Theo báo cáo của Vinacomin được đưa ra tại họp báo, Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và Dự án Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng đã hoàn thành Nhà máy tuyển quặng, Nhà máy alumina.
Công trường xây dựng nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ. Lắp đặt các bồn kết tinh
Đến nay đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite (tính đến tháng 4/2013). Tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỷ đồng.
Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa Nhà máy alumina vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.
Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỷ đồng (đến tháng 4/2013), trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỷ đồng. Dự án này bao gồm Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy alumin Nhân Cơ. Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite.
Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào năm 2014.
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn của Vinacomin về các dự án bauxite, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh cung cấp thông tin giải đáp những vấn đề báo chí quan tâm về hai dự án trên.
Hiệu quả kinh tế: Dự báo khả thi
Tại buổi họp, giới báo chí tiếp tục đặt vấn đề quan tâm đến tính hiệu quả kinh tế, vấn đề an toàn môi trường và những tác động kinh tế xung quanh các dự án.
Quặng bauxite tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy tuyển quặng bauxite phục vụ cho nhà máy alumina Nhân Cơ
Vinacomin cho biết đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án. Kết quả cho thấy dự án đều có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp NS Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Nhân Cơ là 13 năm. Hàng năm, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 850 tỷ đồng.
Dự án còn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể: tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, phát triển dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, tạo tiền đề xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nhôm ổn định và bền vững trong tương lai.
Công nghệ của 2 Nhà máy được khẳng định sản xuất alumin bằng phương pháp thủy luyện là công nghệ tiên tiến và phổ biến trên thế giới đang áp dụng, xuất xứ từ châu Mỹ. Theo thông tin có 26/27 nhà máy kể cả ở những nơi như Úc đang sử dụng phương pháp khai thác, sản xuất này.
Hiện tại, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với Công ty Marubenin (Nhật Bản) và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty của Thụy sỹ, Hàn Quốc, Anh, Malaysia,… cũng bày tỏ quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. Tập đoàn cho biết việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án này là hoàn toàn khả thi.
Bùn thải khô, trên mức an toàn
Một vấn đề được báo chí quan tâm là bảo đảm an toàn môi trường. Theo Vinacomin, với công nghệ khai thác hiện nay, sẽ tốt cho môi trường cây trồng sau khi hoàn nguyên. Còn về hồ bùn đỏ, công nghệ thải sẽ làm bùn “khô tự nhiên” và sẽ không thể xảy ra nguy cơ vỡ đập như lo ngại trước đây. Các chuyên gia đánh giá thiết kế khu vực hồ là trên mức an toàn so với yêu cầu.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất alumina Tân Rai, Lâm Đồng nhìn từ khu bùn đỏ
Bùn đỏ của các dự án tại Tây Nguyên cũng là loại dễ xử lý hơn thông thường, thậm chí có nhiều nghiên cứu xử lý thu được sắt, xút. Nguồn nước đã được dự trù cung cấp ổn định và tin cậy cho 2 dự án.
Vinacomin cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức cho giới báo chí có thể đi kiểm tra thực địa để kiểm chứng những thông tin khẳng định trong buổi họp báo.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Chỉnh, Người phát ngôn của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam về các dự án bauxite chủ trì họp báo.
Phần hỏi và trả lời
*Từ Nguyên, báo Vietnam Economy:
1.Trong tài liệu có đề cập Vinacomin thuê lại nhà tư vấn thẩm định lại tổng vốn đầu tư, tổng mức sau khi tính toán lại là bao nhiêu?
2.Cũng trong tài liệu chưa thấy Vinacomin đề cập công nghệ sử dụng của 2 dự án, vừa qua có thông tin công nghệ sử dụng như phần lớn các dự án trên thế giới, xin hỏi đây là công nghệ thế kỷ 21 hay 20?
Trả lời: 1.Về thuê tư vấn thẩm định trong những lần tính hiệu quả của dự án Nhân Cơ, Vinacomin có thuê Viện Kinh tế xây dựng để thẩm định từ tổng mức đầu tư và hiệu quả, đối với dự án Tân Rai (Lâm Đồng) thì thuê tư vấn Công ty Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp xem xét hiệu quả.
Trong tổng mức đầu tư, xin nói sơ bộ, đối với Tân Rai tổng mức đầu tư tăng khoảng 31%, trong đó 73% tăng do nhiều nguyên nhân như: tỷ giá, tăng lãi vay đầu tư, giải phóng mặt bằng và một số điều chỉnh hạng mục công trình như hồ bùn đỏ, đập làm tăng chi phí đầu tư; còn nguyên nhân chủ quan chiếm khoảng 20-30%. Nói chung hai dự án tăng tổng mức vốn đầu tư với tỷ lệ tương tự, nhưng nếu quy về USD không tính về tỷ giá thì tỷ lệ tăng tổng mức đầu tư giảm đi.
2. Về công nghệ sử dụng, trước đến nay chúng ta chưa rõ sử dụng công nghệ nào, như giải thích thì công nghệ chúng ta đã áp dụng đang thịnh hành là sản xuất alumin bằng phương pháp thủy nhiệt (BE), tách bauxite ở nhiệt độ 140-145 độ C trong độ kiềm thấp. Theo thống kê, hiện thế giới có 27 nhà máy (thời điểm cập nhật thống kê) xử lý alumin thì có 26 nhà máy sử dụng công nghệ tương tự ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Cận cảnh bùn đỏ trong khu thải bùn đỏ sau khi thải khoảng 10 - 12 ngày đã đóng rắn tại khu thải bùn đỏ, nhà máy alumina Tân Rai
*Báo SGGP: Tranh cãi nhiều nhất là hiệu quả của 2 dự án, ông có thể đưa ra bức tranh chi tiết về hiệu quả tài chính của 2 dự án, thứ nhất là thuế, phí cho ngân sách; thứ hai về doanh thu của doanh nghiệp. Nếu hiệu quả dự án không được như dự toán thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
-Trả lời: Hiện nay, tất cả luật liên quan đến thuế, phí, và chính sách của nhà nước thì chúng tôi đều tính đầy đủ trong các tính toán liên quan đến hiệu quả của dự án. Mức thuế tài nguyên được chúng tôi tính theo quy định của địa phương, thuế môi trường theo quy định của nhà nước, ngoài ra phí chuyển quyền cấp phép khai thác cũng được tính, kể cả đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã được tính.
Về giá cả, có 2 phương pháp tính. Thứ nhất là tính theo biến động có lạm phát; thứ hai là tính giá cố định theo dự báo giá. Vinacomin dự báo giá của hai dự án trên cơ sở những dự báo tăng trưởng nhu cầu thế giới về nhôm, Alumin, trên cơ sở đó chỉ tính giá cả có phần cố định chứ không tính đến biến động lạm phát. Còn trách nhiệm, đã làm dự án mà không hiệu quả thì Vinacomin chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước.
Những năm đầu, dự án lỗ vì một số nguyên nhân: do khấu hao tính đủ, lãi vay thời kỳ đầu, nền kinh tế đang suy giảm, xuất phát điểm giá bán thấp… vì vậy dự án bị lỗ, nhưng sau này khi giá tăng lên thì dự án sẽ có lãi.
*Vinacomin có tính toán rõ thời gian lỗ sẽ kéo dài bao nhiêu năm, sau bao nhiêu năm thì có lãi?
-Trả lời: Nếu không nhầm thì dự án lỗ trong khoảng 3-5 năm đầu.
*Thế Dũng, báo Người Lao động:
1. Hiện thuế xuất khẩu quặng nhôm 15-40%, hiện thuế xuất khẩu quặng nhôm của Vinacomin là bao nhiêu?
2. Liên quan đến Nhân Cơ đã đầu tư 6.000 tỷ đồng, với 50% hạng mục đã được thi công nhưng sau khi dừng cảng Kê Gà thì sẽ phải vận chuyển sản phẩm di chuyển xa hơn (260 km), như vậy không đảm bảo hiệu quả kinh tế, vậy có nên tính toán dựa trên số liệu này không, hiệu quả số tiền đầu tư sẽ được tính toán như thế nào?
-Trả lời: Mức thuế xuất khẩu hiện, Vinacomin đang được Nhà nước cho hưởng mức thuế xuất khẩu 0% nhưng chắc chắn khi giá tiêu thụ phục hồi thì mức thuế xuất khẩu quặng nhôm sẽ tăng lên chứ không thể giữ mãi mức thuế suất 0% được.
Việc dừng cảng Kê Gà, chúng tôi cho rằng là hợp lý, không ảnh hưởng đến dự án Nhân Cơ, vì nếu chỉ phục vụ cho 2 dự án thì lưu lượng hàng hóa quá nhỏ, nên kém hiệu quả.
Về phần liên quan đến vận tải do chủ trương Vinacomin là thuê, và tính đủ kinh phí vận tải vào trong hiệu quả dự án. Còn việc dừng dự án Nhân Cơ thì đây là vấn đề lớn, một câu trả lời không thể trả lời hết. Nhưng đứng trên góc độ doanh nghiệp, chủ đầu tư thì chúng tôi cũng cần xem xét nếu dừng thì được lợi gì, hại ra sao, giải quyết hậu quả ra sao. Một nhà đầu tư bỏ tiền ra, công trình thì đang nằm ngổn ngang, những hậu quả như vậy ai tính. Khi có những đề xuất tạm dừng dự án thì chúng tôi cũng muốn lắng nghe những đề xuất giải quyết hậu quả nếu tạm dừng dự án.
Là doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về hiệu quả kinh tế của dự án. Còn về dự án thì chúng tôi cho rằng dự án vẫn hiệu quả.
Sản phẩm của nhà máy alumina Tân Rai trong quá trình chạy thử
*Nghĩa Nhân, báo Pháp luật TP HCM: Vinacomin khẳng định dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường, xã hội, nhưng thời gian qua các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cho rằng theo báo cáo mới nhất mỗi dự án chênh 3.500 tỷ đồng, đây là điểm đang băn khoăn. Thứ hai về giao thông thì dự án cảng Kê Gà dừng, đây là một sai lầm của Vianacomin. Thứ ba, thì việc hoàn thổ rất khó khăn, kinh nghiệm nhà máy hóa chất ở Lâm đồng sau 30 năm hoàn thổ lại thì liệu có tính đến điều này không. Việc giảm chi phí giải phóng mặt bằng đền bù cho người dân của Vinacomin liệu có phải là đang đổ cái khó cho người dân hay không. Vậy liệu dự án có đảm bảo hiệu quả kinh tế và Vinacomin có phản biện nào lại các ý kiến chuyên gia?
-Trả lời: Việc đền bù giải phóng mặt bằng thì Vinacomin tuân thủ theo chế độ chính sách hiện tại, mức giá bao nhiêu thì chúng tôi đã đền bù đủ, đúng với quy định. Liên quan đến việc hoàn thổ thì ở đây có đặc thù, trong phần liên quan đến hoàn nguyên môi trường thì việc chia từng ô khai thác, lấy quặng xong rồi thì hoàn nguyên, và chúng tôi dự kiến chỉ sau 3 năm là hoàn nguyên được.
Chúng tôi tôn trọng các ý kiến của các chuyên gia, nhưng TKV mong muốn chúng ta ngồi lại với nhau, Bộ Công Thương có thể mời các chuyên gia có thẩm quyền ngồi lại với nhau thẩm định trên cơ sở thực tế, cơ sở dữ liệu đầy đủ chứ không chỉ dựa vào một vài dữ liệu.
Về dừng cảng Kê Gà, thì trước kia theo quy hoạch năm 2007 thì việc xây dựng cảng này được xem xét nhưng hiện do chúng ta điều chỉnh theo quy hoạch nên việc xem xét làm cảng này cần chờ phê duyệt quy hoạch, và xem xét làm như thế nào, thời điểm kinh tế nào cho phù hợp.
*Mai Hương, báo Nông thôn Ngày nay: Ông có nói TKV đã từng tính toán xem xét dừng dự án nhưng thiệt hại quá lớn nên không dám dừng, vậy ông có thể cho biết cụ thể những số liệu về những thiệt hại nếu dừng dự án?
-Trả lời: Chúng tôi đã từng tính toán xem xét và thấy tiếp tục làm thì tốt hơn là dừng. Còn về số liệu tính toán cụ thể thì chúng tôi đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, và con số này không được phép công bố công khai.
*Tố Như, báo Nông nghiệp Việt Nam: Ông có nói nếu dự án không hiệu quả thì trách nhiệm là Vinacomin, xin cho hỏi cụ thể là những người nào?
-Trả lời: Trong sản xuất kinh doanh, liên quan đến dự án thì chịu trách nhiệm là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn.
*Đài Tiếng nói Việt Nam: Hiệu quả về kinh tế thì Vinacomin mới chỉ nói về hiệu quả tài chính, hiệu quả xã hội như tạo việc làm, đào tạo nghề... chưa được nói đến, xin ông cho biết cụ thể hơn?
-Trả lời: Con số chi tiết cụ thể xin gửi bạn sau, nhưng tổng thể ở vùng dự án so với trước đây đã thay đổi nhiều về cảnh quan, đô thị, dân số phát triển, thúc đẩy kinh tế địa phương lên. TKV chủ trương sử dụng lao động tại chỗ, nếu thiếu mới bổ sung nguồn lao động bên ngoài.
Ngoài ra, việc tạo các cơ sở hạ tầng, cũng như làm nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với địa phương về phát triển kinh tế xã hội của địa phương Vinacomin đều thực hiện đầy đủ.
*Công nghệ khí hóa than cách đây 2 thập kỷ, công nghệ có liên quan đến nhà sản xuất Trung Quốc thì chất lượng có đảm bảo?
-Trả lời: Hệ thống khí hóa than là công nghệ tiên tiến được xây dựng trên hệ thống buồng đốt quay, sử dụng hệ thống thu hồi nhiệt, làm sạch khí bằng phương pháp tháp đôi, bột tĩnh điện, sử dụng hệ thống lập trình tiên tiến, đo lượng khí xả thải môi trường… Sử dụng than cả than xấu và than tốt… Công nghệ khí hóa than được sử dụng từ năm 1960 nhưng tương tự như công nghệ BE sử dụng không thể khẳng định là lạc hậu được. Nếu bạn có nhu cầu thì chúng tôi có thể cung cấp số liệu cụ thể cho các bạn.
*Việc thử nghiệm cùng một công nghệ, cùng một nhà thầu là sai quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là làm từng bước một?
-Trả lời: Theo chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương thì Vianacomin thử nghiệm hai dự án chứ từng bước không có nghĩa là làm từng dự án một.
*Quang Nam, báo Khoa học và Đời sống: Khi triển khai dự án chú ý đến bùn đỏ, bùn thải quặng đuôi không lắng, ông giải thích ra sao về vấn đề này. Khâu hoàn thổ được triển khai ra sao?
-Trả lời: Việc tuyển quặng do chúng ta có chủ trương nội địa hóa chứ không thuê của nước ngoài, và thời kỳ đầu do thiết kế chưa phù hợp nên có tình trạng trên, và sau khi xem xét xử lý thay thế chất chặn lắng phù hợp thì không có vấn đề gì, nước thải ra là nước trong. Quặng khai thác thì được đưa vào tập trung, khi từng lô khai thác đến đâu thì chúng tôi tiến hành hoàn thổ luôn.
*Ngọc Lan, Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Trong báo cáo mới nhất 3/2013 đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, chỉ số IRR đã thấp hơn so với năm 2009, tổng mức đầu tư tăng cho cả 2 dự án, vậy lợi nhuận tăng thế nào, làm thế nào đảm bảo hiệu quả kinh tế. Chi phí phục hồi môi trường và các dự án cải tạo đã được tính chưa?
-Trả lời: Về hiệu quả kinh tế, tương đối sâu về các chỉ tiêu. Trước hết, trong phương án cuối cùng khi phân tích và đánh giá hiệu quả mà Tập đoàn vừa đưa ra hội thảo cũng như báo cáo Bộ Công Thương, phương án này tất cả các phí hoàn nguyên và liên quan, kể cả chi phí Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến chuyển nhượng quyền khai thác mỏ, chúng tôi cũng đưa vào. Các chi phí đã tính đủ, kể cả chi phí hoàn nguyên, phí môi trường dù cao cũng tính đủ.
Liên quan tới hiệu quả, tôi khẳng định, chúng tôi tính hiệu quả trên 30 năm, và hiệu quả dự án được tính rất chi tiết và rất nhiều thông số, từ dự án mỏ đến nhà máy alumin và tất cả các thông số dự báo. Về dự báo, chúng tôi xem xét và đi đến kết luận, khẳng định dự án có hiệu quả.
Tại sao có hiệu quả, xin đưa 3 thông số cơ bản nhìn nhanh. Thứ nhất, đối với hiệu qủa kinh tế, trong đó phần thuế, tất cả các chính sách thuế đều được tính. Thứ 2, hiệu quả về tài chính, trừ tất cả thuế phí, phần còn lại, hiệu quả đang thấp hơn so với mong đợi nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ chiết khấu bình quân so với vốn vay trên thị trường vốn. Thứ 3, chỉ tiêu thời gian hoàn vốn giản đơn, chúng tôi xác định khoảng 12 năm đối với Lâm Đồng và 13 năm đối với Nhân Cơ.
Về tính thời gian thu hồi vốn giản đơn thì không có chiết khấu.
Bể lắng tại nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, đến cuối tháng 4/2013, bùn thải quặng đã đạt được độ lắng theo thiết kế
*Lan Hoa - Khoa học đời sống:
1/ Tập đoàn đã đưa chi phí ảnh hưởng môi trường xã hội, giao thông vận tải vào chưa? Đây là ảnh hưởng lâu dài.
2/ Thực trạng ký hợp đồng bao tiêu của Tân Rai đến đâu, ai mua, giá thế nào ?
3/ Đề nghị làm rõ giá sản phẩm, đây là giá ở cổng nhà máy hay cảng?
-Trả lời: Liên quan tới vận tải, chúng tôi không đầu tư phương tiện vận tải, vận tải trên đường chở alumin, chúng tôi chỉ đầu tư vận tải nội bộ trong nhà máy, còn vận tải ngoài xã hội hóa thì thuê các doanh nghiệp.
Do đó, chi phí tính trong dự án là tính chi phí thuê, còn vận tải là trách nhiệm của bên vận tải, họ chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông… Về bao tiêu sản phẩm, xin thông báo sản phẩm hiện nay chưa phải sản phẩm thương mại, mới là thử nghiệm, vì thế, trong hợp đồng thương mại ký kết, … Tập đoàn ký 2 hợp đồng dài hạn bao tiêu sản phẩm với Marubeni và công ty Nhôm Vân Nam của Trung Quốc. Còn hiện nay, phần alumin, là sản phẩm thử nghiệm, mặc dù thử nghiệm nhưng cũng chuẩn bị đưa vào tiêu thụ. Đến tháng 4/2013, sản xuất thử nghiệm 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrat.
Hiện đang triển khai tiêu thụ sản phẩm chạy thử, đã ký bán cho 8 khách hàng , 6 khách hàng trong nước 5.200 tấn alumin và 8670 tấn hydrat, 2 khách nước ngoài dự kiến trong tháng 5 là 15.500 tấn alumin và 30.000 tấn alumin. Hiện, ngày 12,13,15/5 đã có những chuyến hàng vận chuyển cập cảng.
Về giá, bạn cũng cần thông cảm, đây là bí mật kinh doanh, không được phép công bố thời điểm này, công bố bất lợi cho doanh nghiệp trong đàm phán với khách hàng.
*Báo Đại biểu nhân dân: Trong việc thực hiện dự án, vấn đề cần quan tâm là đảm bảo an toàn môi trường. Việc này dư luận đặc biệt quan tâm, xin anh xác định công nghệ hiện nay có đảm bảo an toàn cho vấn đề môi trường hay không? Trong báo cáo, một ý nghĩa là tính kéo theo kinh tế xã hội của 2 dự án đối với Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, trong báo cáo đánh giá dự án đã và đang đóng góp cho phát triển của Lâm Đồng, Đăk Nông, vậy xin nói rõ hơn, dự án đã và đang góp sức những gì, cụ thể như thế nào?
-Trả lời: Trước hết, về môi trường, đây là vấn đề rộng. Tôi xin nói cụ thể, thứ nhất là khai thác, thì chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại, công nghệ ở đây rất đơn giản, phần đất đã lấy alumin trả lại cho phát triển cây trồng, khi ta lấy phần quặng này đi, sau đó phục hồi lại, trồng cây chỉ có tốt hơn.
Đối với nhà máy tuyển, chúng ta không thải ra gì ảnh hưởng tới môi trường, xử lý có hồ quặng đuôi xử lý nước trong không ảnh hưởng gì tới môi trường.
Về an toàn của nhà máy, tôi khẳng định, trước kia có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, thì nhiều người nghĩ ta cũng thải bùn đỏ tương tự như thế. Với phần liên quan tới hồ bùn đỏ, công nghệ xử lý bùn đỏ, chúng ta áp dụng công nghệ thải bùn đỏ cho nhà máy Tân Rai, cung cấp thải khô. Theo thiết kế trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc, làm đặc đạt 46,5%, tiêu chuẩn chỉ là 45%, và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-12 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, do đó, không lo ngại về sự cố như ở Hungary. Và có thể đi trên mặt hồ như bình thường.
Cái nguy hại mà chúng ta vẫn lo là độ PH chứ không phải màu đỏ (trong đó có sắt), và lượng nước chảy từ trong hồ cũng thu lại để giảm lượng PH, và kết cấu của hồ được các chuyên gia đánh giá an toàn. Về đóng góp xã hội, phát triển kinh tế Tây Nguyên, việc đưa hai dự án vào tác động, đẩy công nghiệp phụ trợ lên. Thứ hai, về đóng góp thuế phí cho ngân sách, trong tính toán kinh tế nói chung (không phải thời điểm này) khoảng 400 tỷ đồng/năm.
*Ông vừa nói, giá bán sản phẩm là bí mật, tuy nhiên, về giá thành có thể nói được?. Giá đó so với giá trên thế giới hiện ở mức thế nào? Vì nhiều nhà khoa học cho rằng, giá này cao hơn thế giới, do đó khó cạnh tranh. Thứ 2, chuyện dừng hay không cần cân nhắc, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại. Nếu tính hiệu quả kỹ, dừng lại phần mất ít hơn được. TKV đã đặt ra vấn đề đó chưa và tính toán thế nào? Thứ 3, hai dự án được quan tâm lớn, nhiều ý kiến đóng góp, phản biện. TKV tiếp nhận thế nào và có cơ chế gì phản biện hoặc đưa ra cung cấp thông tin thuyết phục dư luận xã hội?
-Trả lời: Thứ nhất, về nguyên lý giá thành, xu thế khi làm dự án, giá ban đầu cao, sau khi khấu hao hết, cũng như trả lãi vay, sẽ giảm dần. Thêm nữa, trong quá trình ban đầu, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nhưng tiếp theo trong quản lý dự án chúng ta có cơ hội giảm giá thành, chi phí.
Hiệu quả sẽ thấy triển vọng trong những năm tiếp theo.
Cũng cần trao đổi rằng, nếu chúng tôi đi hỏi các hãng khác giá, không bao giờ được. Tập đoàn cũng đặt câu hỏi xem giá thành khai thác của các mỏ khác, họ cũng không cung cấp để so sánh với mình. Chúng tôi cũng nghiên cứu, tham khảo, giá thành không công bố.
Thứ 2, bạn hỏi liên quan tới chuyện dừng dự án. Tập đoàn cũng đã và xem xét, tính toán, nếu tiếp tục, có lợi gì, nói chân thành, chúng tôi tin tưởng không dừng. Không dám dừng, vì những thiệt hại mà chúng tôi sẽ phải gánh vác xử lý, khó khăn nhiều, với xu thế mà như chúng tôi trả lời trước, chúng tôi tiếp tục dự án.
Thứ 3, quan điểm của chúng tôi là rất tôn trọng ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội, nhưng chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến xác đáng, có lý và mong muốn hợp tác để triển khai những ý kiến xác đáng. Còn tất nhiên, nhiều ý kiến cũng gây tác động tâm lý, ảnh hưởng đội ngũ cán bộ công nhân viên đang thực hiện.
Về câu hỏi này, tôi xin được bổ sung ý kiến chính thức như sau: Tập đoàn đã tính toán, cân nhắc việc dừng dự án Nhân Cơ khi vấn đề được đặt ra. Sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường trong nước và toàn cầu, thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án, tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế.
*Về giá có thể các đối thủ không cung cấp, nhưng ví dụ phương tiện thông tin đại chúng nêu giá thực tế trên thị trường là 316 $, giá của chúng ta 400$, ông có bình luận gì?
-Trả lời: Tôi không biết những tính toán đó dựa trên cơ sở nào, nhưng nếu ngồi lại với nhau, thì phải ngồi lại cùng trên 1 thông số, cùng trên cơ sở dữ liệu thì mới tính được đúng hay không.
Nếu nêu con số như thế để hỏi, thì tôi không khẳng định được con số đó đúng hay sai, vì tôi không rõ dữ liệu tính toán được lấy từ đâu.
*Tại sao mình không cung cấp con số giá thành của TKV?
-Trả lời: Như tôi vừa trao đổi, có bí mật kinh doanh nhưng không phải không công bố. Chúng tôi công bố công khai giá thành dự kiến với cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Bộ Công Thương, giải trình Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, nhưng không công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Quặng bauxite tinh sau tuyển của nhà máy tuyển quặng Tân Rai, quặng tinh sẽ được chuyển từ nhà máy tuyển quặng đến nhà máy sản xuất alumina trên hệ thống băng chuyền dài khoảng 5 km (Các ảnh trong bài đều do Vinacomin cung cấp)
*Cầm Văn Kình, báo Tuổi Trẻ: Dự án ban đầu, chênh lệch mức đầu tư so với dự toán ban đầu khoảng 7.000 tỷ, giảm thu ngân sách một năm theo công bố của TKV giảm khoảng hơn 700 tỷ/năm. Như vậy có phải Nhà nước bị thiệt hại không, TKV chịu trách nhiệm như thế nào? Công nghệ so với hãng Pechiney của Pháp so với công nghệ nhà thầu Trung Quốc đem đến Việt Nam, tiêu thụ năng lượng tốn kém hơn khoảng 30%, nước gấp 2 lần, kém hơn 2% thu, xin hỏi thông số này đã tính đến chưa, thiệt hại 1 năm so với công nghệ cao hơn như thế nào?
-Trả lời: Về công nghệ, bạn có đề cập tới 2 công nghệ của Pháp và châu Mỹ. Công nghệ của Pháp là tách alumin ở nhiệt độ thấp với nồng độ kiềm cao, quá trình hòa tan kéo dài hơn so với công nghệ của châu Mỹ.
Trong số thống kê, có 27 nhà máy đang xử lý quặng thì 26 nhà máy dùng công nghệ Bayer Bắc Mỹ.
Về chất lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu suất hòa tách, hiệu suất thu hồi alumin tiêu hao nguyên liệu của 2 dự án đạt mức bình quân thế giới, chất lượng của công nghệ đang áp dụng ở 2 dự án so với sản phẩm công nghệ của Pháp đều có phần tạp chất nhỏ hơn so với công nghệ của Pháp…
Về hiệu suất thu hồi, điện nước, tiêu hao thiết kế mà chúng ta áp dụng, tiêu hao nước trong nhà máy alumin là 3,84m3/tấn, trong khi của Pháp là 4,7m3/tấn.
Tôi khẳng định, công nghệ áp dụng ở nhà máy là tiên tiến và cao hơn so với công nghệ của Pháp.
Thời điểm trước, với giá cả trước, thuế phí trước thì ra 1 thông số, ở thời điểm mới 1 thông số khác. Ở đây không thể nói nói thất thu hay giảm thu mà phương án kinh tế ở thời điểm nào thì theo đời điểm đó.
*Xin ông khẳng định lại số liệu đền bù hiện là giá cũ hay giá mới?
-Trả lời: Giá đền bù Vinacomin áp dụng là tại thời điểm hiện nay, cho cả đời dự án. Nhưng thực ra, đối với diện tích đất khai thác chúng tôi chỉ sử dụng 1-2 năm sau đó hoàn thổ, đầu tư trồng rừng, chuyển giao cho doanh nghiệp khác làm hoặc giao lại cho địa phương. Thì ở đây về chính sách theo luật thì chưa có đoạn nào nói đền bù rồi hoàn lại đất nên chúng ta cũng cần phải xem xét, có giải pháp nếu không Vinacomin cứ đền bù cả đời dự án nhưng lại chỉ sử dụng có 1-2 năm.
Vậy chúng ta nên hiểu là đền bù để thu hồi đất hay là thuê đất để khai thác quặng? Hiện tại chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thì chỉ được phép sử dụng dài hơi mà chưa có cơ chế nào cho việc trả lại đất sau 2 năm?
*Nghĩa Nhân, báo Pháp luật TP HCM: Tôi xin hỏi với điều chỉnh quy hoạch dự án vừa rồi tôi xin hỏi trước đây đền bù là 800 triệu đồng/ha xuống còn 250 triệu đồng/ha, phí môi trường giảm từ 30.000 xuống 5.000 đồng thì con số này theo TKV có áp dụng điều chỉnh gì mới chưa?
-Trả lời: Hiện chưa có gì thay đổi, còn đề xuất bạn nói thì chưa có ai chấp nhận cả nhưng nếu chỉ khai thác sau 2 năm thì cũng cần xem xét có chính sách hợp lý hơn.
Báo Giáo dục Việt Nam: TKV có nói sử dụng công nghệ có khoảng 25,26 công ty trên thế giới sử dụng. Vậy, chúng tôi quan tâm, đây có phải công nghệ có xu hướng sử dụng trên thế giới trong tương lai chưa? Vì như TKV nói trong 12-13 năm nữa hoàn vốn, nhưng nếu trong thời gian đó, công nghệ trở nên lạc hậu thì chúng ta cũng không thể cạnh tranh được. Vấn đề cảng Kê Gà, chuyển sang dùng cảng Gò Dầu. Đồng Nai vẫn lo lắng chuyện vận tải, TKV nói vận tải thuê ngoài, TKV tính thế nào để đảm bảo vận tải không quá tải? Về bùn đỏ, sử dụng phương pháp khô, như phóng sự của TKV, 90% nước tập trung vào mùa mưa, vậy bể bùn đỏ ở ngoài trời, khi mưa lớn đổ xuống đã tính chưa?
-Trả lời: Về hồ bùn đỏ, trong phương án hồ bùn đỏ, chúng tôi đã tính lượng nước mưa và có hệ thống thu hồi, xử lý kể cả trong tình trạng tràn ngập, có dự phòng khu chứa bên cạnh cho tình huống tràn. Các phương án kỹ thuật đều tính toán, lường trước. Sau sự cố Hungary, tất cả đều được lường và tính toán. Về vận tải, lưu lượng vận tải, đúng là chúng tôi thuê bên ngoài. Lưu lượng vận tải đối với Tân Rai, khoảng 140 lượt xe/ngày. Trong khi đó, lưu lượng QL 20 là 15.000 lượt xe/ngày, QL 51 là 25.000 xe/ngày. Vận tải của chúng tôi so với tổng thể là quá nhỏ.
*Trên đoạn đường có nhiều cầu yếu, tải trọng tối đa chỉ được 25 tấn?
-Trả lời: Chúng tôi tính sơ bộ 1 chuyến là 15 tấn.
*Về hiệu quả kinh tế, TKV nói căn cứ vào một số thống kê dự báo về tăng trưởng kinh tế, giá alumin sẽ tăng, nhưng TKV có quan tâm tới dự báo về suy thoái kinh tế?
-Trả lời: Các nhà dự báo đưa ra đều tính xu thế, suy thoái có thể đoạn này đoạn kia trong quá trình phát triển, nhưng họ đã tính tổng thể giai đoạn. Đúng là xu thế đối với nguyên liệu tài nguyên không tái tạo, xu thế giá sẽ tăng, vì thế, người ta tính xu thế dài chứ không tính suy thoái giai đoạn của từng thời điểm.
Về công nghệ, chúng ta cũng hy vọng nó tiên tiến ở thời điểm này. Còn xu thế như thế nào? Xu thế thì hiện giờ các nhà máy đang đầu tư của các hãng, đang xây dựng cũng sử dụng công nghệ này. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam với công nghệ như thế cũng là được, ổn định.
Theo Nguyên Linh - Nam Hương (Chinhphu.vn)