Vĩnh biệt Nguyễn Thành Nhân - Vũ điệu buồn của chữ

09/11/2020 - 05:59

PNO - "Xa nhà thì đã xa nhà/ “Mùa xa nhà” đã về nhà rồi sao?/ Ly bia, bạn nốc cái ào/ “Vũ điệu buồn của chữ” nào dậy men?"

Nghe tin Nguyễn Thành Nhân mất, tự dưng trong đầu bật lên mấy câu thơ. Như nhớ. Như quên. Không có gì rõ nét. Có nhớ chăng vẫn là dáng đi tất tả, đã ngồi là ngồi một chỗ, đã không nói thì rụt rè, nhưng khi nói thì rôm rả, hoạt bát hẳn lên, đã uống thì phải say ngất ngưởng mới về của Nhân.

Say, ừ thì say. Xả láng sáng về sớm. Không ầu ơ ví dầu. Không nửa nạc nửa mỡ. Chân tình và trọn vẹn với anh em bầu bạn. Tưởng rằng, Nhân chỉ chơi cho thỏa chí phiêu bồng của một người luôn tự nhận mình chưa hề già. Vẫn trẻ. 

Trong mắt tôi, Nhân bao giờ cũng trẻ nhất ở sức lao động bền bỉ. Anh chẳng có thú vui gì khác, ngoài bù khú với bạn bè của thời Mùa xa nhà, bồ tèo văn nghệ; lúc quay về vẫn là sự đánh đu, tìm vui cùng chữ nghĩa. Không mệt mỏi. Không bỏ cuộc. Nhân là một trong những cựu chiến binh mà tôi thích, vì trong anh, vẫn còn sót lại một chút gì đó vừa ngây thơ vừa cả tin. Đi đứng giữa đời, nhìn sự việc nhẹ tênh, có lúc nổi nóng, ồn ào nhưng rồi lại quên. Cái sự quên đó, thể hiện trên nụ cười lúc mím chặt, lúc bẽn lẽn như đứa trẻ chưa từng đi qua Mùa xa nhà đối diện cùng cái chết khốc liệt…

Quyển sách đầu tiên, tôi dẫn chuyện cho Nhân là Vũ điệu buồn của chữ; quyển sách cuối cùng, tôi góp phần thực hiện để có thể tái bản theo bản in mà anh ưng ý nhất là Mùa xa nhà. Sách vở thì trọn vẹn. Riêng chuyện mai mối của tôi dành cho anh với một, hai bóng hồng đặng có người “nâng khăn sửa túi” thì hoàn toàn thất bại.

Tính Nhân vốn thế. Đã từng khoe và cho tôi thấy hình ảnh bao cô gái đẹp, tươi trẻ, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu.

“Thôi thì, cái số nó thế”, tôi an ủi bạn, hắn ta cười khà khà mà trong tiếng cười ấy có chút gì bùi ngùi bởi nhan sắc ấy luôn ngoài tầm tay.

Nghĩ mà buồn. Đã từng chung hội “phòng không” thời trẻ, cái thời mà anh từng có những câu thơ tặng tôi: “Tôi và anh, hai gã thất tình/ Thức trắng làm thơ, nuốt sầu vào dạ/ Làm bao nhiêu thơ… bao nhiêu thơ… chở đầy thương nhớ/ Mà vẫn ngu ngơ nào thốt nên lời/ Những bước chân vô tình dẫm nát tim tôi/ Chắc Quốc cũng nghe nỗi buồn ứa máu/ Ôi những xót xa ta lặng thầm cất giấu/ Chợt đêm đêm gào xé giấc không tròn…”. Đến lúc tôi đã “yên phận” thì anh vẫn lông bông, “giấc không tròn” như thuở nào. 

Chơi với Nhân, thêm một điều khiến tôi quý anh vẫn là sự tự học, tự nâng mình lên để có thể sáng tác nhạc, làm thơ, viết văn và trở thành một dịch giả chuyên nghiệp. Đó là một chặng đường đi tìm chính mình, có lần anh thổ lộ: “Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang… viết văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng”.

Khiêm tốn, không hay khoe về mình, âu cũng là tính cách của Nhân. Nói như thế vì khi trở lại chiến trường K cùng Đoàn Tuấn và một vài anh em cựu chiến binh khác, chúng tôi có gặp nhiều trí thức Campuchia cảm tình với quân tình nguyện Việt Nam, họ cho biết rất ấn tượng với Mùa xa nhà của Nhân hơn các tác giả văn học khác cùng thế hệ chúng tôi, trong đó, có phần bởi tác phẩm này được Nhân tự dịch sang tiếng Anh.

Có thể ghi nhận, đây là một trong số ít ỏi tác phẩm viết về cuộc chiến Tây Nam được người nước ngoài biết đến. Theo tôi, Nhân đã trả được nợ cho đồng đội ngã xuống ở mảnh đất bên ngoài Tổ quốc; dù để Mùa xa nhà được thừa nhận với giá trị vốn có của nó, anh cũng trải qua không ít trắc trở… 

Nhiều người không hiểu sao, anh đặc biệt yêu thích nữ văn sĩ Virginia Woolf (1882-1941), và đã dịch nhiều tác phẩm của bà như Tới ngọn hải đăng, Ba đồng ghi-nê, Bà Dalloway, Căn phòng của Jacob, Orlando… Có lần tôi hỏi, anh tâm tình chỉ vì trong suốt đời mình, Virginia Woolf luôn bị quấy rầy bởi những cơn trầm cảm và những chứng bệnh liên quan. Dù các cơn đau này thường gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của mình, bà vẫn tiếp tục sáng tác với một vài thời kỳ gián đoạn cho tới khi qua đời do tự tử. Biết điều này, ta hiểu thêm về tính cách của Nhân là vậy.

Rạng sáng 8/11, sau một cuộc vui cùng bè bạn, anh trở về nhà, ngủ một giấc thật dài, thật nhẹ nhàng như chính cuộc đời anh. Nói như nhà biên kịch Đoàn Tuấn, anh là “nhà văn lãng tử sống đời nhẹ nhàng”. Và ngay cả khi trở “về nhà” cũng vậy. Nhân ơi, vĩnh biệt bạn.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1964, tại Sài Gòn, tác giả của nhiều truyện ngắn và thơ, đặc biệt phải kể đến Mùa xa nhà - một trong những tác phẩm hay nhất về đề tài chiến tranh. Ngoài sáng tác, anh còn là dịch giả, nhiều nhất là dịch tác phẩm của nhà văn Virginia Woolf. 

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân đột ngột qua đời lúc rạng sáng 8/11. Linh cữu được quàn tại nhà riêng 29 Lê Trực, P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ chiều 8/11. Sau đó được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa vào ngày 10/11.

Lê Minh Quốc

 

 

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • bạn đọc trẻ 09-11-2020 09:19:30

    Tôi là người trẻ, đang đọc mấy chương Mùa xa nhà của anh nên thật xúc động khi hay tin. Chuyến đi xa nhà này là mãi mãi nhưng bạn đọc và đồng đội sẽ vẫn luôn nhớ về anh. Chia buồn cùng gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI