Vĩnh biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

24/04/2019 - 06:00

PNO - Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước. Ông là người bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm và khi đã tin là đúng thì quyết làm đến cùng.

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20g10, ngày 22/4/2019 tại nhà công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, TP.Hà Nội.

Vinh biet nguyen Chu tich nuoc Le Duc Anh
Vĩnh biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh 

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920, ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thuở niên thiếu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Hoạt động cách mạng của ông bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như rải truyền đơn, treo cờ… đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng, tham gia phong trào bình dân, phụ trách tổ chức các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản, khi đó ông tròn 18 tuổi. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam bộ.

Vinh biet nguyen Chu tich nuoc Le Duc Anh
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh 

Đại tướng Lê Đức Anh đã công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến từng bước lên chính quy hiện đại.

Vinh biet nguyen Chu tich nuoc Le Duc Anh

Đồng chí Lê Đức Anh trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam mang bí danh "Sáu Nam". Ảnh: Quân khu 9.

Trên cương vị Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.

Là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ông có nhiều đóng góp hết sức to lớn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, năm 1982, ông làm Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia tái thiết, xây dựng lại đất nước.

Năm 1984, ông được phong quân hàm đại tướng, sau đó giữ các trọng trách: Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 12/1986 đến 1991). Ông được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992-1997.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào và chiến thắng kẻ thù.

Vinh biet nguyen Chu tich nuoc Le Duc Anh

Chủ tịch Cuba Fidel Castro chào mừng Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Havana hồi tháng 10/1995.

Là một nhà lãnh đạo luôn được đặt vào những thời điểm khó khăn, buộc phải ra những quyết định trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, song Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước. Ông là người bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm và khi đã tin là đúng thì quyết làm đến cùng.

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

Mai Phan (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI