Nằm cách nội thành của TP.HCM khoảng 40km, giá đất ở các khu vực lân cận dự án Công viên Sài Gòn Safari (thuộc 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) hiện từ 7-12 triệu đồng/m.
Ăn theo dự án, giá đất lên đến 350 triệu đồng/mét ngang
Chị Trần Mai L., một môi giới ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM đang rao bán mảnh đất diện tích 10x42m mặt tiền đường Nguyễn Thị Rành, trên đất có nhà đang bán tạp hóa, với giá 3,5 tỷ đồng. Tính ra một mét ngang đất ở đây có giá đến 350 triệu đồng.
Chị L. cho biết ở Củ Chi vẫn đang “sốt” đất. Như mảnh đất này, chủ mua với giá 3,2 tỷ đồng trước Tết Nguyên đán và giờ thì bán với giá 3,5 tỷ đồng.
Theo lời của môi giới này, giao dịch đất ở Củ Chi vẫn tăng đều đều. Theo chị, sở dĩ mảnh đất này có giá như vậy vì chỉ cách khoảng 500m tới dự án Công viên Sài Gòn Safari do Tập đoàn Vingroup đầu tư.
|
Một tin rao bán đất ở xã An Nhơn Tây, Củ Chi ăn theo dự án Công viên Sài Gòn Safari |
Tương tự, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất ở khu vực các xã An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông hay Phạm Văn Cội cũng đang được rao bán với giá giao động trong khoàng từ 7 đến 12 triệu đồng/m.
Ở khu vực này, các công ty bất động sản thu gom đất của dân rồi chia thành khoảng 10-20 lô nhỏ để bán.
Nguyễn Thị T. - môi giới của Công ty V.A. - vẫn chào mời: “Anh nên mua đất của em vì chỉ cách 2 dự án của Vingroup là công viên Sài Gòn Safari và khu nông nghiệp VinEco có vài trăm mét. Đến tháng 6, khi VinEco khởi công xây khu dân cư (?) thì giá đất sẽ còn tăng thêm từ 100-150 triệu đồng".
Giá hiện tại công ty này đưa ra 750-900 triệu đồng/lô diện tích 135 m.
|
Công viên Sài Gòn Safari hiện nay vắng lặng trong hoang hóa vì thiếu nhà đầu tư. Ảnh: Trung Kiên |
Cánh "cò" cho hay, có khách chỉ cần sau một tháng "lướt sóng" đã lời 80 triệu đồng. Người này còn nhấn nhá khi giới thiệu các khu đất nằm trên đường Phạm Thị Nhàn: "Chỉ cần đi thẳng là vào cổng sau của Công viên Sài Gòn Safari à".
Kiến trúc sư Phạm Quốc Lâm - từng là chuyên viên Phòng Quản lý đô thị Q.Tân Bình, TP.HCM, để phân biệt được đâu là sốt thật hay ảo, nhà đầu tư phải tỉnh táo, xuống tận nơi xem xét.
"Nên chú ý đến nhu cầu thật, khu dân cư ổn định, pháp lý và quy hoạch rõ ràng. Nhiều thông tin sốt đất này nọ có khi chỉ là ảo do môi giới thổi phồng. Một trong những căn cứ để xác định nhu cầu thật hay không là ở độ khan hiếm của đất ở khu vực đó", ông nói.
Theo ông Lâm, trước đây nhiều người đã phải ôm hận khi mua đất đón đầu dự án như ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay Mỹ Phước (Bình Dương).
Nếu thật sự có chủ đầu tư lớn về thực hiện dự án thì khu vực đó đúng là sẽ phát triển. Nhưng ngược lại, có thể khiến tình hình khu vực đó đóng băng.
Nếu mua đón đầu quy hoạch, chỉ nên mua khi dự án đó được duyệt quy hoạch và bắt đầu triển khai. Từ lúc triển khai đến khi hoàn thành, thường cũng mất một thời gian dài, vẫn đủ để sinh lời.
Sau 23 năm, dự án "trở ngược" vào danh sách kêu gọi đầu tư
Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư, có chủ trương xây dựng từ năm 1996.
Mục tiêu của TP.HCM là xây dựng một công viên du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam.
Tháng 12/2004, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đấu thầu rộng rãi để chọn tư vấn nước ngoài và thuê chuyên gia nước ngoài để quản lý dự án.
Mãi đến năm 2017, UBND TP.HCM mới phê duyệt đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari tại xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi).
Theo đó, tổng diện tích khu vực quy hoạch toàn khu là hơn 456 ha. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Công ty Cổ phần Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup). Đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch là Công ty Cổ phần Inno.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa được thực hiện do còn 16 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa giao đất và khiếu nại.
Và diễn biến mới nhất như Báo Phụ Nữ đã , khi tiếp xúc với các nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư TP.HCM tuần qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP - đã cho biết, Tập đoàn Vingroup rút khỏi dự án Công viên Sài Gòn Safari. Như vậy, dự án lại "trở ngược" vào danh sách 210 dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, việc một tập đoàn cùng lúc thực hiện nhiều dự án quá lớn thì việc họ xác định cần tập trung vào dự án nào và xin giảm dự án nào là chuyện bình thường của nhà đầu tư.
|
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA |
"Riêng dự án Công viên Sài Gòn Safari là quy hoạch của thành phố, thuộc dạng tiện ích của đô thị, cung cấp dịch vụ nằm trong lĩnh vực du lịch. Không có nhà đầu tư này thì sau cũng sẽ có nhà đầu tư khác", ông Châu nhận định.
Chỉ có điều, theo ông, việc một tập đoàn lớn rút lui luôn là điều đáng tiếc cho dự án nói riêng và địa bàn huyện Củ Chi nói chung.
"Nếu được sớm thực hiện, dự án sẽ tạo thêm một điểm du lịch cho TP.HCM cũng như làm gia tăng thêm giá trị cho huyện Củ Chi. Việc rút khỏi dự án dĩ nhiên làm tiến trình này chậm đi đáng kể. Tuy nhiên, theo tôi, điều này không tác động gì nhiều đến thị trường bất động sản”, Chủ tịch HoREA nói.
Hiếu Nguyễn