Vĩnh biệt 135 năm nhà thờ Bùi Chu

20/07/2020 - 06:58

PNO - Chiếc cần cẩu ròng rọc chao lên chao xuống, chuyển những viên ngói cuối cùng của nhà thờ Bùi Chu (H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định) ra khỏi địa vực 135 năm của nó.

Sảnh thánh đường ngổn ngang nền gạch hoa cương bị đập vỡ lởm chởm. Để cho kịp tiến độ tháng Tám này, những cột gỗ lim vững chãi, những trần/tường/nền nhà đượm phong cách kiến trúc Baroque lẫn kiến trúc bản địa, những tòa tháp tráng lệ của ngôi thánh đường… chẳng mấy chốc, cũng sẽ được “bứng” ra khỏi cái lịch sử đó.

Dù theo lời linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu, một nhà thờ Bùi Chu mới có kiến trúc giống nhà thờ cũ, sẽ được xây dựng lên, ngay trên nền đất cũ. Nhưng có một điều không thể chối bỏ ở đây: cái công trình mang hơi ấm “đã cùng người dân địa phương bước qua bao khổ hạnh và cứu chuộc”… vĩnh viễn không còn nữa. 

Được xây dựng từ năm 1884, nhà thờ Bùi Chu đã trải qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Tháng 5/2019, trước thông tin “cái nôi” của Công giáo Việt Nam sắp bị dỡ đi, hơn 20 kiến trúc sư đã gửi đơn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị can thiệp giữ lại. Sau đó, có không ít phương án được đưa ra, từ phía các kiến trúc sư lẫn các đơn vị tham mưu của Bộ VH-TT-DL. Thậm chí, tháng Năm vừa qua, tiến sĩ Martin Rama - người khởi xướng và dẫn dắt chiến dịch bảo vệ nhà thờ Bùi Chu một năm qua còn cố gắng đưa ra một giải pháp mang tính xây dựng. Thế nhưng, mọi nỗ lực đều… bị vô hiệu.

Dẫn đến kết cục đó, lỗi không nằm ở những người đứng đầu giáo phận hay người dân giáo phận Bùi Chu. Là chủ thể của công trình văn hóa hơn 130 năm (nay đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp) đó, họ không thể tiếp tục tham gia phụng vụ trong “chiếc vòng kim cô di sản” mang tên nhà thờ Bùi Chu 135 năm khi mà Luật Di sản văn hóa “ngó lơ” họ. Trùng tu cải tạo hay phá dỡ, xây mới? Ở cái ngã rẽ đó, họ đã chọn phá dỡ… 

Nhà thờ Bùi Chu
Nhà thờ Bùi Chu - di sản 135 năm đã  bị  Luật Di sản văn hóa “ngó lơ”

Thế nhưng, trước khi bàn thờ, bàn ghế, nội thất được đưa đi hồi tháng Hai và những viên ngói bị dỡ ra, những viên gạch hoa cương bị đập bỏ vài ngày trước, đã có vài “khoảng đệm đối thoại” được tạo ra giữa một bên là chủ thể văn hóa và một bên là những người làm văn hóa, cụ thể ở đây là Bộ VH-TT-DL, ngành văn hóa tỉnh Nam Định.

Thế nhưng, cuộc đối thoại đó bất thành. Vì thế, mới có cảnh tháo dỡ ngày hôm nay. Vì thế, mới có thêm một di sản bị “khai tử” bởi chính sự bảo vệ yếu ớt của ngành văn hóa.

Đậu Dung 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI