu, có lần Trang bực quá nhắc nhở thẳng. Đại ý, Trang mong Vân cố gắng hòa đồng, giúp ba mẹ những việc trong khả năng, dù gì ba mẹ cũng già rồi và nếu đã sống chung nhà thì mỗi người phải san sẻ một chút trách nhiệm.

Sau lần đó, Vân có thay đổi. Những lần về nhà, đông người tụ tập ăn uống, thay vì ngồi trong phòng lướt điện thoại với nhiều lý do, hay thỏ thẻ nhờ chồng làm thay, làm hộ, Vân có xuống bếp phụ lặt rau, rửa bát. Trang làm việc này, Vân cũng lăng xăng việc khác. Thế nhưng, qua những cuộc điện thoại đường dài của mẹ, Trang biết khi không có mặt cô, em dâu vẫn chứng nào tật nấy, luôn cư xử theo lối “mồm miệng đỡ tay chân”.

Chán ngán với tin nhắn thảo mai của em dâu ( Ảnh minh họa)
Chán ngán với tin nhắn thảo mai của em dâu (ảnh minh họa)

Gần đây nhất, gia đình Trang gặp biến cố. Chồng cô trên đường đi làm về bị xe đụng, phải nhập viện cấp cứu, tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng chi phí điều trị ban đầu rất cao.

Giai đoạn này cũng là lúc các con nhập học, Trang xoay chạy khắp nơi để lo liệu. Vân tỏ vẻ hiểu chuyện, nhắn vào máy Trang: “Em mà như chị, phải cùng lúc lo toan nhiều thứ rồi còn xoay chạy tiền bạc chắc em ngất xỉu luôn. Chị vất vả nhưng cũng giỏi giang ghê”.

Nếu như ai đó nói với Trang câu này, cô sẽ cảm thấy được chia sẻ, nhưng khi Vân nói, Trang bỗng dưng ứ nghẹn, chán ngán. Bây giờ, Trang chỉ muốn giữ khoảng cách với nàng dâu bên ngoài luôn thỏ thẻ, dịu dàng nhưng lại bên trong thiếu trách nhiệm, chân thành.

Minh Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trần Thị Bích 26-09-2024 21:07:42

    Thôi tôi đọc bài này thì thấy đúng là giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Cô Trang giỏi giang về nhà mà chăm cha mẹ đi, lo cho cha mẹ đẻ của mình ý, ở đó mà xét nét em dâu. Người ta làm dâu cũng là con người, khen không thích thích mặt mũi đâm lê rồi quát vào mặt nhau mới chịu à, vậy cũng bị nói là thảo mai. Cô về mà mua cái giá bị gãy cho mẹ cô, sao cô sai em dâu làm gì. Cái gì mình làm được thì làm đi, đừng đổ tại người khác.

  • Giang 26-09-2024 11:53:14

    Ủa, ngay từ đầu mình cũng thích cái sự thảo mai của nàng dâu mới mà? Quan trọng là "bản tính khó dời", ai sống không thật thì từ từ sẽ bị lột mặt nạ... còn lại thì mình cứ vui vẻ sống lương thiện, em dâu chỉ là vợ của em trai mình thôi, cứ coi vậy cho nó lành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI