NSƯT Hán Văn Tình sinh năm 1957, tại H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ, cậu bé Hán Văn Tình đã có đam mê kỳ lạ với nghệ thuật tuồng. Học xong cấp II, trúng tuyển trường đào tạo sân khấu, ông rời Phú Thọ xuống Hà Nội vừa học văn hóa, vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành diễn viên Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam) và gắn bó với nghiệp tuồng cho đến hôm nay.
Là nghệ sĩ tuồng nhưng Hán Văn Tình lại được khán giả cả nước yêu mến với những vai diễn trên phim truyền hình. Trong số đó, nổi bật là vai Chu Văn Quềnh ở bộ phim Đất và người. Lão Quềnh nghiện rượu, điên điên, dại dại… được ví như Chí Phèo thời hiện đại với câu nói cửa miệng “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” từng có thời gian khiến khán giả cả nước quên mất tên thật của NSƯT Hán Văn Tình mà chỉ gọi ông là lão Quềnh - Chu Văn Quềnh.
Ngoài ra, NSƯT Hán Văn Tình được biết đến với những vai diễn: Lý Đại Hỷ trong vở Hoàng hôn đen, ngự y trong vở Tiếng thét giữa hoàng cung, Hạng Võ trong trích đoạn Hạng Võ bại Ô Giang, Sứ Nguyên trong vở Trần Hưng Đạo, thổ công trong vở Bạch Tinh… Ở lĩnh vực phim ảnh, ông tạo dấu ấn với vai lão Trọc (phim Canh bạc), Vàng Đọ (Vụ áp phe Đông Dương), Mùi (Hoa ban đỏ), Sở (Bão qua làng), Tuần (Người thổi tù và hàng tổng)… Ông đã được trao huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam.
Chuyên đảm nhận vai tính cách hoặc nhân vật hài hước, hóm hỉnh, nhưng cuộc sống của nghệ sĩ Hán Văn Tình lại rất nhọc nhằn, vất vả. Sau bao nhiêu năm làm việc, từng giữ chức Trưởng đoàn 1 - Nhà hát tuồng Việt Nam, nhưng vợ chồng ông vẫn cư ngụ trong ngôi nhà đơn sơ ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Mắc bệnh hiểm nghèo, ông phải xin về nhà sau khi nằm viện một tháng vì không đủ tiền trả viện phí. Sau đó, ông được đồng nghiệp và khán giả chung tay giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để tiếp tục chữa bệnh. Ông từng khỏe lại, tiếp tục đi diễn.
Cách đây mấy hôm, ông lại phải nhập viện cấp cứu và lần này, ông ra đi mãi mãi. Vĩnh biệt NSƯT Hán Văn Tình, người mà NSƯT Lê Chức gọi là “một nghệ sĩ đúng nghĩa, một con người được kính trọng”.
Trưa 4/9, giới văn nghệ truyền nhau tin buồn: NSƯT Hán Văn Tình đã qua đời. Phát hiện bệnh ung thư phổi từ cuối năm 2014, đến nay ông đã phải trải qua nhiều lần hóa trị , xạ trị đau đớn. Nhưng những người thương quen vẫn còn được nhìn thấy ông, vẫn cầu mong có thể kéo dài thêm thời gian sống cho “lão Quềnh”. Nhưng bây giờ đã không thể nữa rồi.
NSƯT Hán Văn Tình ra đi, để lại trong nỗi tiếc thương của bao người là hình ảnh lạc quan của ông trong những ngày chống chọi với bạo bệnh. Chỉ trừ lúc quá đau đớn và không còn sức đi lại vào những ngày cuối đời, còn thì ông vẫn cười. Vẫn vẻ mặt hài hước như để trấn an người khác, rằng ông không sao đâu; rằng căn bệnh nan y này, những cuộc điều trị đau đớn, và cả giới hạn mong manh của sự sống cũng chỉ là lẽ thường trong cuộc đời của một con người mà ông phải chấp nhận.
Trong suốt quá trình điều trị, “lão Quềnh” của bộ phim Đất và người năm nào vẫn giữ mãi tinh thần lạc quan. Sự can trường ấy có lẽ chỉ người chống chọi với bạo bệnh mới thấu hiểu hết. Để không một ai có thể nhìn thấy nỗi tuyệt vọng và cả sự bất lực trước số phận. Sống - khi ấy có lẽ chỉ còn là niềm tin về phép màu, phải vực mình dậy từ sức mạnh của bản thân, từ khát khao được sống.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự sống vẫn là đẹp đẽ nhất. Mong ước cuối đời của cố nhạc sĩ Trần Lập cho đến bây giờ khi nhắc về vẫn khiến lòng người nghẹn lại. Chỉ có ba từ thôi: “Con muốn sống!” khi anh bày tỏ ước muốn sau cùng với sư thầy. Ba từ ấy, lúc còn khỏe mạnh nào có mấy ai nghĩ đến. Con người ta vẫn mãi đi tìm kiếm hạnh phúc, tranh đấu đòi hỏi nhiều thứ, mà quên mất rằng, chỉ cần được sống đã là hạnh phúc lớn nhất rồi.
Tạo hóa đã chọn cho mỗi người những phần được mất, được đi một đoạn đường dài hay ngắn trong cuộc đời có lẽ đều có phần số cả. Không ai có quyền chọn nơi để sinh ra. Và cũng không ai làm chủ thời điểm mình phải kết thúc cuộc sống. Chỉ đến khi số phận gọi tên thì mới giật mình thảng thốt. Dù con người có cố gắng đến đâu, y học có ngày càng phát triển và thế giới ngày càng văn minh thế nào thì sự chết vẫn là sự chết. Sinh-lão-bệnh-tử vẫn xoay như một vòng luân hồi trên định mệnh của mỗi người.
Cũng trưa 4/9, thông tin ca sĩ Minh Thuận bị ung thư phổi và đang nguy kịch khiến các nghệ sĩ và khán giả bàng hoàng. Không phải là giai đoạn đầu phát hiện bệnh, mà là đã ở giai đoạn cuối của hy vọng. Trước đó, cả Minh Thuận và gia đình đều không biết bệnh tình, cứ ngỡ là viêm phổi. Phải đến khi anh bị tai biến đi điều trị mới biết là ung thư.
Từ lúc phát hiện bệnh đến nguy kịch chỉ có hai ngày. Không ai muốn tin đó là sự thật. Nhưng vẫn phải chấp nhận, rằng không sớm thì muộn, người mà họ yêu mến sẽ phải ra đi… Người sống trọn một phần đời 60 năm ra đi, có lẽ ít khiến người ta thảng thốt xót xa bằng sự ra đi đột ngột của người còn trẻ. Một lần nữa phép màu lại được kỳ vọng như một chiếc phao cứu sinh.
Làng văn nghệ thời gian qua đã có quá nhiều cuộc ra đi thảng thốt và đầy nước mắt. Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Trần Lập… những cái tên đầy nghị lực ấy bây giờ nhắc về như tiếng thở dài ngậm ngùi từ những nhánh sông xa. Đôi bờ xanh cỏ.
Trong cuộc đời đẹp đẽ mà mong manh này, sự chết đến từng ngày. Không ai biết trước được. Đời không đếm hết có bao nhiêu cuộc đương đầu vượt qua bạo bệnh trong im lặng từng ngày. Người không biết hết có bao nhiêu cuộc rời đi và mất hút với sự sống trong từng năm tháng. Chỉ có thể biết rằng, sau tất cả, chỉ còn nhớ những gì đẹp nhất, vui nhất; thành tựu, cống hiến, ước mơ… của người đã khuất. Còn lại tất cả những được mất, tranh đấu, thành hay bại, giàu hay nghèo trong phần đời cũng chỉ là phù phiếm.
Mấy mươi năm đời người ngỡ dài, mà chỉ như cái chớp mắt. Có lẽ, điều ý nghĩa nhất của cuộc đời không phải là sống được bao lâu mà là đã làm được những gì trong quãng thời gian ngắn ngủi được sống. Thời gian luôn không đủ cho mọi khát khao được sống của con người, chỉ biết đến lúc phải kết thúc, là đi…