Vĩnh biệt người đàn bà IT

14/02/2017 - 16:10

PNO - PGS-TS Đồng Thị Bích Thủy, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc Gia TP.HCM) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h ngày 9/2.

NGƯT-PGS-TS Đồng Thị Bích Thủy là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) đầy mới mẻ ở nước ta vào những năm đầu đổi mới. Sự ra đi của “người đàn bà IT” đã để lại một khoảng trống cho các đồng sự và bao thế hệ sinh viên, bởi dù đã nghỉ hưu, mang bệnh trong những năm cuối đời nhưng bà vẫn miệt mài với việc nghiên cứu và giảng dạy CNTT.

Vinh biet nguoi dan ba IT
 

 “Chúng ta còn biết rất ít về những đóng góp lớn của chị” (ông Thịnh Nguyễn, CEO Zien Solutions, Việt kiều Mỹ). Nhận xét trên bao hàm  cả sự hy sinh lẫn can đảm của “người đàn bà IT” - NGƯT-PGS-TS Đồng Thị Bích Thủy.

Du học Thụy Sĩ năm 1970, lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin, bà về nước. Những năm đầu thập niên 80, Việt Nam còn rất lạc hậu với tin học; khó khăn kinh tế còn trùng trùng, lại thêm cái tư duy thủ công còn nặng nề trong xã hội, nên CNTT chỉ là một mảnh đất xa vời, hoang vu.

Vì thế, có lần bà từng nói, đã suýt thất nghiệp vì mảnh bằng tiến sĩ. Nhưng, cái nghiệp đã bám chặt. Hơn ba mươi năm kể từ ngày bà nhận giảng dạy Khoa Toán ở ĐH Tổng hợp TP.HCM, sau đó đảm nhiệm việc quản lý, đào tạo IT tại trường và TP.HCM, con đường của bà thật sự là những dặm dài vượt khó.

Thật khó hình dung người phụ nữ mảnh mai ấy lại là người gánh vác việc đào tạo quản lý, sử dụng máy tính, đặt những viên đá đầu tiên cho lĩnh vực IT tại Việt Nam, dù trong mắt nhiều người thời ấy, đó là việc của đàn ông!

Đam mê, có kiến thức - chưa đủ; chấp nhận hy sinh thầm lặng, lấy giáo dục đào tạo đặt lên hàng đầu - cũng chưa đủ; nếu người làm công việc này thiếu một tầm nhìn xa, thiếu sự am hiểu rằng sự vận hành của cả hệ thống, từ quản trị hành chánh đến cạnh tranh doanh nghiệp sẽ tụt hậu nếu thiếu sự hỗ trợ của hệ thống tin học. Bao vốn liếng, niềm tin bà trút hết vào công việc, vì biết rõ, IT sẽ giúp chúng ta thay đổi tất cả.

Bà trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này ở phía Nam, bởi mọi thứ còn sơ khai, đồng nghiệp lại chỉ là một phụ nữ khác là GS Phan Thị Tươi (nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa). Bà cùng các đồng nghiệp đã lần đầu tiên đưa khái niệm “học tập phục vụ cộng đồng” (service-learning) vào Việt Nam; mở ra mô hình cải tiến phương pháp dạy và học đại học. 

Theo bà, công cụ, kiến thức, phương pháp sẽ không hiệu quả nếu học chỉ để mà học, không vươn ra với cộng đồng, làm đòn bẫy tạo nên những cú hích cho xã hội. Bà đã thật sự khiến nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước ngạc nhiên bằng những gì đã làm được.

Ông Thịnh Nguyễn kể, có lần hỏi bà vì sao lại quyết định trở về Việt Nam và có lúc nào cảm thấy hối hận không? Câu trả lời sau nhiều năm của bà là một câu hỏi ngược: Vậy anh có hối hận không? Và cả hai cùng cười. Giờ đây, khi đã về chốn vĩnh hằng, hẳn sẽ chẳng còn ai dám hỏi bà như thế, trước ngập tràn nỗi tiếc thương từ đồng nghiệp và bao thế hệ học trò của bà tại lễ tang. 

Vinh biet nguoi dan ba IT
PGS-TS Bích Thủy hướng dẫn Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung tâm Tin học Đại học Tự nhiên TP.HCM tại Công viên phần mềm Quang Trung năm 2003 - Ảnh Nhữ Đình Ngoạn

Tại lễ tang của bà, ThS Ngô Chánh Đức, giảng viên Bộ môn Công nghệ phần mềm, Trường ĐH Khoa học tự nhiên xúc động: “Cô là thầy của những người thầy trong giới CNTT. Ngày đầu Khoa CNTT thành lập chỉ vỏn vẹn hai tiến sĩ và cô là người nữ duy nhất. Tôi từng là học trò của cô khi theo học chương trình CNTT tăng cường tiếng Pháp, cũng do cô khởi xướng và gầy dựng.

Ấn tượng đầu tiên là cô nói tiếng Pháp rất thu hút và là một nhà ngoại giao giỏi. Về sau tôi càng nhận ra cô không chỉ là một người thầy giỏi, sâu sắc mà còn rất tâm lý và sống tình cảm với sinh viên. Sinh viên cần giúp đỡ điều gì, cô chưa bao giờ từ chối. Là một giảng viên (GV)trẻ và đang công tác tại chương trình liên kết đào tạo để cấp bằng đôi với Pháp, từ sự ngưỡng mộ cô, tôi cố gắng tiếp nối chương trình mà cô gầy dựng”.

Ông  Phí Anh Tuấn, CEO Công ty PAT Consulting, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, nghẹn ngào: “Chúng ta không thể “lượng hóa” những đóng góp của chị như những báo cáo đơn thuần bằng con số hay doanh thu. Công sức của chị là vô giá, bởi suốt quãng đời làm giáo dục chị đã góp phần xây dựng nền móng cho ngành IT Việt Nam. Tôi thuộc thế hệ đàn em, luôn nhìn thấy ở chị một tài năng nhưng khiêm tốn, sự quyết liệt nhưng mềm mỏng, một tri thức đã cống hiến những giá trị lớn cho sự phát triển của ngành IT Việt Nam”.

Trên trang cá nhân, ThS Phan Nguyễn Ái Nhi, Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học (CEE) viết: “Mong cô nghe được những lời chúng em nói. 20 năm trước em bước chân vào đại học, ấn tượng nhất là hình ảnh một GV nói tiếng Pháp như gió đang dạy các anh chị cao học ở dãy F. Thần thái và trí tuệ của cô thể hiện rõ trên gương mặt cương nghị với nụ cười rất tươi.

Em đã đứng nhìn cô rất lâu qua cửa sổ và tự hỏi: “Sao lại có thể có một GV như thế?”. Tiếc là em không thích CNTT nên đã chọn toán và nghĩ mình khó có cơ hội để được làm việc với cô. Sau 12 năm kể từ ngày đầu thấy cô, em quay về trường, được thầy trưởng khoa giới thiệu vào CEE. Gặp lại cô là một bất ngờ lớn và là diễm phúc trong những ngày tháng làm việc sau này của em.

Em thấy ở cô nhiều hơn rất nhiều những gì mình từng ấn tượng: bên cạnh sự thông thái, mạnh mẽ, tầm nhìn xa và tác phong làm việc chuyên nghiệp (nghiêm túc, đúng giờ, rõ ràng, công tâm, linh hoạt xử lý mọi việc hợp tình hợp lý); trái tim cô còn ngập tràn tình yêu thương và sự quan tâm đến sinh viên, nhân viên, đồng nghiệp và những người xung quanh. Cô hay bảo em sống tình cảm quá, nhưng cô có biết cô còn tình cảm gấp nhiều lần em?”. 

Tình cảm, chính điều đó là xương sống, tạo nên chân dung người đàn bà IT. Nó là tiếng nói tha thiết với nghề, khi cái tình quá lớn thì sẽ khiến cảm hóa, nâng đỡ, khuyến tấn những ai theo nghề vượt lên những lấn bấn của áo cơm, những vật cản của kiến thức, để hợp  lực thành một dòng chảy mạnh mẽ.

Bà có đủ mọi điều, từ kiến thức của một giáo sư, tầm nhìn của người quản lý, sự tận tụy của một nhà giáo, đam mê cháy bỏng với toán học; đến cái tình sâu sắc với đồng nghiệp, học trò, lặng lẽ hy sinh những riêng tư, sống đôn hậu, tử tế, cháy hết mình với công việc, tìm mọi cách để IT trở thành một bệ đỡ cho đời sống… Tất cả phả vào các thế hệ học trò, đồng nghiệp của bà sự ngưỡng mộ lớn lao. Tại tang lễ của bà, những câu chuyện về bà cứ nối dài trong thương tiếc và kính trọng…

Chúng ta biết rất ít về bà. Nói như vậy không có nghĩa đó là sai sót của người còn sống, của những ai liên quan đến IT và cả những người không liên quan, dù hàng ngày mọi người vẫn chạm vào máy tính.

Bà cũng như bao nhà giáo khác, đã phụng hiến cho cái nghề đưa đò sang sông lặng lẽ. Từ sự nghiệp và những cống hiến của bà, xã hội cũng cần nhìn lại và công bằng hơn với những đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực nghiên cứu, một lĩnh vực khiến người tham gia phải sống thầm lặng, ít có cơ hội để được đám đông biết đến.

Trong lĩnh vực này, nam giới khó một thì phụ nữ khó mười, bởi họ còn làm vợ, làm mẹ, còn phải ứng phó với cả quan niệm thiếu công bằng của đồng nghiệp nam, cái nhìn bên trọng bên khinh của người quản lý với phụ nữ... 

Và bây giờ, người đàn bà tình cảm ấy đã ra đi, sau hơn 35 năm đem trí tuệ và sức lực của mình để vỡ một mảnh đất hoang.

PGS-TS Đồng Thị Bích Thủy sinh năm 1954, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa X (1997 - 2002). Bà tốt nghiệp ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) ngành quản trị kinh doanh, nhận bằng tiến sĩ tin học quản lý ở ĐH Geneve (Thụy Sĩ); tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên) từ năm 1986.

Năm 1989, bà là Trưởng bộ môn Tin học (Khoa Toán học). Năm 1995, khi Khoa Công nghệ thông tin được thành lập, bà trở thành Phó trưởng khoa, đồng thời là Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin.

Trong quá trình công tác, bà đảm nhận phần lớn việc đào tạo cao học tin học trong những khóa đầu tiên (từ năm 1991) cho đến khi Trường ĐH Khoa học tự nhiên có thêm giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.

Bà là Giám đốc Trung tâm Tin học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên từ năm 1991-2010. Cuối năm 2001, PGS-TS Đồng Thị Bích Thủy trở thành Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

Bà đã được nhà nước công nhận học hàm phó giáo sư và danh hiệu Nhà giáo ưu tú cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI