Vinh danh 16 "báu vật dân gian sống"

21/11/2015 - 09:18

PNO - Sáng 19/11, lễ vình danh 16 nghệ nhân ưu tú đầu tiên trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, được tổ chức long trọng tại nhà hát thành phố.

Trong 22 hồ sơ gửi hội đồng chuyên ngành cấp bộ đề xuất Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu, 16 hồ sơ được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Các NNƯT của TP.HCM được vinh danh lần đầu thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và tri thức dân gian.

Trong số này có nhiều tên tuổi quen thuộc với công chúng như họa sĩ Trương Hán Minh, họa sĩ Trương Lộ, ca sĩ - NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ Đức Dậu… Riêng lĩnh vực đờn ca tài tử (ĐCTT) có sáu nghệ nhân được phong tặng danh hiệu gồm Tấn Nhì, Út Tỵ, Quang Dũng, Thanh Tùng, Lê Hoàng Tấn và Thanh Tuyết.

Vinh danh 16
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao danh hiệu cho các Nghệ nhân ưu tú - Ảnh: Website TP Hồ Chí Minh

Với những người được xem là “báu vật dân gian sống”, việc tôn vinh họ bằng danh hiệu chính thức của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Bởi nghệ nhân là những người đại diện cho các bộ môn trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

NNƯT Tấn Nhì xúc động: “Tôi đến với ĐCTT bằng sự yêu thích và gắn bó với loại hình nghệ thuật dân tộc này bằng tất cả niềm đam mê. Tôi nghĩ những nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca khác cũng đều xem ĐCTT vừa là thú vui tao nhã vừa là cách tu dưỡng tinh thần. Hiếm ai nghĩ mình đến với ĐCTT để mưu cầu danh hiệu hay bổng lộc. Khi ĐCTT được thế giới công nhận, nghệ nhân được Nhà nước vinh danh thì đó là động lực lớn cho những người đam mê và hy sinh với ĐCTT, đặc biệt là lớp trẻ”.

Nhìn một nghệ nhân ở tuổi xưa nay hiếm phải nhờ người dắt mới có thể bước lên sân khấu nhận bằng chứng nhận, khán phòng chùng lại. Người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT như ông lẽ ra phải được công nhân Nghệ nhân nhân dân (NNND).

Nhưng do quy trình thủ tục, phải đạt NNƯT mới nhận NNND nên đợt này ông chỉ được phong tặng danh hiệu NNƯT. Quy định máy móc này vênh với thực tế rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã ở tuổi gần đất xa trời, nếu phải chờ qua từng bước thì nhiều nghệ nhân xứng đáng không kịp được vinh danh.

Buổi lễ sẽ trọn vẹn hơn nếu không vắng mặt nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Viên, người chế tác nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam. Ông đã ra đi trước ngày được trao danh hiệu cao quý, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của một đời say mê nghiên cứu, chế tác, cải tiến nhạc khí, nhạc cụ dân tộc.

Từ đợt tặng danh hiệu nghệ nhân lần thứ nhất, vẫn còn nhiều điều cần bàn như quy trình, thủ tục làm hồ sơ, quy định xét đặc cách… Nhưng vấn đề cấp bách hơn sau lễ vinh danh là chế độ ưu đãi, tạo điều kiện cho các nghệ nhân được biểu diễn, truyền dạy, góp phần bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể…

Thực tế, mới chỉ có nghị định về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Theo đó, mức trợ cấp dành cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ từ 700.000- 1.000.000đ/tháng. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng được ngân sách Nhà nước chi đóng bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh theo quy định.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI