Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng: Đọng lại cho đời giọt văn chương

15/09/2017 - 15:04

PNO - Rời khỏi Nhà tang lễ Thành phố, những câu thơ bất chợt vướng ngang qua mí mắt. Có gì đó rưng rưng khi nhớ về một đồng nghiệp vừa rời bỏ cuộc đời rộn rã âm thanh và nhiều sắc màu.

Thời hoa đỏ ấy, câu thơ ấy
Nay lại dội về như vết thương
Mối tình thánh thiện thời trai trẻ
Đọng lại cho đời giọt văn chương

Rời khỏi Nhà tang lễ Thành phố, những câu thơ bất chợt vướng ngang qua mí mắt. Có gì đó rưng rưng khi nhớ về một đồng nghiệp vừa rời bỏ cuộc đời rộn rã âm thanh và nhiều sắc màu.

Vinh biet nha tho Thanh Tung: Dong lai cho doi  giot van chuong
 

Từ Nam Định, nhà thơ Thanh Tùng đến Hải Phòng, kiếm sống bằng nghề khuân vác ở bến tàu. Một lần, kể về sự khốc liệt của cuộc mưu sinh thuở ấy, ngồi cạnh tôi, anh phóng bút thành thơ:

Chộp lấy những con đường Hải Phòng
Dốc ngược chúng lên và nốc
Lấy mình làm cốc
Nốc những mối tình chưa xong
Rượu cất bằng nước mắt
Ông ngồi gắp cuộc đời
Nhắm toàn mồ hôi
Cuộc đời ném ông ra đường như giẻ rách

Có lẽ sự khắc nghiệt ấy là nguồn cảm hứng để ông trở thành nhà thơ. Sau khi nhận được một số giải thưởng văn chương và được công chúng biết đến, Thanh Tùng lên Hà Nội, rồi đi mải miết về Sài Gòn.

Cuộc tình “như máu ứa một thời trai trẻ” của anh cũng khiến nhiều người xúc động. Bấy giờ, thời chiến tranh, Thanh Tùng làm việc ở Hải Phòng, còn người yêu (sau này là vợ anh) lại làm việc ở Quảng Ninh, cách nhau gần 60km. Cứ tiếng kẻng tan ca ngày cuối tuần vang lên thì Thanh Tùng lập tức lao đi tìm Thanh Nhàn.

Vinh biet nha tho Thanh Tung: Dong lai cho doi  giot van chuong
Nhà thơ Thanh Tùng và vợ (đầu tiên), con

Thuở đó, giao thông đâu có thuận lợi như bây giờ. Thanh Tùng thường mượn xe đạp của đạo diễn Đào Trọng Khánh để đi thăm nàng. Có hôm Thanh Tùng chậm chân, xe đã bị người khác mượn trước. Lẽ thường, không có xe thì thôi, cùng lắm gã đàn ông sẽ não nề lê gót về nhà trong ngổn ngang dằn vặt. Nhưng Thanh Tùng thì khác, không có xe đạp thì ông dùng… chân. Thanh Tùng chạy bộ sang tận Quảng Ninh.

Đến cổng nhà máy của Thanh Nhàn thì nghe bảo vệ báo tin nàng đã đạp xe về Hải Phòng. Đang thở hồng hộc, Thanh Tùng lập tức quay đầu chạy ngược về Hải Phòng để gặp mặt người thương. Cú marathon của Thanh Tùng đã trở thành huyền thoại trong giới làm thơ Hải Phòng.

Đương nhiên nói đến Thanh Tùng là phải nhắc bài thơ Thời hoa đỏ (Đình Bảng phổ nhạc):

Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Ai lại không nhớ về ngày tháng đó - cái ngày vạm vỡ dại khờ, điên cuồng ngốc nghếch, trong trắng thiên thần - mỗi ngày chứa chan lộc biếc. Rồi con người ta lớn lên, tỉnh táo hơn: 

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc Em không đi hết những ngày đắm say

Ca khúc Thời hoa đỏ với giọng hát của NSƯT Thái Bảo:

 

Chỉ tiếc, đừng nên trách. Sự lựa chọn nào cũng có lý của nó.

Người xưa bảo “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Quan niệm này hoàn toàn sai đối với trường hợp Lan Hương. Hương luôn yêu thương, chăm sóc cho bố chu đáo, tận tình. Năm kia, Lan Hương in tập thơ Thời hoa đỏ như món quà sinh nhật và cũng là cuộc tri ngộ cùng các thi hữu.

Trong đêm sinh nhật 80, Thanh Tùng đọc bài thơ mới - Mùa thu ở Quảng Yên:

Trời rót xuống bao nhiêu say
Em rót vào bao nhiêu nhớ
Những chào mời siết một vòng ôm
Làm sao mà chứa nổi
Chân trời treo đầy tiếng sóng
Vẽ những đường hồi hộp của biển khơi
Cây vẽ lên tôi ảo giác
Tôi sẽ thành tan nát
Nếu không kịp trốn vào đâu
Bông lau tím lật qua chiều đông tái
Cho tôi quên cả lối đi về
Em sôi nổi đến làm tôi ngần ngại

Có bao giờ tôi dám ước mơ đâu!

Vinh biet nha tho Thanh Tung: Dong lai cho doi  giot van chuong
Nhà thơ Thanh Tùng và con gái trong buổi tái bản tập thơ Thời hoa đỏ

Bài thơ này, Nguyễn Thụy Kha đã phổ nhạc. Tiếng hát ngập căn phòng. “Thơ viết về mẹ của Lan Hương đấy” - anh nheo mắt, nghiêng tai nói nhỏ. Hình bóng của người tình, người vợ một thời vẫn còn lãng đãng đâu đó trong trí nhớ. Vợ anh qua đời vào năm 1989 vì bệnh tim, để lại hai người con - một trai, một gái. Năm đó, Lan Hương khoảng 15 tuổi. Anh ở vậy nuôi con. Hình ảnh người vợ như lửa giấu trong tro, có lúc lại ngun ngút cháy và câu thơ lại viết. Lại một cảm xúc day dứt, rười rượi buồn.

Thanh Tùng đề nghị con gái ngâm tặng mình một bài thơ chị sáng tác về mẹ: 

Mẹ mất rồi, con giấu mình với nỗi cô đơn Mẹ yêu ơi, con vẫn biết con sinh ra từ cô đơn của cha, từ cô đơn của mẹ Nên mỗi chiều về ngắm bóng cha con như nhìn thấy mẹ Ánh mắt cha thầm nhắc cùng con câu thơ ngày cũ Cả đời mẹ vẫn đi kiếm đi tìm/ Nhưng chỉ thấy những điều tiếc nuối Tiếc nuối ơi giờ mẹ ở đâu

Vinh biet nha tho Thanh Tung: Dong lai cho doi  giot van chuong
 

Thanh Tùng cũng nhắc về mẹ - một bóng hình xa khuất nhưng vĩnh viễn tồn tại trong tâm thức - tình mẫu tử bền chặt muôn đời.

Muốn lăn vào lòng mẹ
Như những ngày còn thơ
Tiếng mẹ run như sóng
Tiếng mẹ mềm như tơ
Mẹ cười hay mẹ khóc
Chỉ thấy mắt ta mờ

Câu thơ của chàng thi sĩ Thanh Tùng vào cái ngày đã 80 xuân khiến những người có mặt đều rưng rưng.

Đời người là một chuyến đi và sân ga cuối cùng là cõi vô tận. Bây giờ, Thanh Tùng đã đến. Hình bóng cuối cùng của anh: “Đọng lại cho đời giọt văn chương”. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI