Vợ bệnh mấy ngày chồng cũng không hay biết

18/09/2020 - 05:49

PNO - Sống lâu trong niềm thỏa mãn, tôi trở nên hẹp hòi lúc nào không hay biết. Tôi mặc định việc chăm sóc gia đình là trách nhiệm của em chứ không phải là đặc ân mà tôi có được.

Cảm mạo với một người trưởng thành là chuyện bình thường. Tôi gọi đó là những trái gió trở trời không ai tránh khỏi. Tôi xem thường nó còn bởi vì em nữa. Em giống như một bác sĩ vậy. Em trồng thảo dược quanh nhà và thông thạo cách xử lý các bệnh thông thường.

Những lúc bệnh, tôi cứ ở yên đó, mọi việc còn lại em lo. Việc ăn uống bắt đầu được điều tiết lại: nước ép rau diếp cá, nước cam vắt, nước gừng hay các món ăn có sả, có vị chua… Ngay cả việc trang bị khăn giấy vào túi áo, tôi cũng không phải làm.

Với tôi, nhà là nơi để về, là nơi đúng nghĩa nhất để cuộc sống tôi được nâng niu. Cái cảm giác được chăm sóc rất tuyệt. Bản thân tôi vừa ấm êm, vừa pha lẫn tự hào về những gì mình đang có.

Bạn bè có đứa chẳng muốn về nhà, có đứa ra đường áo quần nhăn nheo, có đứa tự lo cơm nước kể cả khi đau bệnh. Em không để tôi bận tâm những việc như thế và cho tôi tận hưởng trọn vẹn cảm giác có một nơi để dựa vào.

Đôi khi, trong bữa ăn, em có nói vài điều. Em bảo: “Hôn nhân không phải là kết thúc có hậu của một cuộc tình, mà là khởi đầu của cuộc chạy marathon đôi. Muốn tới đích, cả hai phải là vận động viên đồng sức, nếu không sẽ bỏ cuộc trên đường đua”. Hoặc: “Em làm tất cả những điều này là vì thương, chứ đó không phải là trách nhiệm của em”.

Tôi đón nhận lời em bằng niềm vui của một người được nghe triết lý sống miễn phí. Có gì phải lo khi mà đã yêu nhau 10 năm mới cưới. Cuộc sống hôn nhân cũng đẹp biết bao khi chưa bao giờ xảy ra cãi vã giữa hai người.

Sống lâu trong niềm thỏa mãn, tôi trở nên hẹp hòi lúc nào không hay biết. Tôi mặc định việc chăm sóc gia đình là trách nhiệm của em chứ không phải là đặc ân mà tôi có được. Tất nhiên, khi xác lập trách nhiệm cho một ai đó, ta bắt đầu đòi hỏi họ và buộc họ lo tròn. Khi họ sơ suất, ta cho rằng đó là lỗi của họ.

Năm tháng trôi qua, em vẫn là niềm kiêu hãnh trong tôi. Chỉ khác một điều là tôi không còn cảm ơn em nữa mỗi khi được em chăm sóc. Những lúc em đi làm về muộn, không kịp chuẩn bị cơm chiều, những khi em mệt mỏi vì công việc mà ngủ quên để mặc tôi giăng mùng, tắt đèn, hoặc đôi khi em để nhà cửa bộn bề vì những chuyến công tác xa, tôi tỏ ra khó chịu và trách giận em.

Rất nhiều suy nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu tôi: em thay đổi rồi, hay em đã có người khác, em tham công tiếc việc để mặc gia đình… Những suy nghĩ ấy cứ lớn dần, dồn lại làm lòng tôi đóng băng. Tôi thu mình và không để em làm điều gì cho tôi nữa. Tôi tự làm những gì thuộc về bản thân mình. Mỗi khi làm những điều ấy, tôi xem như là một sự trừng phạt đối với em.

Tôi buộc em phải day dứt khi để chồng tự làm những điều mà đáng lẽ ra một người vợ hiền phải làm. Em thì ngày càng ít nói, thay cho những lúc tâm sự với tôi trước đây là thời gian em đọc sách. Chỉ vậy thôi.

Tôi thuộc típ người hướng ngoại. Tôi thích những buổi họp mặt đông vui. Những lúc giận em thì bộc lộ thẳng thắn và sau đó lại thôi. Tôi vẫn mang niềm kiêu hãnh của một người đàn ông sở hữu một gia đình hạnh phúc. Niềm kiêu hãnh ấy như một con hổ, sẵn sàng sát thương mọi thứ để củng cố địa vị chúa tể rừng xanh của mình.

Sự thức tỉnh chỉ thật sự đến, khi chính nó nếm trải vết đau của những vòng dây thừng cháy xém vì lửa đỏ. Chuyến đi công tác của em thức tỉnh tôi. Lúc đầu tôi ngạc nhiên khi xe của em ở nhà, nhưng sau đó thì thấy bình thường khi em nhắn lại là cậu út chở đi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Buổi tối ở nhà cùng con trai, hai cha con nói chuyện trên trời dưới đất:
- Ba ơi, mấy hôm nay mẹ bệnh.
- Mẹ không nói nên ba không biết - tôi trả lời một cách điềm nhiên sau phút kinh ngạc. 

- Hồi sáng cậu út ghé nhà mua thuốc cho mẹ và còn mua trái cây. Cậu dặn con chăm sóc mẹ. Cậu út không yên tâm để mẹ đi công tác một mình nên chở mẹ đi.

- Vậy à. Cậu út là bác sĩ nên giỏi chăm sóc bệnh nhân hơn ba.
- Mà ba ơi, khi ba bị bệnh thì mẹ chăm sóc ba, nhưng khi mẹ bệnh thì ba để cậu út lo cho mẹ. Con thấy tội nghiệp mẹ. Phải có qua có lại chứ ba. Ba hay dạy con là phải ga-lăng với phụ nữ mà.

Một luồng khí lạnh chạy qua người tôi. Tôi chợt nghĩ, nếu người lo cho em không phải là Út Khánh mà là một người đàn ông ga-lăng khác thì sao? Tôi hình dung viễn cảnh nếu không có em thì cuộc sống của tôi sẽ ra sao?

Trên đường chạy marathon, tôi không xem em là đồng đội mà biến em thành săn sóc viên phục vụ cho tôi. Vậy thì ai sẽ về đích cùng tôi? Không ai hết. Tôi chắc chắn sẽ phải cán đích một mình. Sau khi làm tròn trách nhiệm, em sẽ rời đi để tìm kiếm đồng đội cho mình. Em sẽ đi tìm người xứng đáng để niềm thương của em trọn vẹn hơn. 

Tôi bật dậy, vội vàng mở điện thoại và mong nhận được một sự đồng ý rằng: “Em ơi! Ngày mai anh đón”. 

Hoàng Song Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI