Vĩnh biệt nhà thơ Ngô Minh - 'Đứa con của cát'

05/12/2018 - 11:10

PNO - Là “đứa con của cát” - “Mắt quen mở ngang tầm gió sắc”, Ngô Minh vẫn đang dồi dào sức sáng tạo, đang ôm ấp nhiều dự định; nhưng cơn tai biến bất ngờ đã buộc ông phải dừng lại giữa chừng.

Vinh biet nha tho Ngo Minh -  'Dua con cua cat'
Bộ sách của nhà thơ Ngô Minh

Nhà thơ Ngô Minh tự nhận mình là “một người lính trên mặt trận văn chương, báo chí”, dùng ngòi bút để tôn vinh cái đẹp; phê phán cái xấu; đấu tranh cho tự do, công bằng xã hội.

 “đứa con của cát” - “Mắt quen mở ngang tầm gió sắc”, Ngô Minh vẫn đang dồi dào sức sáng tạo, đang ôm ấp nhiều dự định; nhưng cơn tai biến bất ngờ đã buộc ông phải dừng lại giữa chừng.

Từ nhỏ, Ngô Minh học rất giỏi. Thời cấp III, ông được chọn đi thi học sinh giỏi cả văn lẫn toán. Những giờ giảng văn của các thầy Lương Duy Cán (Hà Nhật), Phan Ngọc Thu đã “hớp hồn” và chi phối gần như toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Ngô Minh.

Thuở còn là cậu học sinh trường làng, Ngô Minh đã tập tành làm thơ, viết báo. Những ngày tham gia chiến trường miền đông Nam bộ hay khi về nhận công tác ở Ty Thương nghiệp Bình Trị Thiên và sống ở Huế, ông vẫn viết báo.

Năm 1987, giữa thời bao cấp, ông viết bài “Thương mại - Kinh doanh hay phục vụ?” trên báo Nhân Dân, tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi cả tháng trời. Các bài viết của ông luôn nói về những vấn đề nóng của đất nước, chạm đến những chuyện “động trời” mà nhiều đồng nghiệp thường né tránh. Với Ngô Minh, “viết báo là nghề cao quý” nên vô cùng căm ghét những kẻ “lấy cái thẻ nhà báo làm cái “mặt nạ” để đi dọa, đi trấn lột, làm hại nhân dân”.

Vinh biet nha tho Ngo Minh -  'Dua con cua cat'
Nhà thơ Ngô Minh

Viết báo với Ngô Minh là nghề, còn làm thơ là nghiệp. Ông nói vui: “Viết báo như ăn cơm với vợ, còn làm thơ như uống rượu với bạn”. Ông kể, họ hàng nhà ông không có ai làm thơ, viết văn. “Có lẽ mạ tôi là người đầu tiên đưa tôi đến với thơ. Trong tâm trí tôi, đến tận hôm nay, mạ luôn là người vĩ đại nhất. Tôi không hiểu bà học ở đâu, bao giờ mà thuộc làu rất nhiều các truyện thơ dày cộp” (Tự ghi chú về thơ). Nhưng khác với viết báo, con đường đến với thơ của Ngô Minh hết sức trầy trật.

Một thời gian khá dài, ông gửi thơ cho các báo, nhưng chỉ thấy tên ở mục… hộp thư. Trong khi đó, một số bạn bè cùng lớp với ông thuở nào đã sớm thành danh như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ.

Vì thế mà khi ra quân, từ Sài Gòn về Huế, gửi thơ cho tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, ông lấy bút danh Ngô Minh (bỏ tên thật), “để thử sức mình và muốn làm cho các bạn bất ngờ”. Hơn nữa, ông ngây thơ cho rằng, “các nhà thơ nổi tiếng đa phần bút danh chỉ có hai chữ như Nguyễn Du, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Bính...”.

Vinh biet nha tho Ngo Minh -  'Dua con cua cat'
Nhà thơ Ngô Minh ( bìa phải) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Không gian Huế, sự kết nối bạn bè, đam mê... đã làm nên 13 tập thơ trữ tình của Ngô Minh, cùng hàng trăm bài thơ in rải rác trên các báo, chỉ trong thời gian ngắn. Cái may mắn của Ngô Minh là ông viết trong thời điểm đất nước đang trên đà đổi mới, giúp làm nên những câu thơ gan ruột: “Nuôi con, thờ chồng oan khuất/ Mạ mót khoai hà cát phơi” (Nhớ mạ); “Chẳng có bài ca để hát/ Đời là vỏ ốc u u.../ Tháng tám khoai non cháy ruột/ Biển động chân trời rách tả tơi/ Anh bên đàn con nhìn lửa/ Lửa cười...” (Sẹo biển); “Mẹ đi kiếm gạo nuôi tôi/ Mẹ nuôi tôi bằng hai bàn tay/ suốt một đời bới vào cát ấy/ Bàn tay mẹ cát dăm thành vảy/ Lớp móng mòn rồi lớp lại thay...” (Đứa con của cát).

Vì sinh ra và lớn lên nơi quê nghèo, Ngô Minh hết sức thương cảm những số phận bất hạnh. Đó là cảnh mệ già “Ngồi bên đường chìa mê nón xin đời bố thí/ Bốn mùa mệ không đổi dáng ngồi/ Như tượng đài thời gian rách nát” (Tìm tôi tìm Huế). Ngô Minh tâm sự: “Hình ảnh của mệ ngồi ăn xin trên dốc Bến Ngự làm tôi nhớ đến cảnh mạ tôi xưa - hằng ngày cắp chiếc rổ rách, đi dọc bờ biển nắng gió, xin từng con cá vụn, mang về nuôi bốn đứa con nhỏ dại”.

Cảm động nhất là những bài ông viết về những số phận long đong, những con người chịu nhiều oan khuất. Đó là nhà thơ Tôn Phong thời còn bán chè chén ở sân ga: “Vợ chồng lạnh hiên hàng xóm”; là căn lều nơi hẻm nhỏ của vợ chồng nhà thơ Tạ Vũ: “Chia mưa với đất với người/ Đâu đó trên đời mái dột/ Ướt mèm giấc ngủ anh đây”; là bản “lý lịch trích ngang” của Phùng Quán: “30 năm/ Cá trộm/ Văn chui/ Rượu chịu...”.

Không chỉ vẽ chân dung bằng thơ, Ngô Minh còn dùng văn xuôi. Ông có lối viết lôi cuốn, hấp dẫn, khai thác những chi tiết đời thường ít người biết của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Hầu hết những người ông chọn viết chân dung đều có số phận long đong hay chịu nhiều oan khuất như Phùng Cung, Trần Vàng Sao, Tuân Nguyễn... đặc biệt là Phùng Quán.

Ngô Minh đã dành tâm sức biên soạn và tổ chức bản thảo các tập Nhớ Phùng Quán, Phùng Quán còn đây, Phùng Quán - Ba phút sự thật... Ông còn đứng ra kêu gọi mọi người “góp đá” xây lăng vợ chồng Phùng Quán tại Thủy Dương, lập quỹ Phùng Quán tặng cho các tác phẩm xuất sắc hằng năm ở Thừa Thiên - Huế và tặng thưởng cho các học sinh nghèo học giỏi ở xã Thủy Dương - quê hương Phùng Quán.

Hình như linh cảm sự ra đi của mình, ngày 24/11, ông viết trên Facebook bài thơ Lá bàng mùa đông, như một điềm báo:

“Hãy bùng lên bài ca bầm đỏ
cho dù ngày tận tháng cùng
hãy bùng lên và ra đi…”. 

Nhà thơ Ngô Minh (tên thật là Ngô Minh Khôi) sinh ngày 10/9/1949, tại làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (quân chủ lực miền đông Nam bộ), nguyên Trưởng đại diện báo Thương Mại (nay là báo Công Thương Việt Nam) tại Huế. Ông trút hơi thở cuối cùng lúc 13g12, ngày 3/12/2018, tại nhà riêng, sau cơn tai biến, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và rất nhiều độc giả.

Trong sự nghiệp nghệ thuật, Ngô Minh từng nhận nhiều giải thưởng giá trị như: Tặng thưởng thơ hay của báo Nhân dân (1978), tạp chí Văn nghệ Quân đội (1985), tạp chí Sông Hương (1983-1988), Giải thưởng Văn học Trung ương Đoàn - Hội Nhà văn Việt Nam (1982), hai lần nhận Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1985, 2004), ba lần đoạt Giải thưởng Cố Đô của Thừa Thiên - Huế...

Mai Văn Hoan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI