Vợ ăn lương chồng

21/03/2021 - 05:30

PNO - Giá trị của người phụ nữ, đôi khi không còn là câu chuyện thành đạt thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở rất nhiều câu chuyện không tên khác.

Gia đình chị theo mô hình “phu xướng, phụ tùy”, anh “gia trưởng” ra ngoài kiếm tiền, chị “hiền thê” ở nhà nội trợ chăm con. Chị thấy ổn, chồng chị yên tâm, còn thiên hạ thì thấy vợ chồng chị thật là… kỳ lạ! 

“Lỡ ổng không chuyển tiền nữa thì sao?”

Chồng chị báo: “Hai tuần nữa mình dọn nhà nhé, mấy mẹ con chuẩn bị”. Chị có cảm giác chưng hửng. Chị biết hợp đồng thuê căn hộ đang ở còn hai tuần nữa là hết và vẫn quen những việc lớn trong nhà một tay chồng quyết, nhưng cảm giác lần này đích thị là cảm giác chị đứng hoàn toàn ngoài nhà mình, đúng nghĩa đen.

Là bởi, hai năm qua anh đã lặng lẽ mua một căn hộ mới và đứng tên công ty riêng của anh. Anh vẫn trả tiền góp, cho đến lúc chủ dự án họ bàn giao, chị mới biết mình vừa có một căn hộ đẹp.

Anh chuyển khoản cho chị 200 triệu đồng, kèm tin nhắn gọn gàng: “Em lo toan nội thất trong nhà nghen”. Từ đấy, chị bấn loạn tìm nơi thi công để có thể hoàn thành nhà. Chị ba đầu sáu tay vừa gói ghém đồ đạc, làm sao trọn vẹn việc trả nhà cũ và dọn về nhà mới. 

Họ biết nhau lần đầu chị ngồi cùng xe đưa đón của công ty với anh. Anh khét tiếng “con giám đốc” mới từ nước ngoài về nên không ai dám ngồi gần, có vẻ như cuộc đời chừa sẵn cho chị chỗ trống cạnh anh. 

Vẻ ngầu ngầu của anh hút chị. Vẻ tinh nghịch của chị khiến anh chú ý. Anh nhanh chóng bị sét đánh và yêu chị. Mặc cho mọi người cản ngăn, gia đình anh chê bai nhà chị nghèo, họ vẫn cưới nhau. 

Chị cất tấm bằng đại học, ở nhà làm dâu nhà giàu. Vẫn tin cuộc sống này quan trọng nhất là sự lựa chọn, chị chọn cách sống cho anh tin tưởng vợ, chọn cách dạy con dạy cái ngoan hiền để anh thấy dấu ấn của chị khắp nhà. 

Cưới nhau 18 năm, dường như chị đi qua hết những hỉ nộ của cuộc hôn nhân này. Chị hiểu từng hơi thở của anh để có thể giữ cho nhà yên. Và cứ như một sự ngầm phân công, anh sẽ lo toàn bộ kinh tế, chị chăm lo con cái nhà cửa.

Những việc to lớn hai bên gia đình anh cũng “thầu” hết. Chị chỉ việc thực thi theo đề nghị của anh. 

Vì mọi thứ được vận hành trơn tru, nên dưới mắt mọi người, vợ chồng chị là một cặp kỳ lạ. Giữa những lời kêu gọi phụ nữ yêu mình, sống vì mình, tự do tài chính, chị lại chọn cách sống phụ thuộc vào anh tuyệt đối. 

Ở nhà, anh là người quyết đoán, thông minh, sống có mục tiêu và thương con đặc biệt. Anh đều đặn hằng tháng “trả lương“ cho chị gấp bốn lần lương trợ lý của anh. Anh luôn động viên chị: “Anh trả lương người ta được thì trả vợ được”. Và chị an vui nhận lương từ anh, chỉ có bạn bè vẫn ngần năm ấy gào lên: “Lỡ mai ổng không chuyển tiền nữa thì sao?”. 

Chị ung dung nghĩ, nếu mai anh không trả nữa, thì mình đi làm, làm gì chẳng được. Suy nghĩ đó khiến chị luôn vui với hiện tại. Vui với việc có thể tự tay nấu những món anh thích mà không cần người giúp việc. Vui với lời rủ rê của anh “uống chút gì không” - trong bữa cơm tối. Dường như chị luôn biết cách định nghĩa gia đình là gì, hôn nhân là gì. Nên với chị, chỉ cần ngày nào nó còn vận hành theo cách này, chị vẫn cứ theo như thế.

Giá trị của người ở nhà

Chị vẫn tin rằng, trật tự gia đình cũng như trật tự xã hội, chẳng qua do phân công mà thôi, và chị đã tuyệt đối tuân thủ sự phân công đó. Anh hoàn thành trách nhiệm của anh, chị hoàn thành công việc của chị. Chị thích hát, anh thì khô khan. Chị vẫn cứ hát cho riêng mình nghe, hát ghi âm gửi cho bạn bè nghe. Thì anh không nghe cũng đâu có sao. Chẳng thể ép một người làm điều gì đó họ không thích, trong khi đó chỉ là một nhu cầu giải trí bình thường. Chị nghĩ vậy thôi. 

Tôi học để về dạy con. Ảnh minh họa
"Tôi học để về dạy con", chị nói. Ảnh minh họa

Thi thoảng chị cũng nghĩ: “Mình đang đóng vai trò gì trong nhà nhỉ?” dù cả chị và chồng đều rất tròn vai. Giữa chị và anh chưa từng có một thỏa thuận nào. Nhưng, bằng cách nào đó, chị luôn cố gắng tạo dựng giá trị cho bản thân.

Con cái nhìn nhận vai trò của mẹ trong sự lớn lên của từng đứa, dù chúng hiểu, ba mới là người làm ra kinh tế chính cho cả nhà. Giá trị của người phụ nữ, đôi khi không còn là câu chuyện thành đạt thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở rất nhiều câu chuyện không tên khác.

Chị nhớ hôm nhập học lớp cao học tài chính, khi thầy hỏi mục đích của từng người. Giữa biết bao chia sẻ nhiều tham vọng của các bạn cùng lớp, chị thản nhiên nói: “Tôi học để về dạy con, tôi muốn con mình thấy dù mẹ chỉ ở nhà vẫn không ngừng học hỏi, học để đủ kiến thức mà dạy con…”. 

Câu chuyện của chị được bạn bè trong lớp kháo nhau khi có dịp, họ nghĩ chị làm màu. Nhưng thực tế tấm bằng cao học danh giá ấy nằm im sau khi tốt nghiệp, vì ngay từ đầu chị biết mình học không để kiếm tiền mà chỉ là khiến cho “não” có thời gian động đậy mà thôi. 

Mười tám năm hôn nhân, là ngần ấy thời gian người ta nói vợ chồng chị kỳ lạ. Anh có thể đột xuất báo với chị bận nên không đến dự đám giỗ ba chị. Chị nghĩ, nếu mình mặt nặng mày nhẹ, thì kết quả cuối cùng là anh vẫn không đến, mà lại khiến cả nhà mất vui. Vì vậy, chị vui vẻ về nhà cha mẹ, nấu nướng chuẩn bị mọi thứ mà không có anh. 

Rốt cục, chị có hạnh phúc không, chỉ người trong cuộc mới hiểu. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI