Vĩnh biệt nhà thơ, dịch giả Dương Tường - một người yêu tiếng Việt​

26/02/2023 - 19:18

PNO - Vĩnh biệt Dương Tường, tôi luôn nghĩ đến tấm gương của một người tự học và táo bạo trong học thuật.

Với nhiều người trong Nam, mấy chục năm trước, ít ai biết đến nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Đơn giản chỉ vì có một thời, người ta hầu hết chỉ tiếp cận thông tin trên báo chí “chính thống”, chứ chưa có nhiều kênh để đọc. Tôi là một trường hợp như thế.

Với Dương Tường, lần đầu tiên tôi đọc bài thơ của ông vẫn là lúc được chọn in trên báo Văn Nghệ, nhưng lập tức từng con chữ đã “đóng đinh” trong trí nhớ của tôi: 

Tôi đứng

Về phe

Nước mắt

Sở dĩ nhớ như in, vì rằng, thế hệ thanh niên thời chúng tôi rất mê người anh hùng Che Guevara, có lần một mệnh phụ phu nhân hỏi: “Ông sinh nơi nào, quê quán ở đâu?”. Che đáp: “Nơi nào còn tiếng khóc của sự bất công, áp bức, thì nơi đó là quê hương tôi”.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường


Xét ra, câu thơ của Dương Tường rất gần với quan niệm sống của Che. Vì lý do này, sau đó, thỉnh thoảng tôi vẫn cố ý tìm đọc ông. Nhưng rất hiếm hoi. Ngay cả tập kỷ yếu Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cũng không tìm thấy tên ông. 

​Rồi mãi đến sau này, khi có đổi mới trong lãnh vực xuất bản, thơ Dương Tường bắt đầu dần xuất hiện. Và, từ đó, tôi cảm thấy tiếng thơ của ông có gì đó khác với thế hệ cùng thời. Nói như thế, vì những bài thơ ông viết thời chiến tranh, thập niên 1960 ở miền Bắc khó có thể in ấn.

Mà, không chỉ thời đó, ngay bây giờ khi đọc, ta vẫn nhận ra một giọng điệu khác lạ. Với thơ, trong lúc người ta tìm con chữ để nói ra rõ cái nghĩa của nó, thì Dương Tường quan niệm khác, ông đi sâu vào sự khám phá sức hấp dẫn của âm, khác với thế hệ cùng thời.

​Một nhà thơ thế hệ sau là Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh, Dương Tường từng khẳng định: "Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ, mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác với tôi, là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên chiều "biểu nghĩa" (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều "năng nghĩa" (signifiant). Những gì ở thơ họ là "đã" thì ở thơ tôi là "đang". Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn "thẳng" còn ở tôi là mặt chữ nhìn "nghiêng". Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó, thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi". 

​Phát biểu này, ta có thể nhìn thấy qua thơ của ông, chẳng hạn, với âm “en”, ông viết:

Noel lụa len len đêm tổ tông truyền

​Hồ bờ len người len đèn len liễu loen mắt

​loen màu nhen răm răm gaine men

​nen ren em quen

​Người đọc có hiểu gì không? Tùy “gu” mỗi người, nhưng rõ ràng, âm “en” bắt đầu từ “Noel” kéo qua len/ đèn/ len/ nhen/ nen/ ren/ quen đã cuốn các con chữ nối theo nhau, không đứt đoạn. Rồi nữa:

Em về phố lặng

​lòng đổ chuông

llềnh lluềnh nước

lli

​lluâng

​lloang llưng

​lliêng llinh lluông buông boong

​ad lllibitum

​Rõ ràng, với các con âm llềnh lluềnh/ lli lluâng / lloang llưng là ông mong muốn tạo ra âm thanh đi vào thính giác của người đọc thơ. Với ông, âm thanh của tiếng chuông là thế khác với boong/ boong bong…

Bài thơ này viết năm 1964, kể ra cũng là điều táo bạo và phản ánh một ý hướng cách tân cho thơ. Rồi cũng cố ý khai thác về thính giác, ông viết:

nhá nhem

​lối khói

​lá khói

​bohème

​boong

​boong

​chuông em

​lá khói

​thèm em

​thềm êm

​đường đêm

​tràn im

​khuya thêm

​rộng thêm

​mùi thêm

​buồn thêm

​Những từ cuối câu đã lặp lại như em/ đêm/ thêm, ta thấy rất gần với lối viết mà Trần Dần từng thể nghiệm:

​​Ơi em!

         ​​ Kề thuyền sạch

          ​ Kề đèn sạch

          ​ Kề sen sạch

          ​ Kề phím sạch

​Anh đã tìm em qua mưa tuần lễ sạch

​Tìm em qua ban mai thành thị sạch

​Tìm em qua chiều tà tỉnh lỵ sạch

​Em nhỉ kề đôi năm thì sạch tháng thì giêng

​Ta dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng qua lại giữa những người cách tân “cùng hội cùng thuyền”. Dù thích hoặc không, thì ở các nhà thơ Dương Tường, Trần Dần, Đặng Đình Hưng… đã có một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Tại sao như thế? Có phải họ muốn làm mới lại cho thơ chăng? Đã có nhiều ý kiến cho là thế, tôi lại nghĩ khác, nghĩ rằng, chính vì họ quá yêu tiếng Việt đấy thôi. Họ cố gắng mày mò, vận dụng, biến hóa các con âm để tiếp tục đi sâu vào sự đa dạng trong ngữ âm tiếng Việt. 

​Không chỉ có thơ, Dương Tường còn được công chúng biết đến nhiều hơn qua các kiệt tác văn chương thế giới được dịch sang tiếng Việt. Có thể kể đến Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất…

​Trong số này, “đình đám” nhất vẫn là bản dịch Lolita có nhiều ý kiến khác nhau. Bấy giờ ông bộc bạch: “Nhưng tôi dám chắc, bản tiếng Việt Lolita là một bản dịch tâm huyết, có chất lượng mà không thẹn với lương tâm.

Dịch Lolita mà không sai mới lạ. Nhưng với 2 năm trời miệt mài với nó, tôi nghĩ đã dành cả tâm huyết cho từng con chữ. 7 năm trôi qua, mọi thứ ồn ào gần như tôi không còn mấy để tâm.

Đúng, Lolita là một cuốn sách quan trọng, nhưng với tôi, cuốn sách quan trọng nhất cuộc đời vẫn đang ở phía trước. Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả”.

Âu cũng là một quan niệm về dịch thuật của ông, cũng khác với cách nghĩ xưa nay về một bản dịch lý tưởng phải là “đạt, tín, nhã”. 

​Được biết, ông sinh ngày 4/8/1932, ở TP Nam Định, năm 1944 lên Hà Nội, năm 1945 lên Vĩnh Yên tham gia Cách mạng tháng Tám, làm liên lạc cho Việt Minh, năm 1949 ông vào bộ đội. Trong thời gian quân ngũ, Dương Tường tự học tiếng Pháp, tiếng Anh. Đến năm 1955, ông phục viên về công tác ở TTXVN, năm 1968 về hưu. 

Thật đáng khâm phục khi từ năm tháng “nghỉ hưu” ấy, ông đã bắt tay vào học thuật cho đến cuối đời. Làm việc một cách tận tụy, bền bĩ và có trách nhiệm với từng trang viết, ông đã để lại cho đời nhiều thành tựu rất đáng trân trọng.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI