Sau hơn 2 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhà văn Triệu Xuân đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12 giờ 30 phút, ngày 26/10 tại nhà riêng. Gia đình nhà văn vừa chính thức thông báo lễ tang ông.
Lễ khâm liệm ông sẽ diễn ra lúc 18 giờ ngày 26/10 tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM). Lễ viếng từ tối 19 giờ cùng ngày đến 13 giờ ngày 27/10. Lễ động quan vào lúc 14 giờ ngày 27/10 sau đó đưa đi hỏa thiêu tại Bình Dương.
|
Nhà văn Triệu Xuân. Ảnh tư liệu |
Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết trước khi mất, nhà văn Triệu Xuân đã gửi gắm ý muốn khi ông mất, nhà văn Nguyễn Quang Thiều sẽ là người viết điếu văn cho ông.
"Tôi gặp nhà văn Triệu Xuân từ khi tôi còn chưa trở thành hội viên Hội Nhà văn. Ngay từ hồi ông còn rất trẻ, tôi đã nhận thấy sự ấm áp và bao dung của một người anh. Có lần ông nói với tôi: "Có những thứ Thiều viết anh không thích thậm chí muốn tranh luận. Nhưng anh luôn ủng hộ sự dấn thân của em trong sáng tạo. Vì nếu không có điều đó thì chẳng mang lại điều gì đáng nói" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Ấn tượng chung của bạn bè văn chương đối với nhà văn Triệu Xuân là một người hết lòng với văn chương, với bạn bè. Trong cuộc sống ông là người kiên cường, lạc quan, luôn dành sự quan tâm, động viên tinh thần cho người khác. Nhưng đối với bản thân và văn nghiệp, ông luôn nghiêm khắc, cần mẫn viết, cần mẫn sáng tạo.
|
Tác phẩm được viết trên giường bệnh của nhà văn Triệu Xuân - Ảnh: VOV |
"Khi anh phát hiện bị ung thư nhập viện, tôi đến thăm mà không thể nén sự xúc động. Tôi đã bật khóc trong khi anh thì lạc quan. Trong suốt thời gian bị bệnh, anh đã sống và viết cho đến phút giây cuối của đời mình" - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ.
Năm 2020, nhà văn Triệu Xuân cho ra mắt tập phê bình tiểu luận dày hơn 600 trang Sống & Viết (nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Tác phẩm khắc họa chân dung văn nghệ sĩ mà ông quen biết. Cuốn sách được viết từ giường bệnh và là tấm lòng của ông dành cho bạn hữu văn chương.
"Tôi không tin ông sẽ ra đi sớm hơn suy nghĩ của tôi. Bởi ông đã sống trong một tinh thần lạc quan trong những ngày cơn đau hành hạ. Thi thoảng ông nhắn tin cho tôi: "Anh đau quá Thiều ơi. Nhưng anh không dùng thuốc giảm đau nữa. Anh đọc sách và viết những gì anh cần viết để chống lại cơn đau" - những dòng chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm cay mắt người đọc.
"Nhà văn Triệu Xuân, đúng như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái: "Triệu Xuân là người cực kỳ tử tế với văn chương". Và với văn hóa đọc, nhà văn Triệu Xuân đặc biệt coi trọng, anh luôn dốc sức dốc lòng, ngay cả khi anh lâm trọng bệnh, trang trieuxuan.info vẫn được anh cập nhật tác phẩm, chân dung văn học trong nước lẫn nước ngoài; cập nhật kịp thời những sáng tác mới của bạn bè..." - nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ. Chị cũng là người thường xuyên dõi theo tình hình sức khỏe của nhà văn Triệu Xuân. Những ngày cuối đời, nhà văn thở oxy mà vẫn khó thở, không thể đi lại.
|
Nhà văn Triệu Xuân đặc biệt yêu thích thơ Nguyễn Bính - Ảnh: facebook nhà thơ Trần Mai Hường |
"Nhà văn Triệu Xuân đặc biệt yêu thích thơ Nguyễn Bính. Không có ngày giỗ, chương trình kỷ niệm nào về thi sĩ Nguyễn Bính mà vắng mặt ông. Đối với anh, nhà thơ Nguyễn Bính như một người thầy mà anh hết lòng ngưỡng mộ" - nhà thơ Trần Mai Hường chia sẻ. Chị nói, mỗi lần đọc thơ Nguyễn Bính cùng nhà văn Triệu Xuân, chị thấy mình như thể được truyền thêm nguồn năng lượng lớn từ cảm xúc, tinh thần của người anh.
Một nhà văn mang tâm hồn thi sĩ là cách mà những người gắn bó với nhà văn Triệu Xuân thường dành cho ông.
Nhà văn Triệu Xuân sinh năm 1952 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973, sau đó tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú khu V - Trung Trung bộ. Sau năm 1975, ông làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM, rồi Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam bộ.
|
Tiểu thuyết Giấy trắng đã tái bản nhiều lần - Ảnh: trieuxuan.info |
Cuối năm 2000, ông là Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn TPHCM (2001-2005), Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TPHCM (2005-2010), Phó trưởng chi hội Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015).
Các sáng tác văn chương: truyện ký Sức mạnh từ trong lòng đất (1975), truyện vừa Những người mở đất (1983). Năm 1985, tiểu thuyết Giấy trắng của ông làm xôn xao văn đàn, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần.
Một số tiểu thuyết khác của cố nhà văn: Nổi chìm trong vòng xoáy, Đâu là lời phán xét cuối cùng (1987), Trả giá (1988), Bụi đời (1990), Sóng lừng (1991), Cõi mê (2004), Lấp lánh tình đời (2007)...Trong đó, tác phẩm Cõi mê vừa được tái bản lần thứ sáu vào đầu năm 2021.
Lục Diệp