Vinh quang gì khi giấu bằng đại học đi làm công nhân

21/11/2014 - 15:26

PNO - PNO – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nói về con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chưa tìm được việc làm trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 19/11 vừa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bộ trưởng nói không sai. Hiển nhiên, lao động là vinh quang, làm công nhân cũng là lao động. Nhưng, vậy thì hàng trăm trường ĐH, CĐ sinh ra để làm gì?

Để thi đậu một trường ĐH, CĐ không đơn giản. Học sinh sau 12 năm đèn sách miệt mài, phải lặn lội đến các điểm thi ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số thành phố lớn khác; nhiều gia đình khó khăn, bố mẹ phải bán thóc, bán gà lợn để con có mấy trăm ngàn đi thi ĐH.

Học ĐH, CĐ càng không đơn giản. Cứ tính trung bình, một năm học, sinh viên phải chi ra 25 triệu đồng. Học càng lên cao, số tiền lại càng lớn.

Vinh quang gi khi giau bang dai hoc di lam cong nhan

Có phụ huynh nhẩm tính, trong 5 năm học ĐH và hơn 2 năm nữa học chương trình thạc sĩ của con, bà mất trên 200 triệu đồng. Thế mà ra trường, con bà vẫn đang chờ việc, làm tạm mấy việc lễ tân khách sạn, bán quần áo. “Nếu cháu học xong lớp 12 thì cũng có thể đi bán quần áo, bán trái cây, đâu phải mất đến số tiền đủ xây một căn nhà thế kia rồi lại đi bán hàng? Chưa kể trong 7 năm đó, nếu ở nhà đi làm, cháu cũng làm ra số tiền không nhỏ”, phụ huynh này bày tỏ.

Đó là chưa kể, việc tổ chức những kỳ thi ĐH, CĐ là vô cùng tốn kém tiền của, công sức của cả xã hội. Ôn luyện khổ, thi khổ, học cũng khổ, ra trường vẫn chưa có việc làm, phải cất bằng ĐH đi làm công nhân. Thế mà bộ trưởng vẫn nói lao động là vinh quang, chỉ là làm không đúng ngành nghề được đào tạo, làm công nhân cũng là làm.

Vậy bộ trưởng có thấy cần thiết phải duy trì những trường ĐH, CĐ, đào tạo những giáo sư, tiến sĩ để dạy cho sinh viên đủ các ngành nghề như hiện nay? Để làm công nhân, học sinh chỉ cần học hết phổ thông rồi học nghề, đâu có tốn kém tiền của và thời gian như quãng đường vào ĐH, CĐ?

Tôi từng đọc trên một tờ báo kể về hành trình xin làm công nhân vô cùng gian nan của một cử nhân ĐH. Dù đã cố giấu bằng ĐH đi, chỉ nói là tốt nghiệp THPT thôi, nhưng anh này vẫn không thoát ở vòng phỏng vấn khi người ta xem tay anh và bảo: “Không có chai tay, không nhận”.

Muốn làm công nhân để có thu nhập sống qua ngày trong lúc chờ việc đúng chuyên ngành, đâu đơn giản?

Doanh nghiệp tuyển dụng công nhân cũng lo lắm chứ. Chắc gì những cử nhân được đào tạo trong ĐH, CĐ đã có năng suất, trình độ cao hơn những người được đào tạo bài bản nghề trong những trường dạy nghề. Như vậy, việc cử nhân làm công nhân đang lãng phí đủ điều, học xong không có đất dụng võ, doanh nghiệp muốn tuyển dụng làm công nhân lại phải mất chi phí đào tạo lại.

Việc đào tạo ĐH, CĐ ở Việt Nam đang bị buông lỏng. Đủ các trường ĐH, CĐ, không thi vẫn có tên trúng tuyển ĐH, đào tạo kiểu sản xuất hàng loạt, chẳng cần quan tâm đến thị trường đang cần bao nhiêu, cần những vị trí như thế nào. Mạnh trường nào trường ấy mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên mà không cần quan tâm khâu tuyển dụng nhân lực, bố trí ngành nghề cho sinh viên. Vậy là việc “học cầu bằng, xin việc cầu may” cứ thế nối tiếp.

174.000 sinh viên đã tốt nghiệp ở Việt Nam chưa tìm được việc làm, và con số này sẽ còn tăng nữa nếu những người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh và xã hội vẫn ung dung, với suy nghĩ "chỉ là làm không đúng ngành thôi, không phải thất nghiệp, làm công nhân cũng là lao động, mà lao động là vinh quang".

Ngày 19/11, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn, trả lời chất vấn của Quốc hội về các vấn đề giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Nhiều đại biểu đặt ra con số 174.000 sinh viên đã tốt nghiệp chưa tìm được việc làm.

Bộ trưởng cho hay, không phải 174.000 người này đang ngồi chơi mà họ vẫn đang tìm việc làm đế sống, nói "thất nghiệp" chỉ là không làm đúng ngành nghề đào tạo.

Nhiều người đang đi làm ở các doanh nghiệp địa phương, cất bằng ĐH làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang. Bộ sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI