Vĩnh biệt nhà thơ Trần Tuấn Kiệt: Phận đời lãng du

09/10/2019 - 17:53

PNO - Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt qua đời nhưng những vần thơ, những tác phẩm mà ông để lại vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (sinh ngày 1/6/1939, bút hiệu Sa Giang) là một trong những gương mặt quen của thi đàn Việt. Giọng thơ Trần Tuấn Kiệt lúc nhẹ nhàng, khi day dứt, trầm bổng luân hồi khiến ai đọc thơ ông cũng đều yêu mến cái tình gửi trong thơ ca.

Trong sự nghiệp của Trần Tuấn Kiệt, cột mốc đáng nhớ là năm 1971, với tập Lời gởi cây bông vải, ông nhận được giải nhất về thơ. Những tác phẩm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt được nhắc đến nhiều như: Nai, Cổng gió, Cỏ nội, Mê cung, Màu kỷ niệm, Lời gởi cây bông vải… Bên cạnh đó còn có những trường ca gồm Bài ca thế giới, Ngôi đền cổ, Trường ca đất, Triền miên ngâm khúc hồng hạc, Niềm hoan lạc của thần linh và địa ngục, Lạc đạo thi...

Đặc biệt, nói về tác phẩm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt phải nhắc đến cuốn Thi ca Việt Nam hiện đại (1880-1965), dày gần 1.200 trang do ông biên khảo. Cuốn sách giới thiệu được nhiều nhà thơ tiêu biểu, cũng như một số gương mặt thơ lạ nhưng hay mà nhiều bạn yêu thơ chưa biết. 

Vinh biet nha tho Tran Tuan Kiet: Phan doi lang du
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt

Lý giải về giọng thơ của Trần Tuấn Kiệt, nhiều người cho rằng có thể do "chất" miền Tây trong cách sống, cách nghĩ của ông nên thơ khi đọc lên nghe chân chất, nghĩa tình. Trước khi lên Sài Gòn sinh sống, nhà thơ sống ở vùng Đồng Tháp Mười với bà ngoại.  

Khi khởi đầu nghiệp văn, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt được bạn bè giới thiệu vào làng báo. Từ cuối thập niên 1950 ông đã cộng tác với hàng chục báo và tạp chí. Bên cạnh thơ văn, ông còn xuất bản truyện kiếm hiệp, nhiều sách dạy võ thuật. Sinh thời, Trần Tuấn Kiệt là một cao thủ của Tây Sơn Nhạn, một phái lớn trong Thiếu Lâm nội quyền. Ông cũng có nhiều năm dạy võ.

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt mất lúc 17g15 ngày 8/10/2019 tại TP.HCM, thọ 81 tuổi.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI