Vĩnh biệt nhà giáo - nhà nghiên cứu Lê Tiến Dũng: Tiễn người về cõi bao la

11/04/2018 - 11:55

PNO - Sự ra đi của phó giáo sư - tiến sĩ văn học Lê Tiến Dũng rất bất ngờ với nhiều người, trong đó có tôi. Khó có thể hình dung một kết thúc lại đến với bạn mình chóng vánh đến vậy.

Bất ngờ quá.

Mới hôm kia, trên Facebook cá nhân, đồng nghiệp Nguyễn Tý (Báo Pháp Luật TP.HCM) thông báo nhà giáo - nhà nghiên cứu Lê Tiến Dũng vừa đột quỵ lần thứ 4, rất nguy kịch. Tôi dự trù sẽ cùng các bạn vào Phòng Hồi sức khoa Ngoại Bệnh viện Gia Định thăm người bạn thân tình.

Nhưng rồi, không kịp. Trưa qua, nhận được thông báo của ban đại diện cựu sinh viên cho biết, thầy Dũng vừa mất lúc 7g12 ngày 10/4 tại nhà riêng. Và chiều qua, nhiều thế hệ sinh viên đã tập trung tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM để cùng đi dự lễ viếng.

Vinh biet nha giao - nha nghien cuu Le Tien Dung: Tien nguoi ve coi bao la
 

Sự ra đi của phó giáo sư - tiến sĩ văn học Lê Tiến Dũng rất bất ngờ với nhiều người, trong đó có tôi. Khó có thể hình dung một kết thúc lại đến với bạn mình chóng vánh đến vậy. Hôm gặp nhau ở hội thảo Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam bộ, tháng 11/2016 tại Trường đại học Thủ Dầu Một, dù giọng nói của Dũng không còn “tròn vành rõ chữ” do đợt tai biến, nhưng nếu chú ý, vẫn còn nghe được.

Dăm tháng trước, khi vừa in tác phẩm mới nhất cũng là quyển sách cuối cùng Nghĩ về văn chương đất phương Nam, anh còn đem đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM ký tặng tôi. Dũng nhủ tôi phải đọc, bởi đây là một trong những quyển anh tâm đắc, chỉ viết về các nhà văn Nam bộ. 

Bấy giờ, nhìn chung sắc diện của anh rất khả quan, chưa có gì báo hiệu sẽ “bỏ cuộc chơi”. Mà ở Dũng, con người ấy lúc nào cũng nhiệt tình, hăm hở với biết bao dự định về nghiên cứu văn học. Vì lẽ đó, lúc nào gặp nhau, anh lại chia sẻ một cách hào hứng - dù rằng phát âm không còn trôi chảy như trước.

Nhà nghiên cứu - tiến sĩ Lê Tiến Dũng - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM - sinh năm 1957 tại Quảng Bình, nguyên Phó trưởng khoa Ngữ văn (2000-2006), Trưởng bộ môn Lý luận và Văn học Việt Nam hiện đại (1991-2000). Ngoài công tác giảng dạy, anh còn có nhiều công trình nghiên cứu đã in thành sách.

Khi tôi hỏi, Dũng đã in những tập sách nào? Ngay lập tức tiến sĩ Đoàn Lê Giang kể ra vanh vách như: Xuân Diệu, một đời người, một đời thơ; Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945; Cụ Hồ ở giữa lòng dân; Nam Cao - một đời văn; Nhà phê bình và cái roi ngựa; Giờ văn ngoài lớp; Một lòng với văn nhân; Nhà văn và phong cách…

Với những công trình nghiên cứu này, Lê Tiến Dũng đã tạo cho mình một phong cách, một góc nhìn mới về lĩnh vực văn học mà anh đã dày công nghiên cứu và truyền lửa cho nhiều thế hệ sinh viên. 

Nhắc đến anh, tiến sĩ Đoàn Lê Giang trải lòng: “Đây là một nhà giáo có cách giảng bài nồng nhiệt nên luôn tạo ra sức hút mãnh liệt đối với sinh viên. Tựa như một vài đồng nghiệp khác, ngay từ thời mới giảng dạy, anh đã tham gia tranh luận trên báo chí về các vấn đề văn học. Chính vì thế, anh luôn tiếp cận, tìm kiếm thông tin mới về những vấn đề mà nhiều người bàn luận.

Các trang viết nặng lòng về nền văn học đương đại của anh đã nói lên điều đó. Trong đời riêng, do bị tai biến nên không còn hoạt bát, nói cười rổn rảng như trước nhưng tấm lòng của anh bao giờ cũng chí tình, thân thiện với bạn bè, đồng nghiệp. Ngôi nhà nhỏ của anh, chúng tôi vẫn thường lui tới bàn về học thuật, trao đổi về chuyên môn giảng dạy…”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh không giấu được sự bùi ngùi: “Trong những năm 1990, khi mình đặt chân vào trường là thời kỳ quy tụ nhiều tinh hoa trí thức, các thầy cô từ Hà Nội và các tỉnh vào, ở Sài Gòn trước 1975, từ các nước về, từ trường này đào tạo ra... trong đó có nhiều thầy vừa tài hoa, vừa đẹp trai. Thầy Lê Tiến Dũng đối với những lứa sinh viên như tụi mình có lẽ là một trong những thầy giáo dạy hay, nhiệt tình và trẻ trung”.  

Khi hay tin lễ động quan sẽ diễn ra lúc 5g30 sáng 13/4, an táng tại nghĩa trang ở H.Củ Chi, TP.HCM, nhà thơ Trương Nam Hương thở dài: 

Tiễn người về cõi bao la
Cỏ xanh cũng thiện và hoa cũng hiền
Nơi không tai biến lụy phiền
Thảnh thơi Dũng nhé, về miền thảnh thơi

Chiều qua, trước linh cữu người quá cố, ban đại diện cựu sinh viên đã hứa: “Mong thầy yên nghỉ. Chúng em sẽ làm hết sức để chăm sóc con trai nhỏ 8 tuổi của thầy”. Một câu nói giản dị từ một và nhiều tấm lòng thốt ra, khiến tôi nghĩ về sự bất biến của tinh thần tôn sư trọng đạo. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI