Virus Zika tấn công cả não người lớn: Bộ Y tế phát ngôn nóng

11/04/2016 - 19:26

PNO - PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định đó là thông tin chưa chính xác.

Thông tin về việc virus Zika có thể tấn công cả não người lớn, cụ thể theo nguồn tin này cho biết các nhà khoa học Brazil vừa phát hiện ra hiện tượng rối loạn não liên quan đến nhiễm trung virus Zika ở người lớn gây hoang mang dư luận.

Trao đổi với Phụ nữ TP.HCM cùng ngày (chiều 11/4) PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có phản hồi chính thức về vấn đề này.

"Thông tin đó chưa chính xác, những thông tin đó trên thế giới cũng chưa xác nhận, kiểm chứng, WHO cũng chưa đưa bất cứ cảnh báo nào về việc này", PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Virus Zika tan cong ca nao nguoi lon: Bo Y te phat ngon nong
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Cũng theo Cục trưởng cục Y tế dự phòng, nếu có thông tin đó, hoặc có bất cứ thông tin mới liên quan đến virus Zika này được xác thực và công nhận thì Bộ Y tế chắc chắn sẽ công bố chính xác đến người dân.

Trước đó, nguồn tin cho hay, loạt công trình nghiên cứu trước đây chỉ cho biết virus Zika gây bệnh teo não ở trẻ sơ sinh. Do đó, căn bệnh này được cảnh báo là đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học Brazil đã phát hiện ra một triệu chứng rối loạn não mới có liên quan đến virus Zika ở người lớn. Triệu chứng này được gọi là hội chứng cấp tính gây viêm não, hay ADEM, gây tổn hại não và tủy sống.

Vi rus Zika được cho là có mối liên kết với hội chứng Guillain-Barre - hội chứng tấn công các dây thần kinh ngoại vi bên ngoài não bộ và tủy sống, gây tê liệt tạm thời, một số trường hợp mắc có thể phải cần dùng đến máy thở.

Phát hiện mới này của các nhà nghiên cứu Brazil cho thấy, Zika có thể gây nên một cuộc tấn công miễn dịch trên hệ thống thần kinh trung ương cực nhanh.

Virus Zika tan cong ca nao nguoi lon: Bo Y te phat ngon nong
Zika là loại virus do muỗi Aedes Aegypti lây truyền

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, ngoài hội chứng Guillain-Barre, virus Zika có thể gây ra các khuyết tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, mặc dù bằng chứng kết luận có thể mất vài tháng hoặc vài năm.

Ngoài các hội chứng trên, một số nhà nghiên cứu cũng đã báo cáo trường hợp các bệnh nhân nhiễm virus Zika có triệu chứng phát triển viêm não và viêm tủy. Khi các tế bào thần kinh bị tổn thương, có thể dẫn đến rối loạn thần kinh. Thông tin này lập tức gây lên nỗi lo lắng cho người dân.

Vì sao thai phụ mắc virus Zika phải siêu âm 2 tuần/lần?

BS Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: Để chẩn đoán và theo dõi những thai phụ mắc virus Zika có bị thai đầu nhỏ hay không, trên siêu âm các bác sĩ thường đánh giá trên hai cấu trúc của thai, một là sự phát triển của xương vòm sọ (qua đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu), hai là sự phát triền của cấu trúc não (quan trọng nhất là thùy trán).

Sau đó các số đo của hai cấu trúc trên sẽ được mang so sánh với chính chúng (sau một khoảng thời gian khác nhau), hoặc so với những cấu trúc khác có cùng tốc độ phát triển tương ứng (bụng, xương đùi… của thai), hoặc so với giá trị trung bình của cấu trúc trên tuổi thai tương ứng.

Trên máy siêu âm, thông thường chỉ đo được chính xác khoảng cách trên 3mm. Nếu dưới 3mm thường không chính xác, trừ khi đo trên máy siêu âm cao cấp hoặc đo bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Thời kỳ thai dưới 30 tuần tuổi, mỗi tuần đường kính lưỡng đỉnh của thai sẽ tăng lên từ 3 - 4mm. Nếu đo ở khoảng cách nhau 2 tuần, khi đó sự phát triển từ 6 - 8mm, kết quả đo đủ để đánh giá chính xác. Đo sớm quá khó chính xác, đo muộn quá thời gian chờ đợi không cần thiết. Giới chuyên môn đặt ra giới hạn 2 tuần/lần là vì lý do đó.

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, theo dõi cả quá trình mới có thể khẳng định là hội chứng đầu nhỏ hay không. Nếu số đo xương sọ có nghi ngờ thì cần phải khảo sát cấu trúc não và một số thăm dò khác mới khẳng định được. Vì vậy, việc đo cấu trúc xương sọ chỉ nên coi là thăm khám thường quy và bước đầu, có tính giá trị sàng lọc. Việc kết luận nên dành cho các trung tâm chẩn đoán trước sinh hoặc các chuyên gia.

GĐ&XH

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI