Vì điều kiện chiến tranh chia cắt nên từ lúc sinh ra đến mãi năm 25 tuổi, mẹ chồng tôi mới được gặp ba mình lần đầu. Suốt thời ấu thơ và niên thiếu, mẹ phải bươn chải đồng áng, chợ búa để cùng bà ngoại nuôi mấy cậu, dì. Có lẽ chính môi trường sống vất vả đã trui rèn cho mẹ bản tính mạnh mẽ và độc lập. Mẹ luôn là người lo toan, quán xuyến trong nhà, mẹ quyết định mọi việc lớn, bé.
Ngày mới về làm dâu, tôi lắm lần mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến cảnh mẹ hì hục bắc thang để chỉnh lại mái nhà, còn chồng tôi thì đủng đỉnh ngồi trong phòng lướt web.
Tôi hỏi: “Sao anh không giúp mẹ?”. Anh bình thản trả lời: “Em cứ bình tĩnh sống đi, thời gian sẽ thay anh trả lời tất cả”. Nhiều tháng trôi qua, và quả thực tôi đã có cho mình đáp án.
Mặc dù gia đình có bốn người, nhưng tôi cảm giác khoảng sân này, ngôi nhà này, góc bếp này là sở hữu của mỗi mình mẹ. Chỉ mẹ mới có quyền thay cái cây này bằng cái cây kia, chỉ mẹ mới có quyền sắp xếp, sửa đổi lại vị trí các vật dụng như giường, bàn, tủ trong nhà, chỉ có mẹ mới có quyền định đoạt số phận của chiếc ti vi đời cũ đã hỏng từ rất lâu rồi…
Từ ngày về hưu, ba bị bệnh nên cũng không quan tâm nhiều đến mọi chuyện, còn vợ chồng tôi hễ đụng vào thứ gì mẹ cũng tìm cách điều chỉnh lại bằng được theo ý mẹ. Xe máy mẹ bị hỏng, chồng tôi mang đi sửa, lúc về lại bị tra khảo là sửa ở tiệm nào, có ngồi đó giám sát người ta làm không, giá cả bao nhiêu? Nếu không trúng ý, lại bị càm ràm là làm không đến nơi đến chốn, ở phố mà không rành này biết nọ.
Trăm hay không bằng tay quen, mẹ chẳng bao giờ cho người khác cơ hội để thử nghiệm, thì làm sao mà thuần thục, chu toàn được chứ?
Mà đâu chỉ mình chồng tôi hụt hẫng, nhiều lần tôi cũng bị mẹ làm cho buồn thúi ruột. Vào những ngày lễ, tôi muốn mẹ vui nên lúc thì mua tặng mẹ cái áo, lần thì cái mũ, lần khác là đôi dép. Lần nào như lần nấy, mẹ chỉ sượt nhìn rồi phán màu chẳng hợp, kiểu dáng quá trẻ trung….
Rồi những lần tôi đi công tác mua quà, bánh trái về để cả nhà cùng quây quần thưởng thức cho vui, thì chẳng lần nào thấy mẹ đón nhận niềm nở, khi thì bảo đồ ăn ngọt mẹ sợ béo, lúc thì bảo ăn hải sản mẹ lo đau bụng… Riết, tôi cũng dần trở nên thụ động trong việc tương tác với mẹ.
|
Ảnh minh họa |
Ai đó từng bảo phụ nữ hãy đừng trọn vẹn như những vòng tròn vì như thế vô tình sẽ xô đẩy những người thân yêu của mình rời xa. Hãy như những chiếc bánh răng có chỗ đầy chỗ khuyết, để người khác còn có khoảng trống mà lắp vào, tạo nên sự gắn kết và neo buộc lẫn nhau.
Tôi thì thấy mẹ đúng hệt như một vòng tròn khép kín, chỉ nhìn thấy cái bóng của chính mình, để rồi vô tình tạo nên khoảng cách với những người xung quanh. Có những lần bạn bè, đồng nghiệp cũ của ba đến nhà thăm, mẹ không những làm tròn vai của một người vợ tháo vát dâng đủ đầy các loại nước nôi bánh trái, mà còn lấn hẳn sang vai của ba nữa.
Nghĩa là mẹ sẽ thay ba kể chuyện và trả lời tất cả các câu hỏi về cách sinh hoạt, ăn uống, về vấn đề sức khỏe, thậm chí đến những câu chuyện về cơ quan cũ, nơi ba từng công tác, mẹ cũng vanh vách thay ba đàm đạo…
Nhiều người hẳn không thích, nhiều người hẳn ái ngại, nhưng chẳng một ai tỏ thái độ, vì ít nhiều họ cũng cảm nhận được thần thái và nguồn năng lượng của một người vợ át vía chồng…
Trong cuộc họp gia đình gần đây nhất, vợ chồng tôi đã ý nhị góp ý về cách hành xử “chiếu trên” của mẹ, nhưng ba bảo trước một sự việc, các con hãy nhìn theo hướng tích cực, còn bỏ qua khía cạnh tiêu cực.
Mẹ làm thay các con nhiều việc vì mẹ quen tay hơn, công việc sẽ trôi chảy và hiệu quả hơn; mẹ nói thay ba vì mẹ lo ba mệt diễn đạt không rạch ròi sẽ làm bè bạn phiền lòng.
Vợ chồng tôi không đồng ý. Chúng tôi nghĩ mẹ càng có tuổi thì càng nên buông bỏ cho nhẹ tâm khỏe người. Chỉ khi mẹ chịu buông thì các con mới có cơ hội để mạnh mẽ, trưởng thành, làm chỗ dựa cho ba mẹ khi ngày tàn thực sự ập đến.
Chưa kể con của chúng con, cháu của ba mẹ sẽ như thế nào, khi chúng có những người cha người mẹ chỉ quen ỷ lại, đụng vào việc gì cũng luống cuống vụng về. Và quan trọng nhất là vấn đề sức khỏe của ba sẽ rất khó được cải thiện, nếu mẹ lo lắng, chăm sóc ba không đúng cách như bây giờ, chỉ khi mẹ bớt ôm đồm thì ba mới có đủ nghị lực và niềm tin tìm về nguồn sức mạnh từ bên trong để chiến đấu với bệnh tật, hoan hỉ vui sống những năm tháng cuối đời…
Lâu lắm mới có dịp nên chúng tôi dốc hết gan ruột để trải lòng. Mẹ nghe hết, nghe kỹ rồi chốt hạ: “Mẹ làm tất cả vì yêu các con, mẹ quán xuyến gia đình vì lo và thương cho ba thì có gì là sai?".
Có lẽ mọi việc không tự nhiên sinh ra nên cũng không tự nhiên mà mất đi được. Chúng tôi không biết phải cần đến bao nhiêu thời gian nữa mới thay đổi được quan niệm về tình yêu thương của mẹ.
Minh Thi