Vĩnh Long: Tiếp tục xử lý dự án nhà máy rác 10 năm "trùm mền"

17/10/2022 - 19:15

PNO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã mời đại diện chủ dự án nhà máy xử lý rác rộng hơn 7,5 héc-ta để tống đạt quyết định đến 3 lần nhưng chưa được...

Chiều 17/10, ông Trần Minh Khởi, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này đã mời đại diện Công ty CP Phát triển xây dựng Phương Thảo (chủ dự án nhà máy xử lý rác) để tống đạt quyết định đến 3 lần nhưng chưa được. Sắp tới, sở sẽ tiếp tục mời công ty đến làm việc về vấn đề này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, dự án "Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost bảo vệ môi trường - phục vụ nông nghiệp, công suất 36.000 tấn phân/năm" nêu trên được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 3/2/2009 với diện tích sử dụng đất khoảng 8 héc-ta (bao gồm cả bãi rác cũ 2,4 héc-ta), công suất xử lý 200 - 300 tấn rác/ngày, 36.000 tấn phân/năm; tổng mức đầu tư 192 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 29 tỷ đồng, vốn vay tổ chức tín dụng 163 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động tháng 12/2010.

Đến lần cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ hai (ngày 26/10/2012), dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 238 tỷ đồng. Trong đó vốn doanh nghiệp tự có 111 tỷ đồng, vốn vay 127 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động cũng được điều chỉnh đến tháng 1/2013.

Một góc dự án khu xử lý rác
Một góc dự án khu xử lý rác - Ảnh: Đông Phong

Vào đầu tháng 4/2013, dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã đi vào vận hành thử nghiệm. Trong quá trình kiểm tra để công nhận "dự án đảm bảo phương án bảo vệ môi trường" thì đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót như: nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn thải ra môi trường, tỷ lệ chất trơ sau xử lý còn cao hơn quy định, chưa có báo cáo tác động đánh giá môi trường lò đốt chất thải thông thường, chưa nộp đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…

Do nhiều hạn chế, vi phạm các quy định, Công ty Phương Thảo không có cách khắc phục nên chỉ sau thời gian vận hành thử nghiệm, nhà máy phải hai lần tạm ngưng hoạt động và vẫn còn ngưng hoạt động cho đến nay (giữa tháng 10/2022). 

Liên quan đến việc xử lý dự án nhà máy rác này, cũng theo phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, Luật Đất đai hiện hành quy định, sau khi Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất mà Công ty vẫn tiếp tục sử dụng phần đất này thì được xem là hành vi lấn chiếm đất đai của Nhà nước. "Trong trường hợp này thì sẽ bị xử lý hành vi vi phạm hành chính về lỗi lấn chiếm", ông Khởi nói.

Một bãi rác lộ thiên trong khu xử lý rác - Ảnh: Đông Phong
Một bãi rác lộ thiên trong khu xử lý rác - Ảnh: Đông Phong

"Đối với trường hợp thời gian bao nhiêu năm phải di dời thì theo quy định hiện chưa có mức quy định thời gian di dời sau khi có quyết định thu hồi. Tuy nhiên trong trường hợp không di dời thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thực hiện xử phạt vi phạm hành chính; nếu không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính thì hình phạt bổ sung là tiến hành cưỡng chế di dời tài sản ra khỏi phần đất bị lấn chiếm",  phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long thông tin.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI