Vĩnh biệt Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu - Người không cô độc

20/02/2019 - 18:19

PNO - Chia tay chị, vẫn là hình ảnh lọt thỏm giữa căn phòng lớn  nhưng không còn là cảm giác cô độc bởi... chị hiểu mình đang sống cho ai, vì điều gì.

1. Chị dong dỏng cao. Gương mặt rõ những đường nét. Rất duyên. Quê ngoại ở Đồng Tháp bát ngát, mênh mông. Quê nội tận Hải Phòng, nên “không cần lòng vòng”, như lời cô ca sĩ đất cảng Thu Phương tếu táo.

Xin chị cái hẹn. Được em. Trả lời ngay. Đúng giờ. Tôi đẩy cửa. Giữa căn phòng rộng, chị lọt thỏm. Giữa chồng hồ sơ màu hồng cao ngút, chị nổi bật với chiếc áo vàng. Phút choáng ngợp vì núi công việc đang chờ, tôi lại thấy… thích mắt. Chị ào tới, nói luôn những điều người đối diện đang muốn hỏi. Tôi ngạc nhiên, tôi nghe, tôi ghi chép và… chợt thấy khát nước. Cái tủ lạnh ở góc phòng mở ra, chị ngượng nghịu, hết sạch nước rồi em ơi. Tôi đỡ lời chị bằng chai nước suối mang theo, không khỏi ái ngại, chị giải khát bằng cách nào…

Vinh biet Pho chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thi Thu - Nguoi khong co doc
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu thăm cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình

* Một chồng hồ sơ vậy, đâu chỉ cứ đọc và ký cái rẹt. Tối nay chị sẽ về nhà lúc mấy giờ?

- Chị Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Thì cứ làm, làm cho kịp, đâu thể để các đơn vị, doanh nghiệp, người dân chờ đợi mình. Làm không xong, mệt thì ôm về nhà, ăn uống, tắm rửa xong làm tiếp. 4 giờ sáng dậy, làm nữa. Buổi ngày họp, tiếp khách, chiều tối đến đêm thì đọc hồ sơ, tài liệu. Hầu như ai ở vị trí như tôi đều thế cả. Mình có gì khác biệt đâu.

* Trong chương trình Tấm vé nghĩa tình, phóng viên báo Người Lao Động từng phản ánh trực tiếp đến chị việc một chị công nhân phải đóng tiền thay vì được nhận vé miễn phí. Và, chị đã giải quyết ngay tức khắc, yêu cầu công ty không được “thu nhầm”. Một cô bé khuyết tật nhắn tin cho chị đề xuất một yêu cầu. Chị đã liên lạc và xử lý dứt điểm. Và cả chuyện “cưa cây” ở Nhà Bè cách đây khá lâu…

- Một chủ trương đúng phải được tìm cách thực hiện cho trúng, có kiểm tra, giám sát và thu về kết quả trung thực. Những ví dụ bạn đưa ra chính là một trong các kênh để tôi và các cộng sự tiếp cận và đánh giá công việc. Phải mở ra những kênh thông tin tiếp nhận - xử lý đa chiều để làm sao những nguyện vọng, nhu cầu, bức xúc của dân phải được đáp ứng nhanh nhạy, kịp thời và có phản hồi từ cơ quan công quyền.

Bạn nhắc Nhà Bè làm tôi thấy nhớ. Tôi xa Nhà Bè cũng hơn ba năm nhưng chưa thôi canh cánh về mảnh đất thương khó ấy. Hồi đó, mỗi tháng tôi cùng Thường trực Huyện ủy thực hiện tiếp xúc - đối thoại với nhân dân một lần. Mỗi cuộc tiếp xúc, chúng tôi đều “mang” theo các trưởng phòng, đầu ngành của huyện.

Vinh biet Pho chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thi Thu - Nguoi khong co doc
Đôi lúc, ta cần bước chậm lại để lắng nghe Đôi lúc, ta cần bước chậm lại để lắng nghe "tiếng thở dài" đâu đó... Trong ảnh, bà Nguyễn Thị Thu trao đổi cùng cử tri huyện Nhà Bè.

Dân thắc mắc, bức xúc tới đâu, trả lời, tháo gỡ tới đó. Cái nào chưa rõ, còn vướng ở trên thì hẹn chính xác ngày giờ trả lời; cái nào mình giải quyết được thì chốt luôn tại chỗ. Cán bộ nào bị dân chỉ đích danh thói hạch sách, cửa quyền, chúng tôi cho kiểm tra, xác minh, có kết quả là xử lý công khai trong các buổi tiếp xúc sau. Mỗi cuộc đi là một đợt kiểm tra chính mình và các cán bộ của mình trước nhân dân.

Chị không nhắc nhưng tôi lại nhớ câu chuyện “cưa cây”. Đại khái là trên trục đường của thị trấn, có một cây lớn ngã nhánh vào nhà dân. Dân phản ánh lên xã (Phú Xuân) đề nghị cưa nhánh cây. Xã trả lời không có tiền, đổ qua cho công ty công ích. Mãi cho đến buổi tiếp xúc, dân phản ánh, cuộc họp vẫn diễn ra, còn chị đi thẳng xuống nhà dân, nhánh cây đã trĩu trên mái nhà. Chị nói luôn với đại diện xã, nếu các anh không có tiền, tôi sẽ bỏ tiền túi để các anh cưa cây. Dân thở phào, cán bộ xã nhận khuyết điểm, còn bà bí thư kiêm chủ tịch huyện Nhà Bè thì được thêm một bài học, một nhánh cây có thể làm lung lay cái gốc lòng dân nếu mỗi cán bộ không tận tâm, trách nhiệm.

2. Những ngày giáp tết 2014, đôi vợ chồng công nhân Hồ Văn Tráng - Lương Thị Ánh Nguyệt khó đứng khôn ngồi khi bà chủ của công ty (Bảy Nguyệt - H.Hóc Môn) đột ngột biến mất. Lương không có, thưởng tết càng không, chồng lết đôi chân bị tật, vợ ôm con nhỏ bị hở hàm ếch, vẹo cột sống. Đường về quê Bình Định thăm cha mẹ và hai đứa con lớn càng xa vời...

Vinh biet Pho chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thi Thu - Nguoi khong co doc
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu tiễn công nhân về quê ăn Tết 2015. Ảnh: Hoàng Triều

Mấy chục ngàn vé xe trong chương trình Tấm vé nghĩa tình đã trao hết cho các công nhân. Họ đang trên đường về sum họp gia đình. Chị Ánh Nguyệt chắc lưỡi ao ước, giá mà vợ chồng mình cũng có được cặp vé…

Chiều tối 20 tháng Chạp, tiếng chắc lưỡi ấy đến tai Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Thu. Chiều 21 tháng Chạp, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX mời vợ chồng Tráng - Nguyệt lên văn phòng công đoàn nhận vé, chuyến xe về nhà sẽ khởi hành vào sáng 26 tết. Với cặp công nhân nghèo ấy, còn hạnh phúc nào hơn.

Ba công nhân ở Xí nghiệp dệt may Gia Định bị tai nạn lao động, được đưa vào BV Chợ Rẫy cấp cứu. Các y bác sĩ dồn sức để cứu chữa cho các công nhân, nhưng vì sợ không đủ tiền đóng viện phí, họ đã trốn viện. Chị nghe, xót đau, ray rứt. Tai nạn lao động rình rập trên mỗi công trình, số phận công nhân lơ lửng rủi may theo từng dự án. Ai sẽ nâng đỡ cho họ nếu một ngày chuyện không may ập đến.

Nghĩ mãi, không lẽ lại huy động doanh nghiệp, lại kêu gọi đóng góp của địa phương, chị tìm về Nhà Bè dịp trước tết, vào tận những khu vườn mai đang ươm lộc. Chị gợi ý các chủ vườn chương trình đấu giá mai. Họ gật đầu cái rụp. Chị lên lịch buổi đấu giá cấp tốc. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân vừa sẵn dịp chơi mai Tết, nhà vườn thì được bao tiêu đầu ra. Hai bên gặp nhau, cái lợi sau cùng là Quỹ hỗ trợ tai nạn lao động ra đời. Con số 400 triệu của cái tết đấu giá mai năm ấy đã kịp đến với bao người lao động đang âm ỉ sống cùng thương tật. Những vết thương đã được chăm sóc, được xoa dịu bởi tình người…

Chương trình Trái tim nghĩa tình mở ra là để mổ tim miễn phí cho công nhân và con em công nhân. Điều đáng nói, sau mỗi ca mổ, các bệnh nhân còn được nhận thêm 10 triệu đồng để bồi dưỡng. Chị tâm huyết nói về điều này: “Phẫu thuật tim là phẫu thuật phức tạp; hậu phẫu là giai đoạn cực kỳ quan trọng, người bệnh cần được chăm sóc chu đáo, bồi dưỡng đầy đủ để trái tim thật sự khỏe, tránh những biến chứng khó lường”.

Vinh biet Pho chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thi Thu - Nguoi khong co doc
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đến thăm cháu bé bị tim bẩm sinh phức tạp sau khi phẫu thuật thành công. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Có những quy định trong chương trình Trái tim nghĩa tình, ví dụ phải là cả hai vợ chồng công nhân, có thời gian làm việc đủ 5 năm. Nhưng, có những nhịp đập, những dấu chỉ thông liên thất của con trẻ đâu chờ đủ 5 năm hay buộc cả cha lẫn mẹ đều chung nghề… tăng ca. Chị và các cộng sự trăn trở tìm cách tháo gỡ, giảm xuống 3 năm, miễn sao trả lại được nhịp đập bình thường cho những trái tim đau yếu.

- Làm theo phong trào đã là tốt. Nhưng tránh đừng để thói quen đến hẹn lại lên, làm ồ ạt. Cái cần là hãy đặt mình trong hoàn cảnh, điều kiện sống, lao động của công nhân, của người dân để hoạt động chăm lo, giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ luôn thường xuyên, đến cùng, không nửa chừng, lửng lơ, lấy được.

* Nhưng, với người dân lao động nói chung, công nhân nói riêng, không hẳn chỉ là hoạt động chăm lo, vận động… mà người làm công tác công đoàn cũng như các cấp lãnh đạo còn phải nắm bắt, xử lý những vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý cũng như các mối quan hệ xã hội - dân sự phức tạp.

- Đúng. Luật Lao động, Luật Bảo hiểm và những vấn đề liên quan khác đều rất cần được nghiên cứu, tìm hiểu và đối thoại, tư vấn để làm sao cho công nhân, người lao động thấy được quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình; bảo vệ mình bằng sự hiểu biết đúng, hành động đúng, vì lợi ích của chính công nhân, của xí nghiệp nơi họ đang lao động. Tổ chức công đoàn luôn củng cố chất lẫn lượng để đồng hành và là điểm tựa tin cậy của công nhân, của các tổ chức doanh nghiệp.

Vinh biet Pho chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thi Thu - Nguoi khong co doc
Chất nhiệt thành, dấn thân, cống hiến luôn tràn trề nơi chị - một người trưởng thành từ mảnh đất Thành đoàn

Trang bị kiến thức pháp luật là yếu tố cần, rất cần, là phương pháp xử lý mang tính nền tảng, nhất là trong tình hình hiện nay. Nhưng, cuộc sống đôi khi có những tình huống ngoài… luật, ngoài những văn bản pháp lý chặt chẽ, dzích dzắc kia. Đó là lúc ta cần bước chậm lại để lắng nghe “tiếng thở dài” đâu đó, hay bước nhanh hơn để kịp đón lấy giọt nước mắt tức tưởi…

Chị dừng lại. Ngón tay gầy gõ xuống mặt bàn. Thời gian không còn là những góp nhặt li ti, vô cảm hiện diện để kiểm đếm bạn đã hao tốn bao nhiêu công sức, nhọc nhằn cho cái mớ công việc mà bạn đang cày bừa. Nó hiện hữu đầy nồng ấm trong trái tim bao dung, nhân ái, nhiệt thành; nó đong đầy trong nụ cười, niềm vui còn sót lại trên những gương mặt cần lao…

Chia tay chị, vẫn là hình ảnh lọt thỏm giữa căn phòng lớn và chồng hồ sơ ngổn ngang nhưng không còn là cảm giác cô độc bởi chị yêu công việc, chị hiểu mình đang sống cho ai, vì điều gì. Không lớn lao, chẳng to tát, có thể chỉ là bữa cơm nhà trễ muộn tối nay bên cạnh má, anh chị và các cháu; là sáng mai, một cuộc điện thoại không tên gọi đến để cảm ơn “bà Phó chủ tịch đã lắng nghe và giải quyết công chuyện giùm bà con…”.

Lê Huyền Ái Mỹ

 
TIN MỚI