Trong cuộc sống hối hả với sự phát triển của nhiều loại hình và phương tiện giải trí, không phải ai cũng thích tuồng. Nhưng những người dù không yêu mến loại hình nghệ thuật này, họ vẫn mê Đàm Liên - “nữ hoàng của sân khấu tuồng”, một trong những danh xưng mà người ta tặng cho bà. Có lẽ vì vậy mà tin NSND Đàm Liên ra đi, đã để lại biết bao tiếc nuối với những người làm nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là những khán giả yêu tuồng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói về NSND Đàm Liên: “Nhắc đến nghệ thuật tuồng không thể không nhắc đến Đàm Liên. Hình như không phải chị đến với tuồng, mà nghệ thuật này đã tự tìm đến chị, rồi qua chị, nó bừng sáng hết những vẻ đẹp quyến rũ mà nó vốn có”.
|
NSND Đàm Liên với vai diễn “để đời” trong Ông già cõng vợ đi xem hội |
Đàm Liên sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, H.Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình làm tuồng. Ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc. Tuy vậy, từ năm 14 tuổi, bà lại muốn đi theo nghề múa, nhưng bị mẹ và những người trong đoàn ngăn cấm. Kể từ đó, bà bắt đầu học tuồng với những nghệ sĩ - đồng nghiệp của mẹ trong đoàn Tuồng liên khu 5.
Năm 1960, bà học vai truyền thống Trưng Trắc, sau đó được vinh dự diễn vai này cho Bác Hồ xem. Kể từ đó, bà có biệt hiệu “cô Trưng Trắc của Bác Hồ”. Ngay ở vai diễn này, NSND Ngô Thị Liễu, nguyên là Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã nhận định: “Có thể 50 năm, thậm chí 100 năm nữa, sân khấu tuồng cũng sẽ khó có một Đàm Liên thứ hai…”.
Hơn 60 năm gắn bó cuộc đời với nghệ thuật tuồng, NSND Đàm Liên đã ghi dấu ấn với hơn 50 vai diễn, hầu như không vai nào giống vai nào. Có những vai thuộc hàng kinh điển của tuồng phải thể hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, khuôn mẫu và trình thức của tuồng. Cũng có cả những vai đòi hỏi bản thân người nghệ sĩ phải tự tạo cho mình một cách diễn phù hợp, đặc biệt là với các vở tuồng mang đề tài hiện đại.
Với NSND Đàm Liên, dẫu ở vai diễn nào, bà cũng có thể sửa đổi, thêm bớt, phá cách để nhân vật trở nên gần gũi hơn, đời hơn. Có lẽ đây chính là bí quyết để những vai diễn của bà để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và khán giả.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định: “NSND Đàm Liên là một ngôi sao sáng của làng sân khấu tuồng Việt Nam, một người được đào tạo bài bản, rất giỏi nghề, sáng tạo và say nghề, luôn trăn trở với những vai diễn để đời, một tài năng mà sân khấu tuồng sẽ còn lâu mới có thể có được một người thứ hai. Khi khán giả được xem NSND Đàm Liên diễn tuồng, họ như được truyền tới một sự hào hứng, phấn khởi bởi lối diễn, cách trình bày độc đáo không giống ai của bà”.
Có thể kể một loạt vai diễn nổi tiếng nhiều tính cách ở tuồng truyền thống, tuồng lịch sử và tuồng hiện đại của NSND Đàm Liên, tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và khán giả như Loan Dung trong Lý Phụng Đình, Liễu Nguyệt Tiêm trong Đào Phi Phụng, bà huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến, Ái Nương trong Trần Bình Trọng, Trưng Trắc trong Trưng Nữ Vương, Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Phương Cơ trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Hàn Tố Mai trong Nữ tướng Đào Tam Xuân, Má Tư trong Không còn đường nào khác…
|
NSND Đàm Liên trên giường bệnh và NSƯT Kiều Oanh, người học trò yêu quý mà bà đã dành nhiều tâm huyết truyền nghề |
Đặc biệt, khi nhắc tới NSND Đàm Liên, không ai là không nhớ tới vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội (biểu diễn lần đầu ngày 19/7/1979 tại rạp Đại Nam, Hà Nội, do NSND Văn Đôi sáng tác). Một mình bà thể hiện cả hai vai: ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Vai diễn này đã giúp bà đạt kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn.
Nhiều khán giả xem đi xem lại Ông già cõng vợ đi xem hội nhiều lần mà vẫn luôn cảm thấy mới mẻ, hấp dẫn bởi sự biến hóa linh hoạt, tài tình của nghệ sĩ - khi ở trạng thái một ông lão 70 tuổi, khi lại hóa thân thành một cô gái tuổi 17 lảnh lót, trẻ trung.
NSND Đàm Liên đã từng chia sẻ trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội do bà tự nghiên cứu từng động tác, từng ánh mắt, nụ cười để tạo nên tính cách cho hai nhân vật. Chỉ riêng hai giọng cười của nhân vật cô gái và ông già cũng đã được bà nghiên cứu kế thừa từ 36 điệu cười của nghệ nhân Sáu Lai và đúc kết bởi 20 điệu cười của phái nữ.
Cho đến hiện tại, trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội được coi là một trích đoạn đặc sắc luôn được đưa vào những buổi diễn thường xuyên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, cũng như những dịp quan trọng cần giới thiệu về nghệ thuật tuồng truyền thống. NSƯT Kiều Oanh là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công nối tiếp vai diễn này, do NSND Đàm Liên truyền dạy.
NSƯT Kiều Oanh chia sẻ: “Tôi may mắn được NSND Đàm Liên truyền cho tất cả tâm huyết của cô về vai diễn. Bất kỳ vai diễn nào của tôi cũng đều được cô chỉ bảo, rèn giũa cho đầy đặn hơn. Những vai diễn ở Nhà hát Tuồng Việt Nam và cả những vai đã mang lại cho tôi những tấm huy chương vàng, huy chương bạc đều có công lao của NSND Đàm Liên chỉ dạy. Cô nói, người nghệ sĩ tuồng không đơn thuần là “thợ diễn”, mà phải là những kiến trúc sư, phải thiết kế, xây dựng thì vai diễn mới sống động”.
NSND Đàm Liên ra đi trong sự kính trọng và tiếc nuối của đồng nghiệp, học trò cùng đông đảo khán giả yêu tuồng. Nhưng hơn 60 năm cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật tuồng, ghi dấu ấn với hơn 50 vai diễn thành công và những nỗ lực truyền bá nghệ thuật tuồng cho thế hệ trẻ hôm nay, bà đã có thể ra đi thanh thản vào cõi nhớ, để lại cho khán giả một niềm tin rằng nghệ thuật tuồng truyền thống sẽ lại hưng thịnh, và trở thành một di sản được nhiều thế hệ người Việt yêu quý, trân trọng.
Hiền Lương