Tiếng vang ngày cũ
Má ơi, út dìa! (tác giả: Trung Dân, đạo diễn: Thanh Thủy) kể về gia đình bà Hai Thơm nơi cù lao nghèo. Bà Hai Thơm góa bụa, sống cùng người em trai độc thân lâu năm. 2 chị em hết lòng chăm lo cho Hải và Hậu - 2 đứa con trai mà bà Hai yêu thương hơn tất thảy. Là con út, Hậu được mẹ, cậu và anh trai dồn mọi tình thương, dành cho những gì tốt đẹp nhất. 18 tuổi, út Hậu rời quê nhà lên thành phố ăn học, mong sớm thành tài để trở về đỡ đần gia đình. Nhưng rồi Hậu đi biền biệt…
|
Má ơi, út dìa! là vở bi kịch nổi bật của nhà hát kịch IDECAF và sân khấu TPHCM hiện nay |
Chục năm sau, út Hậu trở về, dẫn theo cô vợ thị thành xinh đẹp. Niềm vui sum vầy và tấm lòng người mẹ khiến bà Hai Thơm gạt đi mọi cảnh báo lẫn lời khuyên của em trai trước những hành xử kỳ lạ của Hậu. Nhưng làm sao một người mẹ lại không nhận ra đứa con thương yêu của mình đã đổi khác và đang che giấu một bí mật động trời.
Khán giả lâu năm của nhà hát kịch IDECAF có thể nhận ra Má ơi, út dìa! chính là bản dựng mới của vở bi kịch Tiếng vạc sành từng gây tiếng vang hơn 20 năm trước. Tấn bi kịch xé nát một cù lao nghèo vì tệ nạn xã hội, vì “cơn sốt đất” thời buổi kinh tế thị trường ngày đó nhận được rất nhiều sự đồng cảm. Nhiều người nhận định, đây là một trong những vở diễn “thời sự” nhất của sân khấu TPHCM. Soạn giả Hoàng Song Việt đặc biệt yêu thích Tiếng vạc sành vì “mang hơi thở thời đại” và đã chuyển thể thành vở cải lương Sám hối, dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Đồng Nai.
“Khi các bạn đề nghị dựng lại Tiếng vạc sành, tôi cũng rất phân vân. Sau 20 năm, vấn đề đặt ra trong vở không còn quá thời sự, thị hiếu khán giả cũng đã khác, liệu bản dựng mới có thuyết phục? Nhưng cũng đã lâu chúng tôi không dựng bi kịch, các diễn viên phải nói là khát khao được diễn bi kịch. Hơn nữa, một kịch bản có chiều sâu và tương đối khó như Tiếng vạc sành là rất cần thiết cho lớp diễn viên mới của nhà hát hôm nay” - “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của nhà hát kịch IDECAF - chia sẻ. Ông Tuấn chỉ yêu cầu ê kíp vở diễn phải tạo ra được một bản dựng hoàn toàn mới và mang hơi thở cuộc sống hôm nay.
Dấu ấn mới
Khán giả yêu kịch TPHCM vẫn nhớ về Thanh Thủy như một cô đào thương chuẩn mực lại diễn hài rất duyên mà quên mất chị còn là một đạo diễn giàu cá tính. Sau 20 năm, từ Tiếng vạc sành đến Má ơi, út dìa!, Thanh Thủy vẫn đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm diễn viên chính với vai bà Hai Thơm. Thêm 20 năm, kinh nghiệm làm nhân vật người mẹ của chị càng đằm thắm hơn, các cung bậc cảm xúc đa dạng của nhân vật càng được thể hiện chi tiết, tinh tế hơn. Đặc biệt, ánh mắt biết nói vẫn là thế mạnh trong diễn xuất của Thanh Thủy.
|
Nghệ sĩ Thanh Thủy (phải) trở lại vai trò đạo diễn và diễn viên chính của Má ơi, út dìa! – phiên bản mới của vở bi kịch Tiếng vạc sành nổi tiếng từ 20 năm trước. |
Quan trọng hơn, chị đã thành công “làm mới” vở diễn. Nếu ngày trước, Tiếng vạc sành xoáy sâu vào các vấn nạn xã hội tàn phá một gia đình hạnh phúc thì Má ơi, út dìa! hôm nay hướng về bi kịch của người mẹ. Tấm lòng người mẹ và lời nhắn gửi “đừng làm mẹ buồn” là thông điệp người nghệ sĩ mong muốn truyền tải đến người xem hôm nay.
Ngoài Thanh Thủy là “người cũ”, còn lại những Đình Toàn, Đại Nghĩa, Quốc Thịnh, Quang Thảo… đều là người mới của vở diễn. Quang Thảo gây bất ngờ khi thể hiện “rất ngọt” vai cậu út Hoa - ông già nhà quê “ế vợ”, tính khí thất thường. Vai Ba Hòm nắm giữ tuyến hài kịch làm cân bằng không khí vở diễn và Đại Nghĩa rất duyên dáng, dễ thương trong vai diễn tưởng như đáng ghét này. Lần đầu xuất hiện trên sân khấu IDECAF, cô đào cải lương Phạm Huyền Trâm hòa nhập rất tốt, nhất là diễn xuất rất “hợp rơ” với Quốc Thịnh trong vai đôi vợ chồng hết mực yêu thương nhau đã mang đến nhiều tiếng cười lẫn cảm xúc ấm áp cho người xem.
Với vai út Hậu, sau một thời gian dài, Đình Toàn mới lại có một vai diễn bi kịch đúng nghĩa, lại còn là… con nghiện. Anh đã dụng công rất nhiều, kể cả chuẩn bị về mặt thể chất, thiết lập các biểu hiện, động tác hình thể, thói quen phù hợp với nhân vật. Anh chia sẻ: “Có những đêm diễn xong về, cảm giác thích lắm. Đặc biệt là khi thấy được những giọt nước mắt đồng điệu của khán giả, nghĩa là những khóc cười, đau đớn của mình cùng nhân vật trong hơn 2 tiếng qua đã chạm được trái tim người xem. Đó là điều hạnh phúc đối với người nghệ sĩ, nhất là khi làm bi kịch ở thời điểm này quá khó”.
Vì thế, sau mỗi suất diễn Má ơi, út dìa!, ê kíp vở diễn thường nán lại tâm sự, nói lời tri ân và gửi tặng bài hát chủ đề tác phẩm - Lặng lẽ mẹ tôi (nhạc sĩ Minh Đức) đến những khán giả còn ngồi lại đến cùng.
“Người làm nghệ thuật, ai cũng mong muốn có vở diễn hay, có vai diễn mang nhiều cảm xúc cho khán giả. Về phía người tổ chức cũng mong muốn có thêm kịch mục cho khán giả nhiều lựa chọn hơn cũng như có được những tác phẩm khẳng định vị trí của diễn viên và màu sắc của sân khấu. Thời gian qua, chúng tôi có vở hài kịch “quậy banh” như Tấm Cám đại chiến thì cũng cần bi kịch như Má ơi, út dìa! để giới thiệu một lứa diễn viên say nghề, cứng nghề và có thể truyền tải nhiều cung bậc cảm xúc đến mọi người” - trên vai trò quản lý nghệ thuật của nhà hát kịch IDECAF, đạo diễn Đình Toàn chia sẻ.
Ninh Lộc