Đây là thành quả tiếp nối của Vietnam Centre - một nhóm bạn trẻ 8X, 9X không chỉ có niềm đam mê với cổ phục mà còn nuôi khát khao giới thiệu văn hóa Việt qua phục trang đến bạn bè thế giới.
Từ triển lãm đến sách
“Văn hóa Việt Nam không chỉ là văn hóa nông dân mà còn có văn hóa cung đình dù sau nhiều năm chiến tranh, văn hóa cung đình phôi phai nhiều. Vậy nên việc làm của các bạn Vietnam Centre rất đáng trân trọng. Các bạn chỉ tái hiện nên không thể đúng tuyệt đối như lịch sử. Cần có sự quan tâm với những dự án ý nghĩa như thế”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
|
Dệt nên triều đại (Weaving a Realm) được Vietnam Centre khởi xướng vào cuối năm 2018, dưới hình thức triển lãm phục dựng cổ phục thời Lê sơ, đồng thời tái hiện không gian nghi thức nơi các bộ trang phục xuất hiện, nhằm giúp người xem hình dung một cách chân thật nhất cách người xưa phục sức. Quyển sách cùng tên lần này tiếp nối mạch nguồn sáng tạo đó.
Từ quyển sách, bạn đọc sẽ biết biết được các kiểu dáng trang phục cơ bản như: áo Giao Lĩnh (áo dài vạt chéo), Thường (một loại phục trang che hạ thể), áo Viên Lĩnh (áo cổ tròn, xẻ trước ngực và sau lưng, khổ rộng, tay thụng dài hoặc ngắn hẹp) và áo Đối Khâm (còn gọi là Trực lĩnh, có vạt áo mở song song trước ngực người mặc)… Một số lối phục sức cung đình như quan phục nam/nữ giới, trang phục tụng quan, trang phục thị nữ… cũng được giới thiệu khá chi tiết và dễ hiểu.
Ngay khi vừa phát hành, quyển sách đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả vì được minh họa sinh động, ảnh phác thảo trang phục cực kỳ tỉ mỉ, đẹp mắt.
Ngọc Linh, thành viên của Vietnam Centre khẳng định: “Việc giới thiệu phiên bản song ngữ Việt-Anh nằm trong
“Chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày ngàn năm ở Á châu lại được định nghĩa bằng những cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu”.
Tô Lê Ngọc Linh
|
mục tiêu ban đầu của nhóm ngay từ ngày mới thành lập - giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xưa. Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế, thậm chí rất nhiều người Việt tại nước ngoài dường như chỉ biết tới những cuộc chiến. Sự thực đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày ngàn năm ở Á châu lại được định nghĩa bằng những cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò tìm cách quảng bá văn hóa Việt, thông qua nhiều khía cạnh, bắt đầu từ ăn mặc”.
“Từ lâu, chúng ta quen với suy nghĩ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt là áo dài, xa hơn thì chỉ có áo tứ thân, còn nam giới là áo dài khăn đóng. Định kiến ấy khiến cho việc phục dựng, phỏng dựng, tái hiện trang phục người Việt từng sử dụng qua các thời kỳ lịch sử luôn vấp phải những ý kiến nghi ngờ và chỉ trích. Chúng tôi tin rằng qua thời gian, bằng sự nỗ lực trong việc quảng bá văn hóa, định kiến ấy sẽ dần thay đổi. Trang phục người Việt từng sử dụng có nhiều hơn là áo dài, món ăn nổi tiếng từ Việt Nam có nhiều hơn là phở hay bánh mì, điều đáng tự hào khi nhắc tới dải đất hình chữ S này có nhiều thứ hơn là danh lam thắng cảnh” - Phương Đông, thành viên khác của nhóm, khẳng định.
|
Ba thành viên sáng lập của Vietnam Centre: Anh Vũ, Phương Đông và Ngọc Linh (từ trái qua phải) |
Thành lập vào năm 2017, Vietnam Centre từ một nhóm nhỏ, nhờ phương thức tổ chức hợp lý, số thành viên trong nhóm hiện đã lên đến vài chục người.
Cuộc hạnh ngộ cho giấc mơ lớn vì văn hóa Việt
Dệt nên triều đại là dự án phi lợi nhuận, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới qua những sản phẩm cụ thể như: trang phục, phim ảnh, truyện, show diễn... được khởi xướng bởi ba người trẻ: Nguyễn Anh Vũ (Chủ tịch của nhóm Văn hóa Việt Nam của khối sinh viên Việt Nam tại Đại học New South Wales (Sydney, Australia); Nguyễn Ngọc Phương Đông (kỹ sư môi trường) và nhà văn, biên kịch Tô Lê Ngọc Linh hiện đang theo học tại Australia.
“Khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rõ khát khao hướng về cội nguồn bên trong mình, đặc biệt là khi chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa. Ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam luôn thôi thúc chúng tôi” - Ngọc Linh hồi tưởng.
Bên cạnh triển lãm từng ghi dấu ấn và quyển sách cùng tên vừa phát hành, tháng 8/2019, Vietnam Centre cũng đã tổ chức thành công triển lãm mang tên Present in the Past (Vàng son vương dấu), quy tụ tác phẩm của 11 họa sĩ trẻ, đi kèm với các hoạt động sinh thái liên quan đến cổ phục, cổ vật triều Nguyễn tại Sydney, Australia. Các nghệ sĩ tham gia, đa số nằm ở độ tuổi 20, đã mang góc nhìn đương đại và tâm thế làm việc hướng đến tinh hoa của triều đại cuối cùng cũng như các cảm hứng chung trong văn hóa Việt.
Triển lãm này thu hút hơn 500 lượt khách đến từ nhiều miền văn hóa khác nhau. Có những gia đình bố Âu mẹ Á, những cụ già người Úc yêu chuộng văn hóa Á Đông, những bạn trẻ gốc Việt sinh ra tại Úc và bạn bè châu Á từ các nước khác. Marco Zammarrelli, một trong số khách tham quan triển lãm, bày tỏ sự hứng thú: “Sự kiện này giúp tôi có cái nhìn mới mẻ đối với văn hóa Việt Nam xưa cũng như tài năng của các nghệ sĩ đương đại”.
|
Chia sẻ lý do chọn trang phục triều Lê, Nguyễn để thực hành trong các dự án, Ngọc Linh cho biết: “Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Lê và Nguyễn là hai triều đại còn tồn tại khá nhiều tư liệu sống, như tượng đá, hiện vật trong bảo tàng, tư liệu văn bản… Còn chọn lựa trang phục cung đình để ra mắt dự án là việc khi nhìn vào một bộ trang phục, có thể bạn chỉ thấy đấy là một bộ trang phục, nhưng với người đam mê nghiên cứu hay yêu thích lịch sử, văn hóa dân tộc; họ nhìn thấy ở đó một giai đoạn lịch sử, thói quen sinh hoạt của ông cha, thấy khí hậu, thời tiết của giai đoạn đó thế nào, phong tục tập quán ra sao…”.
“Trang phục người Việt từng sử dụng có nhiều hơn là áo dài, món ăn nổi tiếng từ Việt Nam có nhiều hơn là phở hay bánh mì, điều đáng tự hào khi nhắc tới dải đất hình chữ S này có nhiều thứ hơn là danh lam thắng cảnh”.
Nguyễn Ngọc Phương Đông
|
Lẽ tất yếu, với những dự án cộng đồng, phi lợi nhuận như Vietnam Centre, khó khăn về tài chính, sử liệu và cả những định kiến trang phục là khó tránh khỏi. Một trong những khó khăn lớn nhất nhóm phải đối mặt là phản ứng từ cộng đồng qua mạng xã hội: trang phục giống triều Minh ở Trung Quốc, giống Hanbok của Hàn Quốc. Rất nhiều nhà nghiên cứu như Trần Quang Đức, Trần Trọng Dương… đã lên tiếng ủng hộ thành quả của nhóm và khuyến khích người trẻ tìm hiểu để có cái nhìn đa dạng, cởi mở hơn về cổ phục Việt.
Vietnam Centre cũng ý thức được hạn chế của nhóm: “Trang phục chỉ dừng lại ở mức độ mô phỏng. Chẳng hạn, vẫn may tím là tím, đỏ là đỏ, nhưng trang phục cũ tím ở sắc độ nào, chất liệu ra sao thì chưa làm được do thiếu kinh phí”. Sau chừng ấy năm, Vietnam Centre vẫn kiên trì, mày mò làm việc và chứng minh những gì họ khởi đầu với cổ phục không chỉ là một cuộc dạo chơi.
Hoàng Linh Lan
l
l
l