Vĩnh Long trình kế hoạch làm đường gom dân sinh cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

22/07/2024 - 19:59

PNO - Sau phản ánh của Báo Phụ nữ TPHCM, ngành chức năng đã trình kế hoạch làm đường gom dân sinh giúp cho bà con sinh sống cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đoạn qua xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) đi lại thuận lợi.

Sau khi Báo Phụ nữ TPHCM có bài viết “Đường dân sinh cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi vào “ngõ cụt”, chiều 22/7, ông Lâm Thành Hảo - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long - cho biết, đơn vị đã tổng hợp tất cả các kiến nghị của bà con sinh sống cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ gửi đến UBND tỉnh Vĩnh Long nhằm xem xét, giải quyết.

Theo ông Lâm Thành Hảo, ngày 17/7, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với UBND huyện Bình Tân làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để giải quyết kiến nghị của bà con.

Do thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, có 34/40 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 22 hộ thống nhất giá bồi hoàn, 12 hộ chưa thống nhất.

Hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình kế hoạch làm đường gom dân sinh giúp cho bà con đi lại thuận lợi.

Người dân bức xúc đường dân sinh cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thiết kế đi vào “đường cùng, ngõ cụt” - Ảnh: Thanh Lâm
Đường dân sinh cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thiết kế đi vào “đường cùng, ngõ cụt” - Ảnh: Thanh Lâm

Trước đó, UBND huyện Bình Tân đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị chủ đầu tư giải quyết khi người dân tại xã Nguyễn Văn Thảnh bức xúc vì đường dân sinh cặp cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thiết kế đi vào “đường cùng, ngõ cụt”.

Đường dân sinh tại khu vực này nằm cặp theo mé ruộng của nhiều hộ dân, được thiết kế gồm phần đường đất, rải đá mi và có 1 hầm chui nhưng không kết nối vào bất cứ đường nào. Các điểm cuối của con đường đều là ruộng, ngõ cụt, không thể di chuyển.

Một số hộ dân có ruộng trong khu vực này cũng phản ánh, con đường dân sinh dài hơn 1km, chỉ còn khoảng 500m nữa là đấu nối vào đường tỉnh 908, hoặc còn 1 đoạn vài trăm mét đấu nối vào đường nhựa liên xã nhưng chủ đầu tư không làm để người dân đi lại, vận chuyển nông sản.

Theo các hộ dân, nếu đã đầu tư làm đường dân sinh để bà con đi lại, vận chuyển nông sản thì phải đấu nối ra đường nhựa, chứ không đấu nối đi đâu thì làm rất lãng phí. Bà con mong muốn chủ đầu tư sớm xem xét hoàn thiện để việc đi lại bớt khó khăn.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI