Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn, nay thuộc Q.6, TP.HCM. Thời tuổi trẻ, ông và nhiều bạn đồng trang lứa tham gia phong trào sinh viên, học sinh đô thị. Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt và đày ra Côn Đảo. Sau ngày đất nước thống nhất, Lê Văn Nghĩa gắn cuộc đời ông với chữ nghĩa, và làm ở một nơi duy nhất đến khi về hưu vào năm 2015.
Với 40 năm làm báo, hàng chục năm làm chủ biên tờ báo trào phúng đầu tiên sau 1975 là Tuổi trẻ cười, Lê Văn Nghĩa để lại nhiều bút danh được bạn đọc yêu thích, đáng kể có: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… Ông cũng là người góp phần tạo ra chương trình Tuổi trẻ cười sống dành cho các nhóm hài kịch ở thời mà các nhóm hài ở Sài Gòn nở rộ như nấm sau mưa. Người Sài Gòn cần mẫn làm việc không khác gì người nông dân ở các vùng quê trên thửa ruộng của mình, nên họ rất cần những tiếng cười, giải trí nhẹ nhàng sau một ngày lao động.
Thế nhưng cái gì quá trớn sẽ nảy sinh cực đoan, nhiều nhóm hài và các chương trình, tiết mục giải trí có chiều hướng dung tục, phản cảm. Lê Văn Nghĩa và tờ báo của ông đã góp tiếng nói để “gạn đục khơi trong”, hầu mong bầu khí quyển văn hóa được trong lành hơn. Trước khi đón tết âm lịch, giải thưởng Cù nèo vàng được Lê Văn Nghĩa cầm trịch cùng với các nhà báo chuyên viết mảng kịch trường bầu chọn ra những nghệ sĩ, tiết mục tốt nhất để tôn vinh họ. Đồng thời để nhắc nhở những nghệ sĩ, cá nhân có hành động phản cảm trước công chúng thì trao giải Trái cóc xanh… chua lè.
|
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa |
Không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa thông qua nghề báo và ngòi bút trào phúng, Lê Văn Nghĩa còn là một nhà văn với sức lao động đáng nể. Chỉ tính số lượng tác phẩm đã ấn hành của ông trước khi từ biệt cuộc đời, có thể gọi đó là một sự nghiệp mà bất kỳ người cầm bút nào cũng mong muốn đạt được. Tác phẩm của Lê Văn Nghĩa góp mặt trong các thể loại: truyện trào phúng, truyện thiếu nhi, truyện ngắn, truyện phim, truyện dài, tạp bút, biên khảo… mà đáng kể nhất là truyện trào phúng, truyện thiếu nhi và biên khảo.
Truyện trào phúng vì là nghề của ông nên chiếm đa số, với hơn mười đầu sách đã in. Ngạc nhiên nhất là truyện thiếu nhi ông viết về tuổi trẻ của mình gắn với Sài Gòn một thuở, khiến cho những nhà văn chuyên về lứa tuổi này như Nguyễn Nhật Ánh cũng phải trầm trồ thán phục. Khi đọc Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã thốt lên: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.Mảng sách biên khảo của Lê Văn Nghĩa thể hiện công phu của một người giàu vốn sống và nhiều tư liệu quý. Tuy nhiên, ông dành trọn thời gian để viết về vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, nơi gắn chặt đời mình. Đáng kể có các cuốn: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Văn học Sài Gòn 1954-1975 (Những chuyện bên lề)…
Khi viết biên khảo, Lê Văn Nghĩa có trích dẫn một số tác phẩm, hồi ký của những tác giả khác. Theo lẽ thường, trích dẫn chỉ cần ghi rõ nguồn nhưng Lê Văn Nghĩa đã nói ngay trang đầu cuốn sách để cảm ơn và xin lỗi gia đình các tác giả quá cố vì nhiều lý do, trong đó do có cách trở địa lý nên chưa thể xin phép được. Điều này thể hiện sự tự trọng, phân biệt rõ cái nào của mình, cái nào của người.
Trong cuộc sống hằng ngày, Lê Văn Nghĩa cũng luôn duy trì sự tự trọng ấy như nó đã thấm vào hồn cốt của ông. Hành động anh hùng có thể đến với bất cứ ai trong một khoảnh khắc bộc phát tạo thành, nhưng với hành động tự trọng thì phải có quá trình tích lũy. Lê Văn Nghĩa luôn là người tự trọng trong các hành động nhỏ nhất. Khi đang làm công việc mới xong nửa chừng để nhập viện mổ khối u, ông đã nhờ một đồng nghiệp thân tình làm giúp phần việc còn lại với lời dặn: “Đừng cho ai biết tui nhập viện, mắc công anh em lo lắng và đi thăm”. Cũng giống như nhiều người Sài Gòn khác, dù cả khi khó khăn được trợ giúp, thì họ chỉ nhận vừa đủ chứ không muốn làm phiền thêm nữa.
Nhà báo Lê Hữu Tuấn (Phó Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc), chia sẻ: “Với người không thân, nhìn anh không ai đoán anh bệnh. Trong anh luôn cuồn cuộn năng lượng, gặp nhau là đủ chuyện tiếu lâm. Giọng anh rặt chất Sài Gòn, nói chuyện đậm phong cách Nam bộ, ngang hàng thì ông - tui, nhỏ hơn như tụi mình thì mày - tao. Thân tình, khí khái… lâu lâu vẫn không quên chêm vô chữ “thấy mẹ” hay thấy trong cách nói của lưu dân miền khẩn hoang. Ảnh bị K bao tử cả chục năm nay, mổ rồi cắt đi cắt lại nhiều lần, nhưng cứ khỏe cái là ới anh em. Ảnh không nghiện rượu bia, chỉ ghiền cái không khí ngồi với bạn bè em út tán dóc, chọc ghẹo. Nhiều buổi chiều ảnh điện thoại: mày rảnh không, kiếm chỗ nào làm mấy lon ngắm đường sá chơi, ở nhà buồn quá!”.
Mỗi ngày Lê Văn Nghĩa dành từ bốn đến tám tiếng để viết, nên trong khoảng mười năm vừa ra vào viện mổ cắt, ông cũng cho ra đời hơn mười đầu sách có tiếng vang, tái bản nhiều lần. Chiều đến, ông lại tìm bạn bè, ra ngồi lề đường mượn chai bia làm cái cớ để gặp nhau. Lạ là, Sài Gòn đông đúc vậy mà người Sài Gòn vẫn thích ngồi vỉa hè ngắm phố, ngắm xe cộ lại qua. Lê Văn Nghĩa là một người Sài Gòn như thế. Trong một tuần mà không thấy ông ới thì bạn bè hiểu là ông đã nhập viện. Giờ thì bạn bè của ông đã không còn được ông ới ra quán cóc bình dân nữa rồi. Vĩnh biệt ông: anh Hai Cù Nèo, nhà văn Lê Văn Nghĩa - một người Sài Gòn tự trọng.
Trần Hoàng Nhân