Người đi, để lại ước nguyện còn dang dở
Ngày vị đạo diễn tài hoa ra đi, những cuộc gọi báo tin có lúc lặng đi khi đầu dây bên kia là tiếng khóc nghẹn ngào. NSND Kim Xuân xúc động nhớ lại lời đạo diễn Lê Cung Bắc nói với chị thời điểm ông trở bệnh nặng: “Duyên anh em mình gặp nhau giờ đã tận…”.
“Cách đây một tháng tôi đến thăm, anh nói sẽ cố khỏe lại để cùng tôi và Việt Trinh làm một kênh phim về Phật giáo. Nhưng giờ đã không còn cơ hội nữa…” - nhà biên kịch Châu Thổ rơi nước mắt. Chị cũng chính là người nhận lời ủy thác của cố đạo diễn Lê Cung Bắc, thay ông tiếp tục hoàn thành dự án điện ảnh Giã từ cô đơn còn dang dở.
|
Đạo diễn Lê Cung Bắc bên góc Tĩnh tâm cốc ở nhà ông (Ảnh internet) |
“Anh muốn làm một bộ phim về thân phận những con người sống dưới đáy xã hội, đã được khởi quay cuối năm 2019, tôi nhận vai trò cố vấn. Lúc ấy anh còn khỏe, mỗi khi có ý tưởng tâm đắc là trao đổi ngay với tôi. Anh nói còn được làm nghề là còn hạnh phúc. Những ngày nằm viện, sức rất yếu mà anh vẫn cố gắng gọi điện ủy thác, nếu anh không qua khỏi hãy thay anh tiếp tục hoàn thành dự án. Bộ phim này là ước nguyện, mà cũng là di nguyện của anh” - giọng nhà biên kịch Châu Thổ nghẹn lại.
Cuối đời, người đạo diễn tâm huyết ấy vẫn thao thức với những dự án mà ông còn ấp ủ. Ba năm trước, thời điểm phim Mỹ nhân Sài thành phát sóng, ngồi trò chuyện ở góc Tĩnh tâm cốc trong nhà ông, người viết cũng từng nghe ông bày tỏ có kịch bản rất hay về một nhân vật lịch sử mà ông rất muốn làm. Dù không khỏe như trước, nhưng tinh thần làm nghề của ông còn rất trẻ, như lời ông nói “ngọn lửa nghề luôn cháy mãi trong lòng, lúc nào còn sức lực thì vẫn còn làm phim”.
Lòng nhiệt tâm, hết mình với nghề của đạo diễn Lê Cung Bắc đã có từ những năm ông còn là diễn viên. Đạo diễn Trần Ngọc Phong nhớ lại, lúc anh làm phó đạo diễn phim Đằng sau một số phận (1989, đạo diễn Lê Hoàng Hoa) đã thấy một diễn viên Lê Cung Bắc dành trọn tâm sức cho vai diễn, đam mê và nghiêm túc với nghề.
Với ông, vai diễn/dự án nào nếu cảm thấy không thể làm đến nơi đến chốn thì sẽ không nhận. Còn một khi đã làm, thì có đổ bệnh cũng phải cố gắng chu toàn. Lúc làm phim Mỹ nhân Sài thành, ông đã không dưới bốn lần nhập viện, nhưng vừa khỏe là lại lao ra phim trường. Cho đến khi nằm xuống, điều đau đáu cũng chính là dự án tâm huyết còn dang dở…
Ở phim trường là người thầy, người anh, người bạn
Trong ký ức những người từng làm việc cùng đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc, dấu ấn sâu đậm về ông chính là hình ảnh một vị đạo diễn rất yêu nghề, luôn tâm huyết, tận tụy, làm phim nào cũng chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt là những thâm tình mà ông đã đối đãi với anh em đoàn phim, bạn bè, đồng nghiệp.
“Đối với diễn viên trẻ, chú như người cha, người thầy rèn giũa, chỉ dạy từng li từng tí. Đối với nghệ sĩ lão thành, chú lại có cách truyền đạt khác, rất trân trọng. Còn đối với đồng nghiệp, chú như một người bạn, có lúc như một người anh” - đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền chia sẻ.
Thời quay phim Người đẹp Tây Đô, gặp Phương Điền, đạo diễn Lê Cung Bắc thấy anh, nói: “Thằng này nhìn được” và cho anh đóng vai du kích trong phim. Vai diễn đầu tiên ấy chỉ có vài phân đoạn, nhưng sự động viên chăm chút của người đạo diễn - người thầy chính là động lực lớn cho Phương Điền tự tin đi tiếp với nghề.
Rồi khi chuyển vai trò, bộ phim đầu tiên anh làm phó đạo diễn là Cõi tình, cũng của đạo diễn Lê Cung Bắc. “Ở phim trường có chuyện gì làm chú giận dữ, chú chửi vài câu bằng… tiếng Pháp, để không ai hiểu. Chú luôn tạo không khí hòa nhã, vui vẻ cho đoàn phim. Điều khiến tôi luôn nể phục và học hỏi, chính là đạo diễn làm việc rất cẩn trọng, kỹ lưỡng, rất giỏi nghề nhưng luôn nghiêm túc lắng nghe góp ý của mọi người. Chú từng nói rằng, mình làm nghề, càng lớn thì càng nên biết lắng nghe. Ngoài phim trường hay trong cuộc sống đời thường, chú vẫn luôn khiêm cung như vậy” - đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhớ lại.
NSND Kim Xuân bộc bạch, điều khiến bà trân quý ở đạo diễn Lê Cung Bắc chính là cách ông chăm chút những gương mặt trẻ. Ông luôn đặt yêu cầu cao đối với diễn viên, cũng chính là mong muốn vai diễn sẽ làm bệ phóng cho tên tuổi của họ. Diễn viên nào đóng phim ông, cũng để lại dấu ấn sâu đậm cho sự nghiệp: Việt Trinh, Hồng Ánh… (phim Người đẹp Tây Đô), Võ Sông Hương, Kinh Quốc (phim Dòng đời), Jennifer Phạm, Quang Dũng (phim Những chiếc lá thời gian), Huỳnh Đông (phim Vó ngựa trời Nam), Dương Mỹ Linh, Ngân Khánh, Khánh My (phim Mỹ nhân Sài thành)… Và rất nhiều phim được trao những giải thưởng danh giá: Nhịp đập trái tim (giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam 1994), Không thể rẽ trái (huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1996), Duyên phận (huy chương bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2006), Vó ngựa trời Nam (giải Cánh diều bạc và giải thưởng Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất tại giải Cánh diều 2010…).
Trailer phim Mỹ nhân Sài thành:
“Sau này nghĩ lại, tôi hiểu vì sao Người đẹp Tây Đô hay những bộ phim của anh Lê Cung Bắc được làm ở thời điểm điều kiện, kinh phí còn thiếu thốn, nhưng lại hay đến vậy. Đó là vì có được một đạo diễn có tâm, có tầm, từ kiến thức sâu rộng đến thái độ làm nghề cẩn trọng, chỉn chu hết mực” - nhà văn Trầm Hương, tác giả tiểu thuyết Người đẹp Tây Đô nói. Chị nhớ hoài chi tiết hình ảnh con trâu ngơ ngác giữa hoang tàn khói lửa chiến tranh trên cánh đồng mà chị viết, đã được đạo diễn thể hiện thật đắt giá trên màn ảnh. Ngoài phim trường, ông chăm chút kỹ lưỡng bối cảnh, trang phục, thậm chí để ý đến cân nặng, đôi dép, màu son của diễn viên…
… Góc Tĩnh tâm cốc vẫn còn đó, nhưng giờ đã vắng một người mặc áo lam, chiều chiều đúng 18 giờ 30 phút lại thỉnh chuông, ngồi niệm chú câu: “Nguyện cho con luôn làm điều lành, tránh điều dữ, luôn giữ tâm mình trong sáng”.
Xin cúi đầu tiễn ông về với cõi trăm năm, rưng rưng nhớ buổi chiều còn được ngồi cùng ông bên bàn trà Phù Vân Các, đâu thể nào biết được rằng đó đã là cuộc gặp gỡ sau cùng…
Bùi Tiểu Quyên