Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài: Dế mèn đã phiêu lưu ký

07/07/2014 - 01:43

PNO - PN - Trời mưa tầm tã, đang ngoài đường, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Cao Xuân Sơn - phụ trách NXB Kim Đồng phía Nam, anh cho hay nhà văn tác giả Dế mèn phiêu lưu ký vừa mất. Sở dĩ, anh biết tin sớm nhất từ gia đình, vì nhà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đến nay chưa một nhà văn nào có thể vượt qua ông khối lượng tác phẩm đã in, kể cả nhà văn Lê Văn Trương, đó là chưa kể cả trăm cuốn sổ hồi ký, ghi chép được viết theo từng ngày, từng giờ, rồi cả chồng bản thảo cao đến cả sải tay mà ông đã gửi ở Cục Lưu trữ Quốc gia. Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, Tô Hoài đã xuất bản và in lại nhiều lần hơn 150 đầu sách. Từ năm 17 tuổi, với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký cho đến lúc cuối đời, ông vẫn không ngừng viết. Hiếm nhà văn nào có sức viết bền bỉ như ông.

Ai đó đã nói, sau lưng người đàn ông thành đạt luôn có một người đàn bà thủy chung, khoan dung. Điều này hoàn toàn đúng với nhà văn Tô Hoài. Tôi còn nhớ, năm nọ Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức lễ ký kết bản quyền với nhà văn Tô Hoài tại Hội Nhà báo TP.HCM, tôi may mắn được ngồi kề cụ bà. Cụ nhỏ nhắn, có nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội xưa. Cụ mặc áo dài đen nền nã, cổ đeo xâu chuỗi ngọc thạch và hầu như chỉ mỉm cười, không nói bất kỳ một câu nào. Tất nhiên, tôi không bỏ lỡ cơ hội trò chuyện với cụ. “Ông nhà tôi viết khỏe lắm, ngày nào cũng vào bàn viết. Người ta nhặt thóc, sạn ở gạo kỹ từng hạt thế nào, ông nhà tôi cũng viết xong thường đọc lại từng trang, lại chữa tiếp, chữa đi chữa lại nhọc công lắm”.

Vinh biet nha van To Hoai: De men da phieu luu ky

Quả đúng như thế, nhà văn Tô Hoài kể ngày nào ông cũng viết. Và khi đi thực tế, dù bất kỳ mục đích gì nhưng lúc nào cũng không quên “tác nghiệp”. Đi là ghi chép. Đi là quan sát. Đi là chiêm nghiệm. Đi là liên tưởng. Đi là thu thập lời ăn tiếng nói của bà con vùng miền khác. Đi là làm giàu thêm vốn từ. Có thể nói, Tô Hoài vốn rất ý thức “tu luyện” chữ nghĩa. Ông bảo: “Trong Truyện Kiều có chữ “áy” (Một vùng cỏ áy bóng tà, không biết nghĩa chữ áy thế nào, mới đọc đã cảm thấy man mác, thấy buồn).

Phải đến dịp, tôi về Thái Bình, nghe người trong làng nói: “cỏ áy, mạ áy” mới biết tiếng “áy” là của bà con đồng ruộng Quỳnh Côi, quê vợ của Nguyễn Du ở Thái Bình - khi thất thế, Nguyễn Du đã nhiều năm ở quê vợ”. Lại dịp khác, thay vì nói “mạ nhú” ông học được của bà con nông dân Bắc bộ một từ khác, ấn tượng hơn, tình cảm hơn: “mạ ngồi”.

Khác với nhiều nhà văn có thói “ăn mày dĩ vãng”, Tô Hoài lại không. Thập niên 1950, nhiều nhà văn còn mày mò cách viết mới, thậm chí “nhận đường”, “lột xác” thì ông đã có Truyện Tây Bắc, viết về đời sống đồng bào dân tộc ở vùng cao - đoạt Giải Nhất Hội Văn nghệ Việt Nam (1956); không dừng lại, năm 1970, Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi đã trao ông với tiểu thuyết Miền Tây.

Sức bật lạ lùng của ông khiến đồng nghiệp ngạc nhiên, sau này ông cho biết nhờ biết tích lũy vốn sống thời kháng Pháp. Thời đó, khi “ba cùng” với bà con người Mèo, Thái, Tày… việc đầu tiên của ông là học tiếng nói của dân tộc đó. Từ cách nói của họ mà ông tìm được cách diễn đạt mới, chẳng hạn người Mèo không nói “dòng lũ” mà nói “con lũ”, “lũ nằm lên nhau” nên trong Truyện Tây Bắc ông mới viết: “Những con lũ gối đầu lên nhau, miên man gầm thét, đuổi theo nhau”. Ai cũng khen ấn tượng.

Vinh biet nha van To Hoai: De men da phieu luu ky

Những mẩu chuyện nghề nghiệp này, tôi được nghe nhà văn Tô Hoài kể trong lần ra dự Hội nghị công tác nhà văn trẻ lần IV Hà Nội (1994). Lúc đó, trên diễn đàn ông hào hứng kể lại quá trình sáng tác trên 50 năm và cho biết tác phẩm của ông mà ông yêu thích nhất vẫn là Dế mèn phiêu lưu ký in năm 1940. Trước đó, Tô Hoài đã có nhiều truyện ngắn in trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền Bá, Hà Nội tân văn… nhiều nhà nghiên cứu thời đó cho rằng, Tô Hoài có biệt tài viết về truyện loài vật. Ông viết hay đến nỗi khi đến chơi tòa soạn báo Ngày Nay, nhà văn Khái Hưng bước ra tận cửa bắt tay khen: “Tác giả truyện ngắn Con gà trống ri còn trẻ nhỉ?”. Khen thì khen thế, nhưng nhuận bút vẫn không trả, bởi thời đó có lệ chỉ trả nhuận bút cho những tên tuổi mà tòa báo mời viết. Kể xong, ông cười tủm tỉm với cánh anh em viết trẻ đang há hốc ra nghe.

Với nhà văn Tô Hoài, “gừng càng già càng cay”. Vào những năm cuối đời, tưởng ngọn đèn đã lay lay trước gió, nào ngờ ông tung ra hai tập hồi ký văn học khiến dư luận bàn tán xôn xao: Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (2000). Thế mới biết “nội lực” của ông thâm hậu biết chừng nào. Ít ai ngờ rằng, chính Tô Hoài còn là một tự điển sống về Hà Nội. Ngoài Chuyện cũ Hà Nội - Giải thưởng Thăng Long của UBND Hà Nội (1996), ông đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc viết chung bộ sách bốn tập Hỏi đáp Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Thêm một điều đáng nể nữa là nhà văn Tô Hoài không giấu nghề, từ năm 1959, ông đã công bố Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, như một tài liệu, sách “gối đầu giường” của nhiều người viết trẻ.

Đóng góp của nhà Tô Hoài với nền văn học Việt Nam là một dấu ấn khó phai mờ. Rồi đây văn học sử còn sẽ trở lại đánh giá tầm vóc lớn lao của ông. Nhận được tin ông đi về cõi trăm, chúng tôi xin cúi đầu vĩnh biệt một cây đại thụ văn học với tất cả sự ngưỡng mộ.

 LÊ MINH QUỐC

Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa Đô (Hà Nội). Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957 với chức danh Tổng thư ký. Từ năm 1945 đến năm 1952 làm phóng viên báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh. Từng là chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Những tác phẩm tiêu biểu: Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người, O chuột, Chuyện cũ Hà Nội, Đảo hoang, Cát bụi chân ai, Chiều chiều… Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996. Ông mất lúc 11g35 trưa ngày 6/7/2014 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Một nhân cách lớn

Thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn sống, hai “ông bạn già” rất thân thiết với nhau và tôi cũng từ đó quen thân với nhà văn Tô Hoài. Ông xem tôi như một đứa em vậy. Khi ấy tôi ấn tượng với ông nhất là hình ảnh một người Hà Nội lúc nào ra đường cũng chỉn chu, ăn nói lịch thiệp.

Khi về công tác ở NXB Trẻ, cũng khoảng một thời gian rất dài sau đó tôi mới lại có dịp gặp ông, một kỷ niệm vui là trong ngày gặp lại, tôi đã mua chai rượu quý đến tặng ông. Nhà văn Tô Hoài rất dí dỏm, đã nói rằng vì… chai rượu và tấm lòng này mà đồng ý chuyển nhượng bản quyền xuất bản tác phẩm của ông cho NXB Trẻ. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho nền văn học nước nhà. Ông không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn; không chỉ có sức ảnh hưởng với các tác phẩm văn học mà còn là sự lan tỏa của một nhân cách lớn.

Nhà văn Tạ Duy Anh: “Tô Hoài lưu giữ giúp chúng ta những thứ dễ bị lãng quên”

Có những người mà phải đến khi họ mất đi chúng ta mới cảm nhận được cái khoảng trống mà họ để lại rộng lớn và khó bù đắp như thế nào. Trong lịch sử cận, hiện đại của văn học Việt Nam, những người như vậy là Tản Đà, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… và giờ là Tô Hoài. Ông là người ghi nhớ giúp chúng ta nhiều sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian là bước đệm của sự chuyển tiếp giữa quá khứ và hiện tại, những thứ dễ bị lãng quên. Ông cũng là người truyền cảm hứng khám phá sự bí ẩn của tiếng Việt, cả về âm thanh và các tầng ý nghĩa. Những tác phẩm được định danh thể loại hồi ký của ông thực sự là những “giải mật” về một phần văn hóa, đời sống và cả chính trị nữa, tại thời khắc nhá nhem của lịch sử.

Điều mà tôi học được ở Tô Hoài là một tinh thần đam mê sống, đam mê công việc và mạo hiểm trải nghiệm.

Song Giang (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI