Viettel ra mắt trang thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Lazada, Shopee, Grab...?

01/07/2019 - 15:11

PNO - Ngày 1/7, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (VTP) ra mắt sàn thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe công nghệ, những lĩnh vực mà các doanh nghiệp ngoại đang nắm thị phần lớn.

Ứng dụng gọi xe của Viettel có tên MyGO, còn nền tảng thương mại điện tử được đặt là Vỏ Sò. Đây là kết quả mà VTP bắt tay xây dựng từ 3 năm trước với kỳ vọng thay đổi các đối trọng trong lĩnh vực vận chuyển và thương mại điện tử trên thị trường.

Theo thông tin mà VTP công bố, ứng dụng Mygo là nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và các nhà vận chuyển giao hàng trên toàn quốc nói chung, chứ không chỉ giới hạn với riêng VTP. Hình thức hoạt động này đang được một số doanh nghiệp khai thác như Grab, Goviet, Fastgo...

Viettel ra mat trang thuong mai dien tu, ung dung goi xe canh tranh voi Lazada, Shopee, Grab...?
Thị trường trong nước có thêm ứng dụng gọi xe và sàn thương mại điện tử từ 'anh bưu tá'

Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò là trang mua bán trực tuyến. Điểm đáng chú ý, khác với các sàn thương mại điện tử vốn có, khi xuất hiện thường hướng đến thị trường là các thành phố lớn. VTP hướng đến mục tiêu hỗ trợ người nông dân bán được nhiều sản phẩm hơn với thao tác dễ dàng hơn. Thị trường nông thôn vốn dĩ rất rộng lớn và là mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nhưng chưa doanh nghiệp nào khai thác tốt tại thị trường này.

Ngay khi ra mắt, ứng dụng của VTP sẽ được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh thành. Riêng ứng dụng Vỏ Sò, tính đến ngày 30/6, đã có 7.000 nhà cung cấp trên hệ thống, và đang hướng tới con số 30.000 vào ngày 15/7 tới đây. 

Viettel vốn là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ nên khi ra mắt những sản phẩm này được giới công nghệ và người tiêu dùng trong nước chú ý. Đã có những đánh giá những ứng dụng này của VTP có thể đủ sức đối trọng với những "ông lớn" trong lĩnh vực này như Grab hay Lazada...

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, lợi thế kinh nghiệm và công nghệ của VTP trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, đồng thời tích hợp hệ sinh thái, lượng khách hàng của Viettel nên các ứng dụng mới ra mắt này sẽ tận dụng được nhiều ưu điểm so với các đối thủ còn lại.

Theo báo cáo của Google-Temasek năm 2018 thì TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2.8 tỷ USD (chỉ tính giá trị của kênh Doanh nghiệp tới người tiêu dùng - B2C).

Thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-2025, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn.

Thế hệ Millennials (thế hệ Y) sẽ là động lực thúc đẩy cho sự phát triển nhanh chóng của TMĐT ở Việt Nam với thói quen dành thời gian mua sắm trên mạng hơn là đến các cửa hàng vật lý. 

Đơn vị này cũng đưa ra ví dụ, Grab và Goviet chưa cung cấp dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) trong khi VTP đã có kinh nghiệm nhiều năm trong cung cấp dịch vụ này.

“MyGO sẽ tập trung vào mảng gọi xe hai bánh và sẽ chưa tập trung vào mảng gọi xe ô tô. Do đó, MyGO có thể sẽ chưa phải là mối đe dọa với Grab trong tương lai gần, thay vào tập trung khai thác khoảng trống trong chuỗi vận chuyển giao nhận và nhu cầu gọi xe ở những thành phố nhỏ hơn, nơi mà Grab chưa đẩy mạnh kinh doanh”, VNDIRECT cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, chuyên viên phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, để tham gia vào lĩnh vực TMĐT ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam. 

Đồng thời, khi tham gia vào hai lĩnh vực mới là ứng dụng gọi xe và TMĐT chắc chắn sẽ đòi hỏi lượng đầu tư ban đầu rất lớn, qua đó ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh của VTP. Hai mảng kinh doanh mới được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của VTP trong tương lai gần nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ chậm hơn do hệ quả của việc đầu tư lớn để giành thị phần.

Hiện thị trường này đang có trên dưới 10 ứng dụng của cả nội và ngoại như Grab, goviet, FastGo, bee, Mai Linh, VATO, MLV, Go-ixe, Xelo... Trong đó, Grab được cho đang chiếm thị phần lớn nhất khoảng xấp xỉ 80%. Với sự tham gia của VTP một trong hai doanh nghiệp chuyển phát, giao hàng lớn nhất Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam vốn đang có sự cạnh tranh khốc liệt dự báo sẽ còn tiếp tục nóng bỏng và gay gắt hơn.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI