Vĩnh biệt tác giả của “Bút máu”

15/08/2021 - 10:51

PNO - Nhà văn Triệu Xuân chia sẻ, gia đình của nhà văn Vũ Hạnh báo tin tác giả của tác phẩm “Bút máu” nổi tiếng vừa qua đời sáng nay, 15/8, hưởng thọ 96 tuổi.

Thông tin từ phía người nhà cho biết, do tai biến, nhà văn Vũ Hạnh nhập viện từ ngày 11/8 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Dẫu được các y bác sĩ chữa trị kịp thời, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã không qua khỏi.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình nho học. Ông tham gia cách mạng từ sớm. Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Ông từng đảm nhận vị trí Tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc - tổ chức của giới trí thức yêu nước, tiến bộ ở miền Nam.

Nhà văn Vũ Hạnh trong cuộc giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM vào năm 2020 - Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ
Nhà văn Vũ Hạnh trong cuộc giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM vào năm 2020 - Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ

Theo nhà văn Triệu Xuân, trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1975 - 1985, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, Ủy viên thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM.

Ông là tác giả của các tập truyện đã xuất bản: Vượt thác, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Chất ngọc, Ngôi trường đi xuống, Bút máu, Con chó hào hùng, Cô gái Xà Niêng, Ăn Tết với một người điên, Sông nước mênh mông; các hồi ký Cái Tết khó quên, Một chặng đường bút mực; tiểu thuyết Lửa rừng; các tập tiểu luận: Người Việt cao quý, Đọc lại Truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ...

Nhà văn vẫn viết đều đặn. Năm ngoái, ông vừa xuất bản cuốn Người nhà trời (do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành), kể chuyện miền Nam thời kháng chiến chống Pháp.

Bút máu - tác phẩm được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Vũ Hạnh - Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ
"Bút máu" - tác phẩm được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Vũ Hạnh - Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ

Trong các tác phẩm của ông, nổi tiếng nhất là truyện ngắn Bút máu - được xem là tuyên ngôn nghệ thuật cho sự nghiệp cầm bút của tác giả.

Vũ Hạnh viết Bút máu trong bối cảnh miền Nam ngày càng chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt. Chính quyền Ngô Đình Diệm trong cơn say máu đã tàn sát không ghê tay những người cộng sản và người dân yêu nước. Qua Bút máu, nhà văn mượn chuyện xưa để chửi đám bồi bút Sài Gòn, qua đó cũng khéo léo lên án sự giả dối, tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Nhân vật người cậu của Lương Sinh trong truyện của ông đã nói: “Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng có giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi… Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn!”.

Ông từng chia sẻ, văn học “là một lĩnh vực cao quý mà sự tác động của nó có thể cứu rỗi con người khỏi nỗi cô đơn ám ảnh, khỏi sự sa đọa về nhân cách”… và tin rằng “văn chương là một cách nối dài sự hiện hữu của con người như một cá tính tự do”.

Nhà văn Vũ Hạnh được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007.

PV

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI