1.
Để tôi kể bạn nghe, từ khi công ty đóng cửa, chúng tôi ở nhà làm online, trang cá nhân của tôi đã nhận vài lời “cầu cứu”.
Đêm trước, chị đồng nghiệp gọi điện rên rỉ rằng chị sắp phát điên sau 20 ngày ở yên trong nhà. Từ lúc chung cư của chị có ca nghi nhiễm, chị không dám bước chân khỏi cửa. Mua sắm gì, ban quản trị sẽ cho người nhận đồ ăn từ người giao hàng rồi mang tới tận cửa căn hộ. Chị thèm cảm giác chạy xe máy ngoài đường, gió thổi phà phà vào mặt; các con chị thì thèm những chuyến du lịch lên rừng xuống biển như những dịp hè trước.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Đêm qua, cô em phòng hành chính khẩn thiết xin gặp tôi. “Chuyện gì gấp vậy?”, tôi hỏi và được nghe: “Mẹ chồng em nói em sắp giết con trai bà. Mà vợ chồng cãi nhau chút xíu, có gì nghiêm trọng đâu. Mẹ có dấu hiệu trầm cảm, chắc do tin tức bệnh dịch xung quanh quá nhiều. Bà nói nhiều làm em trầm cảm theo. Chị phải gặp em, ở đâu cũng được miễn em được thoát khỏi bốn bức tường”.
Cũng đêm qua, một chàng trai độc thân tôi quen nhắn tin kể rằng sau nhiều ngày không ra khỏi căn phòng trọ không có cửa sổ, cậu ta thèm màu sắc, “mùi vị” của ánh sáng mặt trời. “Giờ ra đường có an toàn không chị? Đời em chưa từng ở một chỗ lâu thế này, ăn mì gói nhiều thế này. Mặt em và lưng em đầy mụn. Ngày nào em cũng gọi về quê than với mẹ nhưng không thể về quê lúc này. Em bị kẹt lại, bị cả thế giới bỏ quên”.
Những câu chuyện qua tin nhắn mùa COVID-19 mỗi lúc thêm dày. Tôi có cảm giác không khí u ám của bệnh dịch đang thách thức sức chịu đựng của một số người. Đồng nghiệp và bạn bè tôi không phải nhóm người yếu thế về kinh tế trong xã hội, tức là số tiền họ đang có có thể duy trì qua được nhiều đợt giãn cách nhưng sức khỏe tâm lý của họ đang bị thử thách.
Có những người càng trong gian khó càng bật ra khả năng thích ứng, linh hoạt, nhưng cũng có những người trĩu nặng lo lắng, bi quan. Tất nhiên, nỗi bi quan có tính lây lan không kém dịch bệnh, đặc biệt nếu cùng sống dưới một mái nhà, người này có thể giết chết tinh thần của người chung nhà nhanh hơn cả dịch bệnh, như chuyện của cô em đồng nghiệp kia.
2.
Những ngày này, tôi cũng nhận nhiều dòng tin hỏi thăm dạng tình huống: Chị được chích vắc-xin chưa? Nếu bạn dính COVID-19 thì sao? Nếu phải đi cách ly thì ai sẽ trông hai đứa nhỏ? Liệu chúng ta có bị giảm lương hay không? Năm tới sẽ ra sao, có khi nào công ty mình phá sản luôn không?…
Với những câu hỏi như vậy, tôi hiểu người hỏi đang bất an. Điều ấy cũng là thường.
Bạn có cuộc sống cân bằng nếu ba phần sau cơ bản cân bằng: công việc, gia đình, đời sống cá nhân. Ba phần này cũng tương đương với ba phần trong 24 tiếng của một ngày: tám giờ làm việc, tám giờ ngủ nghỉ và tám giờ cho các sinh hoạt đời sống. Với mỗi khung tám giờ đó, chúng ta trải qua các quang cảnh, môi trường khác nhau, như ở nhà, văn phòng hoặc cửa hàng, trường học, nhà máy hay quán cà phê… Nay, mọi sự cân bằng bị phá vỡ. Nếu không điều chỉnh để thích nghi kịp, rất có thể xảy ra trục trặc.
Có anh chồng than trên nhóm chat công ty tôi rằng anh không có khả năng giao tiếp quá lâu với người thân trong khoảng cách gần. Các bà vợ càm ràm quá nhiều và bọn trẻ quậy quá mức. Một anh khác kể về người cha đau yếu luôn cần người bên cạnh nắm tay để không có cảm giác sợ hãi. Một bà dì của cô gái nọ suốt ngày theo dõi tin tức và lẩm bẩm “sắp chết hết giống bên Ấn Độ rồi”. Ở trong nhà nhưng họ khó lòng nghỉ ngơi, thư giãn. Gia đình là nơi họ nương náu và gia đình như quả bóng căng quá mức.
3.
Cả tuần nay, tôi liên tục làm một việc quan trọng: dọn Facebook. Tôi giảm tương tác và hủy kết bạn với những người hay bày tỏ sự ức chế, quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội. Đành rằng tôi thương họ, hiểu họ đang khó khăn cùng với sức chịu đựng kém nên khó nảy sinh suy nghĩ tươi sáng. Thế nhưng, cũng không có lý gì tôi phải tiếp nhận những năng lượng xấu từ họ.
Tôi nhớ tới người chị gái. Mỗi lần nhận tin xấu từ chị, tôi thường buồn, cảm giác chị đang có cuộc sống không lối thoát. Thế nhưng ngay sau đó, tôi gọi cho cha mẹ, thông tin lại khác hẳn. “Chị con hay trầm trọng hóa mọi thứ, không có gì ghê gớm đâu!”, cha tôi thường chốt chắc nịch, sau đó phân tích cụ thể để tôi yên tâm. Quả thật, chị tôi luôn nghĩ mình mắc trọng bệnh, mình bất hạnh, thua kém anh em, bạn bè dù thực tế chị giàu nhất trong số anh chị em, xinh đẹp, trẻ trung nhất và cũng được chồng cưng nhất.
Mẹ tôi nhiều lần nói với chị, tôi kém chị đủ đường nhưng trời cho tôi sự lạc quan và tôi luôn tìm thấy niềm vui dù thực tế có xấu tới mức nào. Suy nghĩ tích cực khiến tôi nhìn rộng, luôn tìm thấy ánh sáng để theo. Tôi thì nghĩ, chẳng trời nào cho cả. Sự lạc quan của tôi hay của cha tôi là do rèn luyện, học và đọc nhiều để mở rộng tầm nhìn, từ đó có một thế giới quan vững chắc, tin vào điều tốt đẹp một cách có căn cứ và không tin vào điều tồi tệ nào đó cũng trên cơ sở, dữ liệu rõ ràng.
Tôi nhớ cái lần tới thăm người bạn thân sau ca phẫu thuật lồng ngực. Vợ anh ấy khóc lóc, kiệt quệ. Chị lo chồng không phục hồi thanh quản sau ca mổ và mãi anh không nói được. Tôi thấy mẹ bạn tôi vẫn bình thản cười và nói với con dâu trên sân Bệnh viện Chợ Rẫy: “Đời còn nhiều thứ gian nan lắm. Mới từng này đã là gì đâu con”.
Chị Đặng Lan bạn tôi - người đã thất nghiệp, ở nhà một năm nay vì lương đi làm thấp hơn tiền xăng và ăn trưa, vừa chia sẻ vui nhộn trên Facebook: “Bốn người lớn lộc ngộc ở với nhau 24/24 giờ trong một căn hộ chỉ 70m2. Hai đứa trẻ lúc nào cũng ôm máy tính xem YouTube. Chồng thì ra đụng, vào đụng. Món ăn thì lặp lại một cách nhàm chán. Rau và hoa thì trồng và ngắm mãi cũng chán, mình buộc phải nghĩ ra cách “vận động online” tức lên mạng để học”.
Chị rủ cả gia đình cùng học, cùng nhau làm bài tập nhóm và thi đua. Tôi nhìn qua Facebook chị Thanh Lệ, thấy chị khoe lớp tập yoga online. Trên hội nhóm nọ, một cô bạn khác rao mở lớp dạy zumba online miễn phí. Bạn Thu của tôi đã đăng ký khóa học tiếng Anh của một thầy tại Úc. Ở vài trang Facebook khác, tôi thấy em Thanh Hiền học vẽ tranh màu nước, bạn Đỗ An học vẽ tranh bằng bút lông dầu, một số bạn cùng chồng con tập làm clip TikTok, một số bạn thử livestream trò chuyện, chia sẻ như người nổi tiếng… Cuộc sống của họ thật sôi động, tích cực.
“Cuộc sống u ám hay màu sắc là do bạn. Nếu cuộc đời không có sự kiện sẵn thì mình tạo ra nó cho vui”, tôi luôn đi theo triết lý riêng này. Mùa dịch trước, tôi cũng tập tành lên YouTube học cách quay và cắt dựng clip, cách chăm sóc hoa hồng, tập tabata (một thể loại gym mới) để có cơ bụng. Mùa dịch này, tôi tiến thêm một bước mà bạn bè nghe có thể hơi sốc: tôi học múa ballet ở tuổi 45.
Thỉnh thoảng, tôi nói với những bạn nhắn tin than thở nghịch cảnh rằng chúng ta may mắn vì ngồi yên trong nhà nhưng có mạng xã hội để chia sẻ, để nhắn gọi ai đó khi cần, có người thân trong nhà để tương tác hay… cãi lộn. Tôi nhắc một số bạn từng có giấc mơ bỏ phố về rừng rằng: “Mới đôi ba tuần ở nhà chống dịch đã than thế này thì về nơi không nhìn thấy đèn nhà hàng xóm, chỉ ta với mình cùng núi đồi heo hút, sẽ thế nào?”. Vậy, đây chính là cuộc thử nghiệm quý báu đó…
Minh Lê