Vĩnh biệt cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - làm lãnh đạo, phải đặc biệt quý trọng con người

10/08/2020 - 07:00

PNO - Chất liệu làm nên những trang viết của nhà văn, đó chính là trải nghiệm đời sống. Những bão táp dữ dội hay ám ảnh nhẹ nhõm, có thể từ bất cứ ai, điều gì, cũng đều là những hình hài rời rạc, để một ngày làm nên một đứa con hoàn chỉnh.


Với nhà văn Nguyễn Quang Hà, năm tháng theo suốt hành trình đời lính - trang văn, không ít lần hiện lên gương mặt gần gũi mà nghiêm khắc của thủ trưởng Phiêu - cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu qua bao lần gặp gỡ, từ chiến hào đẫm thuốc súng đến đời thường với những viên đạn vô hình, rằng đảng viên, người cầm bút phải luôn đi cùng Nhân dân chứ không thể khác, và phải biết yêu thương, quý trọng con người, bảo vệ lẽ phải…

 Đồi A Bia, nơi ghi dấu những trận đánh quả cảm của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 Lê Khả Phiêu vào tháng 5/1969
Đồi A Bia, nơi ghi dấu những trận đánh quả cảm của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 Lê Khả Phiêu vào tháng 5/1969

“Nếu không có nhân dân, chúng ta làm được gì?”

Khóe mắt nhà văn 84 tuổi đỏ hoe: “Có một chuyện mà cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu luôn nhắc nhở bác từ lúc ông còn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 đến lúc ông làm Tổng bí thư rồi nghỉ hưu, đó là: trong thời bình hay thời chiến, muốn làm bất cứ điều gì, để được thành công, các chú phải nhớ dựa vào nhân dân, không được phản bội họ. Nhân dân là thành trì vững chắc, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh nhân dân”. 

Vào những năm 1968, 1969, mặt trận Huế rất ác liệt. Tại TP. Huế, sau tết Mậu Thân 1968, lực lượng của ta bị tổn thất nặng nề, cả Thành đội Huế bí mật lên nhánh Hữu Trạch ở thượng nguồn sông Hương xây dựng lại cơ sở cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên, nhà văn Nguyễn Quang Hà được bổ nhiệm làm trợ lý cho đại tá Thân Trọng Một - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhờ làm thư ký cho đại tá Thân Trọng Một, nhà văn Nguyễn Quang Hà được gặp ông Lê Khả Phiêu thường xuyên.

“Lần nào đi công tác, anh Phiêu cũng căn dặn bác rằng “em là lính đặc công, em phải dũng cảm, nếu không dũng cảm thì không làm được gì cả. Nhưng đã dũng cảm rồi, còn phải có người giúp mình. Khi đánh nhau để chiến thắng, người giúp mình tích cực nhất chính là nhân dân”.

Cùng thời điểm đó, ông Lê Khả Phiêu yêu cầu Thành đội Huế phải khẩn trương xây dựng được phong trào cách mạng ngay trong lòng địch, bám vào dân để đẩy lùi quân địch, mới giữ được Huế. Ngay tại mặt trận Huế, nhiều kế sách do ông Lê Khả Phiêu vạch ra kết hợp với Thành đội Huế đã giúp quân dân ta giành lại thế trận và xây dựng lại phong trào cách mạng sau tết Mậu Thân 1968.

Cho đến sau này, những người nghiên cứu lịch sử chiến tranh không thể không biết đến tên tuổi Lê Khả Phiêu. Vào giai đoạn đó, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 6 Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo chiến đấu 25 ngày đêm ác liệt giữa kinh thành Huế. 

“Năm 2008, tại cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 40 năm chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, mở đầu cuộc trò chuyện dài về sự kiện lịch sử này, ông Lê Khả Phiêu đã tâm sự với anh em chúng tôi: “Điều lớn nhất trong đời tôi học được là phải gắn bó rất chặt chẽ với nhân dân. Những người hoạt động cách mạng, các bậc tiền bối cũng sống trong lòng nhân dân, được dân bảo vệ, che chở nên mới tồn tại được. Tôi đi bộ đội từ năm 17 tuổi, vào chiến trường, tham gia đội quân chủ lực. Từ trên rừng núi xuống đồng bằng, khi địch đi càn, người dân đưa tôi xuống hầm, bảo vệ tôi. Sống với dân như là máu thịt, tôi không bao giờ quên điều này".  

Ủng hộ đấu tranh chống tiêu cực để bảo vệ Đảng

Giọng nhà văn già trở nên sôi nổi: “Có một kỷ niệm giữa bác và thủ trưởng Lê Khả Phiêu mà đến nay rất ít người được biết. Đó là chuyện thủ trưởng Lê Khả Phiêu đã bí mật, âm thầm giúp đỡ bác cùng các đồng chí, đồng đội củng cố chứng cứ, hồ sơ để chứng minh việc xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Hồ Xuân Mãn (thời điểm đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) vào ngày 21/8/2010 là thiếu căn cứ. 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM
Nhà văn Nguyễn Quang Hà trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM

Vào đầu năm 2011, khi bắt tay điều tra việc xét tặng danh hiệu anh hùng cho ông Hồ Xuân Mãn, chỉ còn lại mấy anh em cựu chiến binh huyện Phong Điền và cán bộ hưu trí ủng hộ chúng tôi. Vào thời điểm đó, tất cả mọi sở, ban, ngành ở tỉnh Thừa Thiên - Huế như những ngả đường bít kín.

Ngay cả Ban Thi đua Khen thưởng của tỉnh cũng chỉ có một bộ hồ sơ ghi bên ngoài là “Hồ sơ xét phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Xuân Mãn”, nhưng khi chúng tôi xin photo các giấy tờ liên quan thì điều kỳ lạ là bên trong không có bất kỳ một tờ giấy nào. 

Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, anh Phiêu đã giới thiệu tôi đến Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương để được cung cấp hồ sơ. Sau khi xem xong 230 lá đơn, thư của cựu chiến binh tố cáo ông Hồ Xuân Mãn khai man thành tích, cướp công đồng đội để được xét tặng danh hiệu anh hùng, anh Lê Khả Phiêu đã nhắc nhở tôi rất kỹ: “Chú viết chống tiêu cực người trong Đảng là phải chấp nhận sự hy sinh. Phải viết cho đàng hoàng, chuẩn xác, không thể sai được, nhất là phải kỹ về tư liệu. Làm nhà báo là phải chuẩn xác, đầy đủ tư liệu”. 

Sau khi nắm thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận về trường hợp ông Hồ Xuân Mãn, đề nghị hủy quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Mãn, từ nhà riêng, anh Lê Khả Phiêu đã điện thoại vào nhắc nhở bác: “Em phải làm như vậy để những người quan tham không còn háo danh, những người tham nhũng không còn tiếp tục tham nhũng nữa, để trả công bằng, sự thật cho nhân dân”.

Sống giản dị, thủy chung với đồng đội

Giọng nhà văn tuổi 84 bùi ngùi: “Hồi còn sức khỏe, năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết, anh Lê Khả Phiêu lại điện thoại thăm hỏi rất chân tình. Đặc biệt, khi bác đang ấp ủ viết cuốn sách Thân Trọng Một - con người huyền thoại, anh Lê Khả Phiêu đã vui vẻ nhận viết lời bình.

Bút tích của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi viết lời đề từ cho quyển sách của nhà văn Nguyễn Quang Hà viết về đại tá Thân Trọng Một
Bút tích của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi viết lời đề từ cho quyển sách của nhà văn Nguyễn Quang Hà viết về đại tá Thân Trọng Một

Khi Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành quyển sách (năm 2003), bác luôn trân quý, giữ nguyên nét chữ của anh Phiêu lên đầu tập sách của mình. Anh Phiêu viết: “Đồng chí Thân Trọng Một là một cán bộ chỉ huy quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang tiêu biểu cho việc tổ chức thực hiện xuất sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta ở chiến trường Trị Thiên - Huế”. 

Sau này, khi có thời gian gặp nhau nhiều lần hơn, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã xin phép thủ trưởng Lê Khả Phiêu để viết một cuốn hồi ký những ngày ông Phiêu chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, nhưng ông từ chối ngay: “Anh không cần tự vỗ ngực mình. Làm lãnh đạo, phải có hai điều quan trọng, thứ nhất là tài năng, thứ hai là phải có triết lý sâu. Điều này phải xuất phát từ việc học và tự học, đặc biệt là phải biết quý trọng con người”.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Hà, dù ở bất cứ cương vị nào, ông Lê Khả Phiêu cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, đưa ra những lời dặn dò để thế hệ đi sau phấn đấu và điều chỉnh mình. Dù sau này tuổi cao, bệnh nặng, ông Lê Khả Phiêu vẫn rất quan tâm đến vận mệnh của đất nước, dân tộc.

“Điều mà anh Lê Khả Phiêu trăn trở lớn nhất là sự suy thoái trong Đảng. Vì vậy, đây là vấn đề mà trong suốt nhiệm kỳ của mình, anh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để đóng góp ý kiến. Cho đến những giây phút cuối đời, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vẫn một lòng vì nước, vì dân”. 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI