Vĩnh Lộc như quê mẹ của tôi

09/09/2024 - 06:44

PNO - Ngày nay, vùng đất anh hùng ấy đang chuyển mình mạnh mẽ, bất ngờ. Cả 2 xã đều được điện khí hóa, đường rải nhựa liên xã, nhà cửa mọc lên như nấm, xe cộ nườm nượp ngày đêm.

Nằm ở huyện Bình Chánh, TPHCM, giáp căn cứ cách mạng Vườn Thơm và Củ Chi, từng hứng chịu nhiều mưa bom, bão đạn trong kháng chiến, xã Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B) từng được mệnh danh là vành đai lửa ở vùng ven Sài Gòn trước ngày Sài Gòn được giải phóng. Tôi tự hào từng được gắn bó với mảnh đất, con người nơi vùng đất anh hùng ấy.

Các đoàn viên xưa và nay ở Vĩnh Lộc
Các đoàn viên xưa và nay ở Vĩnh Lộc

Như là mẹ, là em

Đầu tháng 10/1975, từ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, tôi được chuyển công tác về quận Tân Bình. Anh Mười Luận ở quận đoàn lấy xe Honda 67 chở tôi chạy thẳng về xã Vĩnh Lộc (lúc ấy vẫn còn thuộc Tân Bình). Thời đó, dân cư thưa thớt, lúa và hoa màu 2 bên đường đang vào vụ, mượt mà xanh. Một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng với mùi đồng quê quen thuộc pha chút lo toan vì công việc quá mới mẻ.

Tôi vào ủy ban xã nhận công tác, nhận chỗ ở, cất ba lô con cóc, làm quen với anh em văn phòng, công an, xã đội, ăn ngủ tập thể. Ở đây toàn dân Nam Bộ, chỉ mình tôi trọ trẹ giọng miền Trung.

Xã đoàn có 3 cán bộ chuyên trách gồm Bí thư Năm Sáng là cựu tù Côn Đảo, Phó bí thư Sáu Kiên đến từ lực lượng vũ trang Thành đoàn và tôi - Út Huy - từ cánh mặt trận Thành đoàn sang. Dù xuất thân nông dân nhưng tôi thư sinh, mồm mép, có ít chữ nghĩa nên được giao làm báo cáo, viết phát biểu và trực văn phòng.

Sau năm 1975, Xã đoàn Vĩnh Lộc có 81 đoàn viên, đa phần được kết nạp trong chiến dịch Hồ Chí Minh và trước đó, học vấn phổ biến là lớp Ba, lớp Bốn, chỉ duy nhất anh Hồ Văn Lạc (Út Lạc, bên công an xã, sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh) học đến năm thứ hai Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Tôi được chỉ định tham gia ban thường vụ xã đoàn, phụ trách công tác thiếu nhi. Ở nhà, tôi thứ hai nhưng khi theo cách mạng, do nhỏ tuổi nhất nên có bí danh Út Huy.

Từ kinh nghiệm hoạt động nội thành, tôi lân la làm quen và chơi với trẻ con để tiếp cận người lớn. Các em cực kỳ hồn nhiên và ngây thơ, chưa em nào biết Sài Gòn ở đâu, chẳng biết hát hò là gì. Nhờ vốn liếng hồi hoạt động cộng đồng sinh viên, tôi tự tìm, học thêm bài hát để dạy lại trẻ con.

Những buổi tối sinh hoạt hào hứng là niềm vui ngọt ngào của lũ trẻ quê. Tôi gặp lại mình hồi nhỏ nên dành cả tình cảm yêu thương, trân trọng. Sau mỗi buổi sinh hoạt, các em thường dúi cho tôi củ khoai, nắm xôi chắt chiu, dành dụm. Các em gọi tôi là “ông” và xưng là “tui” như xưng hô với cha mẹ.

Vĩnh Lộc có 7 ấp. Xa nhất là ấp 15, cách xã hơn chục cây số. Mỗi ngày, ăn chiều xong, tôi túc tắc xách AK báng xếp vào từng ấp sinh hoạt thiếu nhi. Tôi toàn đi bộ và thường băng đồng, mỗi đêm mỗi ấp, trừ ấp 15 thì vài tuần tôi mới đến và phải đi xe đạp. Tới nơi, vã mồ hôi, mệt nhoài nhưng thấy các em tề tựu chờ là tôi như lên đồng, quên hết mệt nhọc, hăm hở nhập cuộc đùa vui. Tan cuộc, tôi về nhà các đoàn viên phụ trách thiếu nhi nghỉ qua đêm.

Ở ấp nào, tôi cũng có má nuôi, thân hơn ruột thịt. Nhiều khuya lạnh ngắt, không dám tắm, chỉ lau sơ người. Biết tôi đói, các má lẳng lặng thò tay vào lu, lôi ra khi thì con cá lóc nhỏ, khi thì con rô, con sặc đem nướng trui, dằm nước mắm ớt, kèm trái dưa leo hay cà chua, ăn với cơm nguội nhưng ngon bá cháy. Hương vị món ngon quê nghèo nhưng đầy tình nghĩa, gần nửa thế kỷ vẫn nguyên vẹn cảm xúc.

Các đoàn viên xưa trước khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Lộc
Các đoàn viên xưa trước khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Lộc

Nơi để trở về

Ban ngày, về lại xã đoàn, tôi cùng anh em tăng gia, chăn nuôi, sản xuất, tham gia vét giếng, rải phân, trồng hoa màu, tay chai sạn như nông dân. Quê nghèo nhưng mỗi lần có đám là tưng bừng nhậu nhẹt. Đám gì cũng nhậu; đám cưới, đám ma, đám giỗ đều nhậu. Ai cũng uống, cả phụ nữ và trẻ vị thành niên, trừ tôi. Trưa mồng Một tết năm 1976, tôi đạp lên Bà Quẹo hỏi giá thuê xe buýt chở các em đi chơi. Chuyến đi trót lọt với những kỷ niệm tuyệt vời.

Thời ấy, các phong trào rôm rả. “Bình dân học vụ” rộn ràng với những thầy cô giáo khăn quàng đỏ. Ấp nào cũng có đội văn nghệ và đội bóng nhí, chưa kể mấy đội người lớn. Mỗi lần tranh giải bóng đá, tôi thuê dàn loa, kiêm luôn tường thuật trực tiếp với khán giả ngồi tràn sân ruộng.

Sau mỗi trận đấu hay sô diễn, bồi dưỡng cầu thủ, diễn viên văn nghệ lắm khi chỉ là nồi cháo chao tổ chảng, sang hơn thì rổ khoai mì trộn mỡ hành. Sôi nổi nhất là phong trào “Kế hoạch nhỏ” với những chuyện lạ như cổ tích đời nay. Nhờ các em, tôi được lên huyện, lên thành phố báo cáo điển hình. Tháng nào, báo đài cũng có tin hoặc bài viết về thanh thiếu nhi Vĩnh Lộc.

Đầu năm 1977, tôi được điều về tham gia Ban Chấp hành Huyện đoàn Bình Chánh, làm Phó ban Thiếu nhi. Nửa năm sau, tôi lại chuyển về Ban Thiếu nhi Thành đoàn. Tết nào cũng vậy, đi lại khó khăn và không đủ thời gian, có thể không về thăm mẹ đẻ ở Phan Thiết nhưng tôi vẫn về Vĩnh Lộc thăm lại bà con, lần nào cũng qua đêm vì phải đi một vòng các ấp.

Thi thoảng, dì Sáu Sang (ấp Tân Hòa 1) còn dúi cho tôi ít tiền tiêu vặt và lỉnh kỉnh đồ đạc, thường là rau củ, có khi là con gà giò. Bù lại, mỗi lần về, tôi lại ky cóp tặng dì nhu yếu phẩm như đường, sữa, bột ngọt và vài thứ đồ nhựa rẻ tiền. Mẹ anh Út Dũng - Bí thư chi đoàn ấp Tân Hòa 1 - nghễnh ngãng tai, thương tôi hơn con đẻ.

Bà khoe với mọi người: “Giải phóng về, tui mất thằng Hai nhưng có thêm thằng Kiên, thằng Guy (Huy, nói trại)”. Nhớ lần về thăm, thấy má đi chân đất và khen tôi có đôi dép nhựa đẹp, tôi ép má nhận đôi dép của tôi rồi đi chân không, đạp xe về Thành đoàn mà lòng phơi phới vì vừa mang niềm vui cho mẹ, dù nhỏ.

Nhiều người quen và anh em Thành đoàn cứ ngỡ quê tôi ở Vĩnh Lộc. Thú thật, tôi suýt thành rể Vĩnh Lộc. Thấy tôi hiền lành, không rượu chè, thuốc lá, lại học hành tươm tất, nhiều cô cũng để ý. Có mấy má còn tính gả con hoặc mai mối nhưng không thành.

Sau này, bận bịu đủ việc, tôi ít có dịp về thăm và ở lại vài ngày như trước. Hầu hết các má, các dì nay đã mất, nhiều bạn cùng trang lứa thời đó cũng không còn. Các em trưởng thành, thậm chí lên chức ông bà nhưng mỗi lần gặp nhau là rộn ràng sống lại bao kỷ niệm tuyệt đẹp, trong veo, vẹn nguyên cảm xúc.

Mảnh đất này đã ghi dấu sự cống hiến và hy sinh dũng cảm của những cô gái Sài Gòn tuổi mười tám, đôi mươi đi tải đạn, đưa thương binh về hậu cứ. Trước năm 1975, Vĩnh Lộc là vành đai lửa, các ấp đều có chi bộ đảng. Sau ngày hòa bình, Vĩnh Lộc nghèo xơ xác nhưng tình nghĩa cách mạng vẫn sắt son.

Ngày nay, vùng đất anh hùng ấy đang chuyển mình mạnh mẽ, bất ngờ. Cả 2 xã đều được điện khí hóa, đường rải nhựa liên xã, nhà cửa mọc lên như nấm, xe cộ nườm nượp ngày đêm.

Cảm ơn bà con và mảnh đất Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B ngày nay) đã cho tôi một thời thanh xuân sôi nổi, được sống hết mình vì công việc yêu thích. Với tôi, Vĩnh Lộc như quê mẹ của mình.

Út Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI