Vậy là họa sĩ Trương Hán Minh đã giã biệt cuộc đời khi vừa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” (11/12/1951 - 21/9/2021), để lại một di sản gần 6.000 bức tranh thủy mặc và thư pháp. Trong di sản đó, ông thành công hơn với việc vẽ các loài hoa như mẫu đơn, mai, lan, cúc, trúc, đào… đặc biệt là hoa mẫu đơn chiếm số lượng lớn.
Hai câu thơ: “Niên niên xứ xứ hữu xuân phong/ Khai xuất chi đào đệ nhất hương” (tạm dịch: Hàng năm hoa xuân nở khắp nơi/ Nhưng tỏa hương nhất vẫn là mẫu đơn) thường được Trương Hán Minh sử dụng trong nhiều bức tranh.
Họa sĩ Trương Hán Minh - ẢNH: T.L
Trong các biểu tượng của hoa mẫu đơn, Trương Hán Minh nói rằng khi vẽ, ông chú trọng nhiều đến khía cạnh lứa đôi, bình an, hạnh phúc, hơn là trường thọ, phú quý, vinh hoa… vốn là những biểu tượng quen thuộc của hoa mẫu đơn từ xa xưa. “Nếu mẫu đơn biểu tượng cho lứa đôi, thì trong đó, phần tính nữ được tôi ưu ái nhiều hơn. Khi vẽ các con vật cũng vậy, tôi đặt tình cảm cho con cái nhiều hơn con đực, dù trong tranh của tôi và tranh thủy mặc truyền thống, yếu tố nam tính vẫn được ưu tiên chọn lựa và nổi trội hơn” - Trương Hán Minh chia sẻ.
Quan điểm này nghe có vẻ giản dị, nhưng truyền thống tranh thủy mặc cũng cần rất nhiều thời gian và sự bứt phá thì mới có được. Bởi thực tế cho thấy thủy mặc ra đời và thịnh vượng dưới các triều đại phong kiến, nơi nam quyền và nam tính giữ vai trò trọng yếu. Cho nên, một trong những đóng góp của Trương Hán Minh vào thủy mặc hiện đại Việt Nam là ở sức sáng tạo bền bỉ và tinh thần nữ tính trong nhiều tác phẩm. Điều này làm cho tranh của ông gần gũi, đằm thắm và tình cảm.
Khi hỏi Trương Hán Minh rằng cũng chỉ hoa - điểu - thủy - ngư - vân - tùng - hạc (hoa, chim, nước, cá, mây, tùng, hạc), thì cái mới trong tranh thủy mặc ở đâu? Ông chia sẻ: “Vì đây là loại hình quá lâu đời, đã có nhiều thành tựu và điển phạm, cái mới chỉ là những chi tiết nhỏ về thi, thư, họa, ấn. Thậm chí chỉ là ở việc cập nhật màu sắc mới sản xuất, điều mà trong lịch sử tranh thủy mặc chưa có.
Tôi thì chú trọng nhất ở kỹ thuật vẽ, dù đề tài quen, nhưng được vẽ trong ngữ cảnh mới, dụng công mới, thì tác phẩm sẽ có yếu tố mới. Tôi cũng chú trọng đến phong cảnh, thi ca, nhạc họa của từng địa phương, để chắt lọc đưa vào tranh của mình. Nói cụ thể, tôi ở Việt Nam thì phải có chất Việt Nam trong tranh. Nhiều người nói hoa mẫu đơn chỉ ở Lạc Dương (Trung Quốc) thì mới đẹp, tôi thì muốn nói rằng mẫu đơn ở đâu cũng đẹp, tùy vào sự cảm nhận và cách vẽ mà thôi”.
Trương Hán Minh nổi tiếng vì sự chăm chỉ trong sáng tác, gần 6.000 bức tranh thủy mặc và thư pháp vẽ từ năm 1971 cho đến lúc sắp qua đời cho thấy điều này. Không chỉ vậy, ông còn nổi tiếng với sự chăm học và rèn luyện ngay từ lúc nhỏ, ông gần như không tin vào các yếu tố sẵn có như thiên phú, mà chỉ tin vào khổ luyện. Nhiều bức thư pháp, nhiều bức tranh ông chỉ mất chừng một tiếng để vẽ, nhưng việc tìm tứ, tìm ý và khổ luyện thì rất nhiều ngày, nhiều tuần.
Trương Hán Minh nói rằng ông không vẽ điều gì mà bản thân chưa thông thuộc, ngay cả với phong cảnh Việt Nam. Trước khi vẽ ông cũng đi xem nhiều lần, để hình ảnh in sâu vào tâm trí thì mới vẽ. Ông không thích vẽ theo hình chụp, mà chỉ mượn hình sẵn có để thêm vào các tưởng tượng, các bố cục mà tâm trí hướng đến.
Tác phẩm Hoa mẫu đơn của Trương Hán Minh - đây là loài hoa mà ông dụng công vẽ nhiều và thành công nhất
Quan điểm vẽ tranh thủy mặc của Trương Hán Minh khá rõ ràng, được ông nhắc lại nhiều lần trên báo, in trong sách. Đó là: “Tranh thủy mặc chú trọng cả hình, thần và ý. Hình là cái cốt để gửi ý. Thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Thủy mặc gửi cái thần và cái ý dưới các hình thức phong cảnh, tre trúc, hoa lá... nhằm biểu đạt niềm vui và nỗi buồn của con người qua tác phẩm”.
Một số bạn bè thân thiết với ông kể rằng, dù rất thành công ở khía cạnh bán tranh, nhưng Trương Hán Minh sống khá thực tế, tiết kiệm và khiêm tốn. Ông chỉ hào phóng và chia sẻ rộng lượng với bạn bè khó khăn, với cộng đồng. Từ năm 1977 cho đến năm 2020, ông đã bán và gửi đấu giá thành công gần 250 bức tranh thủy mặc vì thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng hơn 10 tỷ đồng.
Trong các bức tranh vì thiện nguyện này, Trương Hán Minh cũng thường gửi các bức vẽ hoa mẫu đơn mà mình tâm đắc, với mong muốn hương sắc của loài hoa này sẽ mang lại sức sống, sự tin tưởng. Chính điều này góp phần làm tên tuổi và tác phẩm của Trương Hán Minh - giống như loài hoa mẫu đơn - sẽ còn ngát hương dài lâu.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.