Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Run run nước mắt ướt nhòe ngực tôi

08/01/2019 - 06:00

PNO - Sinh thời, anh tự họa về mình: 'Vẽ tôi mực rượu giấy trời/ Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau', tưởng chừng như rất đỗi lơ tơ mơ, mộng mị nhưng thật ra anh là người lao động cần cù.

Bất ngờ quá. Đột ngột quá. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa mất lúc 19g50 ngày 7/1/2019. Những kỷ niệm về anh lại ùa về trong tôi. Đó là những năm tháng anh chưa ra ở hẳn tại khu Phương Mai (Hà Nội).           

Vinh biet nha tho Nguyen Trong Tao: Run run nuoc mat uot nhoe nguc toi
   

Năm 1995, tôi ra Hà Nội học lớp biên tập văn bản văn học theo sự phân công của BBT Báo Phụ Nữ TP.HCM. Tôi kết bạn văn nghệ với anh, ở chung một phòng. Một điều khiến tôi ngạc nhiên là anh có rất nhiều bạn bè cùng nghề viết, hầu như ai cũng dành cho anh nhiều thiện cảm. Không thiện cảm sao được khi anh có kiến văn sâu rộng, chỉ thích bàn chuyện văn thơ, lúc uống rượu bao giờ cũng giữ được sự điềm tĩnh, không phát ngôn bừa bãi và nhất là… không đọc thơ!

Trước khi bước vào làng văn, Nguyễn Trọng Tạo là người lính. Anh sinh ngày 25/8/1947 tại Nghệ An, nhập ngũ năm 1969, từng là trưởng đoàn văn công xung kích thuộc Quân khu 4. Sự tài hoa của Nguyễn Trọng Tạo rất đáng nể. Chỉ đôi lúc dạo chơi cùng âm nhạc, anh có nhiều ca khúc hay tuyệt, trước hết phải kể đến Làng quan họ quê tôi (phổ thơ Nguyễn Phan Hách). Ca khúc này, ca sĩ Thanh Hoa, Bích Việt, Kim Phúc, Hồng Liên, Hồng Vân, Họa Mi, Thu Hiền… đã đưa đến công chúng nhiều miền đất nước, kể cả ra nước ngoài.

Về ca khúc này, có lần anh Nguyễn Trọng Tạo kể: vào năm 1978, lúc ra Hà Nội dự trại sáng tác quân đội, anh tình cờ gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Anh Hách chép đưa bài thơ này, nhưng sau anh quên béng đi. Ngày nọ mang quần áo ra giếng giặt, anh mới sực nhớ đến bài thơ của bạn. Lúc ấy, loa phát thanh công cộng đang phát chương trình dân ca quan họ, thế là giai điệu bật ra trong miệng anh: “Làng Quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội…”.

Vinh biet nha tho Nguyen Trong Tao: Run run nuoc mat uot nhoe nguc toi
 

Gam rê trưởng đầu tiên đến trong cảm xúc với "Rề lá phà phà son lá, lá pha pha mì pha lá rề…". Đang hào hứng thì có tiếng kẻng tập thể báo hiệu đến giờ cơm chiều. Đi ngang qua thấy Nguyễn Trọng Tạo đang hí hoáy viết, nhà thơ Nguyễn Hoa không gọi bạn, lẳng lặng xuống nhà bếp đem xuất cơm về cho anh. Khi viết xong, anh hát cho Nguyễn Hoa nghe và nhận được lời nhận xét khiến anh vui hẳn lên: “Tôi không biết nhạc, nhìn vào bản nhạc của Tạo cứ như vào mẹt đỗ nhưng nghe hay lắm”. Sau này, có lần anh bảo: “Nhận xét của Hoa, mỗi lần nghĩ lại anh vẫn còn thấy sướng”.

Ca khúc Khúc hát sông quê qua tiếng hát ca sĩ Anh Thơ: 

 

Chưa hết, Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ, dù tay ngang nhưng lại có nét độc đáo riêng. Ít nhất đã có chừng 500 bìa sách “qua tay” anh. Ít ai biết, lá cờ Thơ xuất hiện đầu tiên trong Ngày thơ Việt Nam là chính do anh thiết kế.

Đã thế, anh còn có thời gian làm tờ báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chính anh là người đã trân trọng giới thiệu trích đoạn trường ca Hành trình của con kiến của tôi dài đến gần 2 trang báo khổ lớn. Trước đó, chưa có tờ báo nào in trường ca. Thế mới biết khi làm báo, Nguyễn Trọng Tạo luôn có những sáng kiến riêng.

Còn nhớ mươi năm trước, đêm ấy trời đang mưa, vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất anh đã điện thoại cho tôi rủ bia bọt. Khi gặp trong quán bia, lúc đã ngà ngà say, tôi buột miệng khen đôi giày của anh đẹp. Mà đẹp thật vì do người bạn ở châu Âu đem về tặng. Nói là nói cho vui, nào ngờ, lúc chia tay anh nằng nặc buộc tôi và anh phải đổi giày cho nhau. Tính cách của Nguyễn Trọng Tạo là vậy. Chơi với bạn, luôn chiều bạn, kể cả những cuộc bù khú kéo dài thâu đêm suốt sáng. Ấy thế, mặt mày anh vẫn tỉnh queo như không.

Sinh thời, anh tự họa về mình: “Vẽ tôi mực rượu giấy trời/ Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau/ Vẽ tôi thơ viết nửa câu/ Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về”, tưởng chừng như rất đỗi "lơ tơ mơ", mộng mị nhưng thật ra anh là người lao động cần cù. Cứ nhìn tác phẩm của anh thì rõ. Có thể kể từ tập thơ đầu tiên Tình yêu sáng sớm (1974) đến nay thì số sách của anh đã lên đến hàng chục với nhiều thể loại. Khi anh cộng tác với Ban Văn hóa Văn nghệ của Báo Phụ Nữ TP.HCM, chúng tôi rất yên tâm vì anh có tâm thế đúng hẹn, đúng giờ của một nhà báo chuyên nghiệp.

Ca khúc Làng quan họ quê tôi do ca sĩ Hồng Liên thể hiện: 

 

Có lẽ bài viết ưng ý cuối cùng dành cho bạn, tôi nghĩ vẫn là lời tựa cho tập tùy bút Thật tuyệt tình ta thôi trúc trắc. Sau thành công rực rỡ của đêm nhạc tổ chức tại Hà Nội, anh hào hứng điện thoại kể cho tôi nghe. Cuối cùng anh bảo: “Nghe Trương Nam Hương nói Quốc sắp in tập sách mới à? Để anh viết giúp tựa cho vui, như là kỷ niệm của tình văn nghệ”. Tất nhiên, tôi đồng ý ngay. Thoáng đó, lại nghe tin anh ngã bệnh. Nhưng thú thật, đến lúc này, tôi vẫn còn thấy bất ngờ quá. Rất bất ngờ.

Dù anh thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng tôi vẫn thích gọi anh là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hơn cả. Ngoài sự quý mến của tình bạn cùng cầm tinh tuổi Hợi (anh hơn tôi một con giáp), tôi đã thích thơ anh khi còn trẻ. Tôi tin thế hệ sau này nữa, nếu đọc lại hai trong nhiều bài thơ của anh đã “đóng đinh” trong trí nhớ bạn đọc là Thơ tình người đứng tuổi, Tản mạn thời tôi sống thì cũng dạt dào một niềm cảm xúc khó tả. Không tin ư? Bạn hãy đọc đi.

Và tôi đang đọc lại như một cách vọng tưởng một người anh, một người thơ cực kỳ tài hoa vừa rời xa Cõi Tạm. “Run run nước mắt ướt nhòe ngực tôi” - câu thơ của anh lại vọng về trong trí nhớ.

Thương tiếc anh, anh Tạo ơi.

Thơ tình người đứng tuổi       

Sao bao người chẳng hỏi một câu

ngây thơ như thuở đã lâu, hỡi người

sao người chẳng đếm sao trời

cho tôi sống lại cái thời trẻ con?....

Cái thời ngọn cỏ thì non

bông hoa như quả chuông con người cầm

cái thời giọng hát trong ngần

nắm bàn tay, để một lần chia tay.

Bây giờ cao bổng vòm cây

dòng sông trôi đã vơi đầy tháng năm

áo tôi đạn xé bao lần

tóc người hao mấy mùa xuân đợi chờ.

Lá rừng rụng mấy mùa khô

trang thư qua mấy mùa mưa phập phồng

chiến trường tây, chiến trường đông

gặp dòng sông, nhớ dòng sông, nhớ mình…

Lắm khi ngỡ đến vô tình

chẳng hình dung nổi dáng hình người xa

bất ngờ một sợi tóc già

sau cơn sốt rét xa nhà mười năm.

Bây giờ qua cuộc chiến tranh

bây giờ qua tuổi xuân xanh, tôi về

bàn tay người có gầy đi

run run nước mắt ướt nhòe ngực tôi.

Vẫn dòng sông thuở xa xôi

vẫn bờ đê gió xanh ngời trăng khuya

vẫn là người của ngày xưa

mà bàn tay nắm như vừa yêu nhau!...

(Viết năm 1977, in báo Văn nghệ 1978)

Nguyễn Trọng Tạo

Tản mạn thời tôi sống

1.

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa

Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến

Nhưng cái thời tôi sống

                                    hẳn khác xưa

Trong bài hát thêm bom rơi, và súng

Anh yêu em anh phải đi ra trận

Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con

Đất yêu người đất nhận làm lá chắn

Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường

Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn

Khăn tang bay người sống trắng mái đầu

Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ

Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!

2.

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa

Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác

Xe đến công trường bay mù bụi cát

Màu hoa thường lấm bụi suốt mùa khô

Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ

Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch

Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc

Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời

Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất

Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc

Cứ rập rình quanh cột mốc đêm đêm

Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên

Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán

Con phe sục khắp ga tàu bến cảng

Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…

Có bao người ước cuộc sống bình thường

Như một thuở xa xôi mình đã có

Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa

Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình

Có bao người bạc bẽo với quê hương

Thả số phận bập bềnh vào biển tối

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

3.

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa

Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo

Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới

Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn

Tôi sống thời không thể đứng quay lưng

Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được

Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác

Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao

Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu

Đập thuỷ điện sông Đà đang xây móng

Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sáng dòng tin ngắn:

“Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên”

Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên

Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố

Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ

Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui…

Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau

Những điệu múa ba-lê hồng hào thêm sân khấu

Cái mới đến ngỡ ngàng rồi nhập cuộc

Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình

Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng

Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

4.

Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ

Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ

Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ

Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Sau cái bắt tay xoè một lưỡi da giao găm

Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở

Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ

Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...

Như con chiên sung đạo chợt bàng hoàng

Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá

Thời tôi sống thêm một lần súng nổ

Trái tim đau rỏ máu dọc biên thuỳ…

5.

Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi

Ai sau tôi ở vào thời sắp đến

Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng

Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.

Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày

Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc

Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực

Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!...

(Hà Nội, tháng 6.1981)

Nguyễn Trọng Tạo

(Sài Gòn, 22g ngày 7/1/2019)

Nhà thơ Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI