Vitamin vui - “Tái cấu trúc” gia đình mùa dịch…

10/07/2021 - 07:19

PNO - Đổi hướng kinh doanh, cắt giảm chi tiêu, tăng nguồn thu bằng mọi cách, chèo chống giỏi giang là bề nổi còn ẩn sâu là sự đồng thuận, chia sẻ, cùng gánh vác của các thành viên trong gia đình.

Đợt dịch đầu tiên xuất hiện nhiều bài chia sẻ rằng giãn cách xã hội khiến người ta sống chậm, có thời gian ngồi bên nhau, ăn những bữa cơm đầy đủ thành viên. WFH (Work From Home: làm việc tại nhà) khiến chúng ta có giảm năng suất chút ít nhưng có thể ngó nghiêng con cái trong tầm mắt và không mất mỗi ngày vài giờ kẹt xe, đi lại trên đường… Nhìn hướng tích cực, nhiều người “cảm ơn COVID-19 cho chúng ta biết quý trọng gia đình hơn”. Nhưng đến giờ, sau gần hai năm phải tìm cách “sống chung với dịch”, lý thuyết ấy sẽ vẫn chỉ đúng với các nội tướng khéo léo và linh hoạt. Còn không thì tỷ lệ những vụ cãi cọ, “nhận ra” khuyết điểm của bạn cùng nhà ngày càng nhiều.

Gánh nặng tài chính, bớt kiểu gì?

Trước dịch, M.P. là chủ một xưởng may nhỏ có sáu công nhân, chuyên gia công những mẫu thời trang cưới cao cấp. Thợ của chị lành nghề, chăm chỉ nên thu nhập rất ổn. Bản thân M.P. cũng chịu khó, quảng giao nên đơn đặt hàng quanh năm đều đặn. Chồng M.P. có một studio nhỏ chụp hình cưới nhân tiện chụp luôn các mẫu hàng. Ngoài căn hộ ba phòng ngủ rộng rãi, vợ chồng họ còn có mảnh vườn ở vùng ven và một căn hộ khác cho thuê, lấy tiền trả lãi ngân hàng, dự kiến 10 năm sẽ xong. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Dịch bùng phát, đơn đặt hàng giảm nhưng vốn nhanh nhạy, M.P. cho xưởng gia công thêm các mẫu khẩu trang vải, túi vải… bù lỗ cho studio của chồng. Căn hộ cho thuê phải giảm giá để giữ khách và trống mất vài tháng, nhắm tình hình không ổn, tháng 9/2020, M.P. bàn với chồng bán luôn. “Trong nhà phải bàn bạc tính toán phân công nhau lại, làm gì vừa sức chứ cứ đâm lao rồi phải theo lao thì chết. Chúng tôi xác định cái gì là nghề chính thì cố gắng giữ, còn lại các mảng mình không chuyên thì thu hẹp, không dàn trải. Cả hai đều hiểu khi thu nhập giảm, gánh nặng tài chính sẽ khiến gia đình dễ bất hòa, nếu đổ lỗi cho nhau nữa thì có khi đứt. Đó là cách tái cấu trúc để giữ an toàn cho nhân sự của gia đình tôi”, M.P. nói vui.

Nhiều cặp vợ chồng công chức, nhân viên văn phòng hoặc nhân viên nhiều ngành nghề… cũng phải đối diện với việc giảm thu nhập do kinh tế suy thoái - thực tế chung của toàn cầu. “Khó khăn rồi quay ra gấu ó nhau là chuyện đã xảy ra với bạn bè, họ hàng nên tôi cứ phải dặn chồng dù thế nào cũng phải nắm tay nhau mà đi. Nếu cả hai cứ ngồi nhìn nhau và nhớ thời hoàng kim mới cách đây 18 tháng thôi thì hỏng”, H.Y. - một tiếp viên hàng không xinh đẹp - cho biết.

Chồng H.Y. cũng là nhân viên trong sân bay, mùa dịch thu nhập giảm tương tự vợ, chỉ còn khoảng 10% so với trước. Cuối tuần, vợ đặt mấy ngàn chiếc bánh mì pate từ Hải Phòng; chồng nhận, chốt đơn, chuyển cho shipper, thu tiền. Trong tuần, vợ làm bánh gối, cuộn nem, pha nước chấm, chồng đóng hộp, soạn đơn hàng. “Vừa làm để có tiền chi tiêu vừa để không buồn chân buồn tay và nghĩ quẩn. Tưởng tượng đến ngày mở lại đường bay, được đi bay, nhiều khi rớt nước mắt và cố gắng động viên nhau. Nói rằng vì dịch nên được ở bên nhau nhiều hơn, chăm sóc nhau nhiều hơn, chỉ là vài tuần, vài tháng đầu thôi, giờ đã qua năm thứ hai rồi, ra vào cứ chạm mặt nhau mà không có việc gì làm thì chắc… choảng nhau mất. Nên theo tôi, các cặp tuyệt đối tránh vụ “nhàn cư”, làm gì cả hai cùng làm mới thấy thương nhau vất vả…”, H.Y. nói. 

Rõ ràng cùng nhau chia sẻ khó khăn là cách gắn bó và kết nối tốt nhất giữa các thành viên trong gia đình. 

Đổi hướng kinh doanh, cắt giảm chi tiêu, tăng nguồn thu bằng mọi cách, chèo chống giỏi giang là bề nổi còn ẩn sâu là sự đồng thuận, chia sẻ, cùng gánh vác của các thành viên trong gia đình. Nếu chỉ một người hăng hái, người kia thờ ơ thì cũng chẳng đi đến đâu.

Vitamin nào tốt nhất? 

“Mùa dịch, nhà nhà người người đều biết phải tăng cường vitamin C, phải uống này ăn kia… nhưng nhà tôi bổ sung nhiều nhất là vitamin vui, khó chứ không dễ đâu dù chẳng mất tiền mua”, Quỳnh Ngân - nhân viên văn phòng, nhà ở quận Gò Vấp - cho biết. Nguyên tắc ở nhà cô là tin xấu phải được đưa sau tin tốt hoặc lỡ có nhắn tin xấu vào nhóm chat của gia đình thì phải có ngay một tin hài hước để cân bằng.

“Ngày đầu tiên TPHCM có ca nhiễm vượt qua mốc ngàn cũng là ngày tôi nhận bảng điểm tốt nghiệp với khung GPA (điểm trung bình tích lũy trong suốt quá trình học tập) tối đa của em gái. Có thể sự lạc quan thấm vào máu gia đình tôi từ lâu. Tôi tin khi cuộc sống cho ta thử thách, sẽ đồng thời cho ta các gợi ý để vượt qua. Khi gặp chuyện không vui thì cố gắng nhìn thấy mặt tích cực còn lại và động viên người cùng nhà bớt ủ ê, bớt bi quan. Chứ cứ than thở thì chỉ cùng nhau suy sụp nhanh hơn”, Quỳnh Ngân khẳng định.

Ngày nào lên mạng cũng đếm số ca nhiễm và lang thang với những thông tin ngập tràn u ám có làm bạn bình tĩnh hơn đâu. Có thể bạn không để ý, thuật toán của Facebook sẽ đưa lên news feed của ta những thứ gần với cái ta đã đọc. Nghĩa là nếu bạn đã đọc tin xấu, các tin xấu khác sẽ nối nhau xuất hiện. Thế nên hãy rời màn hình và đừng chia sẻ những tin tiêu cực nếu nó không liên quan trực tiếp đến người trong gia đình bạn. 

P.T.N. - một cô giáo dạy tiếng Anh từng đối diện với những đau đớn, mất mát trong năm 2020 và trải qua những ngày giãn cách - đã viết trên Facebook: “Những ngày này, một lời nói ra cũng cố gắng cẩn trọng để không làm buồn lòng nhau, cũng là không làm buồn lòng chính mình…”.
Cố gắng chắt lọc, tìm những niềm vui nhỏ bé để động viên người thân, động viên chính mình cũng là cách để bớt thấy đằng đẵng khi đi qua mùa dịch.

Ăn và nấu ăn

Còn một chuyện không kém quan trọng và rất dễ gây căng thẳng, mệt mỏi trong gia đình mùa dịch - ăn và nấu ăn.

“Ba bữa một ngày, 21 bữa một tuần; không hàng quán, không tụ tập bạn bè vui vẻ, thật sự tôi phát cáu khi chồng hỏi: “Vợ ơi, chiều nay ăn gì?”. Tôi trả lời anh muốn ăn gì tự đi mà nấu, em lo bữa trưa bữa sáng thôi. Tối anh lo đi, anh sáng tạo thử xem. Thật may là nhờ vậy, buổi tối, cả nhà được bữa bún măng ngon lành”, một cô bạn của tôi kể. Bạn có mạnh dạn như nội tướng này chưa? Nếu chưa thì việc căng thẳng vì vừa WFH vừa tất bật trong bếp là lỗi của chính bạn.

Có khoảng 80% gia đình các bạn tôi khá vui vẻ, hạnh phúc hơn sau gần hai năm sống chung với dịch bệnh nhờ trình độ nấu ăn, làm bánh của chồng, con tăng hẳn. “Tất cả bánh sinh nhật, tráng miệng của cả nhà đều do con gái tôi (Cốm) làm, các món sử dụng lò nướng siêu đẳng là của chồng, việc của tôi là thưởng thức và khen ngợi. Chồng con vui vẻ vào bếp là mình vui vẻ lùi cách 2 mét ngay chứ không đứng cạnh góp ý gì”, Hương C., Giám đốc nghệ thuật Công ty sự kiện V., cho biết. Không khí vui vẻ khiến bữa ăn ngon miệng, giảm nỗi buồn lo căng thẳng.

Nhiều ông chồng vô tâm, cho rằng vợ đã làm việc ở nhà thì tiện lo luôn việc cơm nước, hướng dẫn con cái học online… mà quên rằng làm việc ở nhà cần tập trung hơn, mất nhiều thời gian hơn vì không tương tác trực tiếp.

Quay lại gia đình M.P., vì không du lịch, nhà hàng; cuối tuần, chị chuyển các bữa tối đầm ấm về mảnh vườn nhỏ vùng ven, chăm sóc cây, cho trẻ con có chỗ chạy nhảy vui vẻ cùng bố mẹ và cũng để… giãn cách. Trong tuần, hai buổi tối, lũ trẻ được đạp xe quanh chung cư với khẩu trang bịt kín.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, việc ở trong nhà nhiều quá có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch mà nay đã gần hai năm. Nên tái cấu trúc như thế nào để không phải cắt giảm các thành viên là chuyện hoàn toàn nghiêm túc vì cuối cùng thì gia đình kết nối vững chắc hay lỏng lẻo là yếu tố quan trọng nhất để các thành viên thấy mình có hạnh phúc hay không.

Nhà bạn thì sao? 

Lê Lan Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhipsongthidanvi /strCate=nhipsongthidan