Vợ anh muốn nuôi đứa con chung của anh và tôi

22/02/2022 - 09:00

PNO - Một đứa trẻ khác với một món quà; không thể lúc này thì đem cho, lúc khác thì đòi lại.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em là người si tình. Không chỉ em mà bạn bè lẫn người thân đều thấy như vậy.

Năm đó ra trường đi làm, em gặp và yêu một người ngay từ lần đầu gặp mặt, ngay cả khi biết người ta đã có gia đình. Em yêu đơn phương hơn một năm trời, đã làm đủ mọi cách để xóa tình cảm ấy đi mà không thể.

Em quyết định nói ra với anh ấy dù biết gia đình anh vẫn đang hạnh phúc. Lúc đó, em chỉ xin anh một đứa con, coi như một món quà từ anh. Ngoài ra, em không cần anh có trách nhiệm, không cần anh yêu em, không cần danh phận.

Em đã hứa sẽ không bao giờ làm phiền đến anh và gia đình anh, em sẽ nghỉ làm, ra khỏi cuộc đời anh, sẽ mang con em đi và một mình nuôi con.

Từ ngày có con, em cảm thấy cuộc đời mình tràn ngập hạnh phúc. Nay, con em đã 11 tuổi. Em cũng không còn khắc khoải vì anh ấy nhiều như trước. Thật sự em không cần ai nữa, chỉ em và con là đủ.

Em đã thực hiện đúng lời hứa, chuyển sang chỗ làm khác, làm mẹ đơn thân. Dần dần, em thấy tình cảm của mình bình lặng đi; em chỉ yêu con, không còn nghĩ đến ba nó nữa.

Mãi đến cách đây hơn một tháng, vợ chồng anh hẹn gặp em. Họ nói đã tìm gặp con em và xin em cho họ được đón con về nhà.

Vợ anh nói chị ấy bị ung thư buồng trứng không sinh con được, vợ chồng họ chỉ có một đứa con gái, anh lại là đích tôn của gia đình, dòng họ không thể không có người nối dõi, mong em nghĩ đến con và gia đình họ. Em còn trẻ, có thể lập gia đình khác, họ sẽ đền bù cho em như ý em muốn.

Suốt cuộc gặp chỉ có vợ anh nói, anh ngồi im cúi đầu. Em bị sốc đến nỗi không biết nói gì. Em chưa bao giờ nghĩ đến việc xa con. Suốt cả tháng nay, em không ngủ được, đêm nào cũng trăn trở, dằn vặt suy nghĩ. Em có nên trả lại con cho nhà họ?

Ngọc Tường (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Ngọc Tường thân mến, 

Chuyện xảy ra trong quá khứ cũng có mặt sai mặt đúng, nhưng thôi mình nên để cho nó trôi qua. Em hãy bình tĩnh mà nghĩ cho thấu đáo. Việc vợ chồng anh ấy biết em, biết con em và qua câu chuyện, có thể thấy họ chắc chắn đứa bé là ruột thịt máu mủ của họ. Có phải mối quan hệ giữa em và ba đứa bé không hoàn toàn đứt đoạn?

Có thể hình dung những xáo trộn đã xảy ra trong gia đình ấy trước khi vợ chồng họ đến gặp em. Họ cũng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Vậy nên lúc này, cả hai bên đều cần thời gian.

Em hãy tìm hiểu kỹ, cân nhắc cẩn thận, đừng quyết định vội. Em cũng cần biết con sẽ được gì, mất gì với sự thay đổi quá lớn này. Điều kiện nuôi dạy của gia đình họ, sự phát triển của con như thế nào, liệu tất cả có đáng để đánh đổi cuộc sống tình cảm của hai mẹ con?

Quyết định bây giờ là của em và cũng là quyết định của con em nữa. Em có thể trò chuyện với con, từng bước cho con biết những đoạn thông tin phù hợp. Khi đủ lớn, con hoàn toàn có quyền được biết câu chuyện, được tham gia quyết định cuộc sống của mình. 

Một đứa trẻ khác với một món quà; không thể lúc này thì đem cho, lúc khác thì đòi lại.

Quyền lợi hay trách nhiệm nối dõi tông đường không thể là lý do để tách một đứa trẻ khỏi mẹ, bắt cháu phải sống trong một môi trường lạ lẫm. Chuyện nối dõi tông đường, nếu đã xác định thì hôm nay hay ngày sau cũng vậy thôi, không phải cứ về ngôi nhà đó ở thì mới nối dõi được.

Cần nhớ, không ai có quyền bắt em xa con, trả con. Mong em suy nghĩ chín chắn, quyết định đúng để mang lại sự bình an, hạnh phúc cho cả hai mẹ con.

Hạnh Dung

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Thanh Hoa (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội): Chẳng có gì phải lo

Chuyện sai đúng của quá khứ, chúng ta không bàn đến nữa. Bây giờ, bạn nên tập trung vào hiện tại và vào con bạn. 

Em gái tôi từng giống bạn, nhưng em tôi không hề trải qua những diễn biến tâm lý như bạn. Khi đó, em tôi đã mạnh mẽ khước từ, bằng những lý lẽ đầy thuyết phục. 

Nhìn lại chặng đường bạn đã qua, tôi ngưỡng mộ vì bạn đã giữ đúng lời hứa không làm phiền, không qua lại, một mình nuôi con. Bạn đã vô cùng vất vả để nuôi con hơn chục năm qua, đâu có lý nào để người ta dễ dàng mang con của bạn đi.

Bạn hãy nói chuyện với con, có lẽ con đủ lớn để hiểu chuyện. Thêm nữa, xáo trộn một đứa trẻ đang tuổi lớn, liệu có đáng?

Lời khuyên của tôi là bạn cứ thẳng thừng từ chối. Họ thật vô lý khi ép bạn làm việc này. 

Trần Thị Thúy (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi): Hãy từ chối

Bạn đâu phải chịu trách nhiệm cho việc nối dõi của gia đình họ. Sống ở đâu mà chẳng nối dõi được, nếu muốn. 

Quan trọng nhất bây giờ, theo tôi, chính là con trai bạn. Trước giờ con không biết câu chuyện phía sau, sống an vui với mẹ. Nay một người xa lạ bỗng dưng xuất hiện, xưng là ba, lại còn đòi tách con khỏi mẹ để mang về nhà. Nếu thật sự yêu thương, quan tâm đến đứa trẻ, anh ta đã không để mặc bạn tự nuôi con suốt bấy nhiêu năm qua.

Trẻ con tuổi này hay suy nghĩ và nhạy cảm lắm. Bạn nên tìm cách nói chuyện với con. Hãy quan sát con để hiểu con hơn. Đừng quá bận tâm đến chuyện gia đình người đàn ông ấy.

Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng con bạn mới là điều quan trọng nhất. Một đứa trẻ đang lớn sẽ sống thế nào, được yêu thương ra sao khi mọi người chưa từng yêu thương nó?

Chưa kể chỉ cần nhìn thấy con bạn, có thể người vợ kia sẽ nhớ đến lần “phản bội” của chồng, cảm giác cay đắng lại ùa về…

Về chuyện trả con, bạn có thấy lời đề nghị ấy vô lý? Bạn không phải chịu trách nhiệm cho việc không sinh con trai của vợ anh ta. Thẳng thắn từ chối đề nghị của họ chính là bảo vệ con mình, bạn ạ!

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI