Vietnam Airlines có vô can trong ca lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng?

02/12/2020 - 07:40

PNO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân 1.347 và bệnh nhân 1.342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng bệnh nhân 1.342 “vi phạm rất nghiêm trọng” về phòng, chống COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 1.347 được phát hiện tại TPHCM trở thành ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng của Việt Nam sau 88 ngày giữ vững “trận địa”. Đến tối 1/12, TPHCM tiếp tục ghi nhận thêm hai ca lây nhiễm liên quan tới bệnh nhân 1.347. Chùm ca bệnh này đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề quản lý, kiểm soát các khu cách ly tập trung cũng như công tác tự cách ly tại nhà.

Trước đó, theo Bộ Y tế, bệnh nhân 1.347 lây nhiễm từ bệnh nhân 1.342, là tiếp viên hàng không của Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines). Nhận định việc để xảy ra lây nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân 1.347 và bệnh nhân 1.342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng bệnh nhân 1.342 “vi phạm rất nghiêm trọng” về phòng, chống COVID-19. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị phải xử lý nghiêm theo quy định. 

Cũng đồng quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, nhấn mạnh ý thức của người cách ly đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Ông nhấn mạnh: “Ngay từ khi dịch COVID-19 từ Trung Quốc xâm nhập, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly. Cụ thể, nguyên tắc là phải cách ly ở phòng riêng, hạn chế ra khỏi phòng. Những người này cũng phải ăn uống riêng, đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch sát khuẩn. Chất thải y tế như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly phải bỏ vào túi đựng rác thải riêng. Trường hợp của bệnh nhân 1.342 dù cách ly tại nhà nhưng lại tiếp xúc mẹ và hai bạn, thậm chí, bệnh nhân 1.347 còn chuyển đến ở chung. Như vậy không phải là cách ly!”. 

Về việc bệnh nhân 1.342 được trở về nhà sau năm ngày cách ly tập trung, PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định không sai so với quy định tại công văn 3588 CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, trong thời gian cách ly tập trung, khi có hai lần xét nghiệm COVID-19 âm tính - với điều kiện toàn bộ tổ bay và hành khách cũng âm tính hai lần - những người này sẽ được rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú. Xét nghiệm lần hai sau ít nhất 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đầu tiên. Nam tiếp viên cách ly tập trung từ ngày 14/11, sau đó có kết quả hai lần âm tính với SARS-CoV-2 nên ngày 18/11 được chuyển cách ly tại nhà là đúng quy định. 

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu cũng chỉ ra, trong quá trình ở khu cách ly của Vietnam Airlines, việc bệnh nhân 1.342 tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác là vi phạm. Bên cạnh đó, sau khi bệnh nhân 1.325 phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân 1.342 vẫn tiếp tục được cách ly tại xóm trọ, trong khi lẽ ra phải được đưa trở lại khu cách ly tập trung để quản lý. 

Ca nhiễm covid-19 cộng đồng ở TP.HCM gây lo ngại về diễn biến xấu của dịch vào thời điểm cuối năm khi người dân đi lại nhiều - ảnh: H.N.

Ca nhiễm Covid-19 cộng đồng ở TPHCM gây lo ngại về diễn biến xấu của dịch vào thời điểm cuối năm khi người dân đi lại nhiều - ảnh: H.N.

Như vậy, với những vi phạm của bệnh nhân 1.342, rõ ràng không thể nói Vietnam Airlines vô can trong việc quản lý người cách ly tại khu cách ly tập trung do mình đăng ký. Cũng liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó ban chỉ đạo Quốc gia, phòng, chống dịch COVID-19, cho biết đã có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà đơn vị này đã đăng ký. Đặc biệt, UBND TPHCM và TP Hà Nội - nơi có địa điểm Vietnam Airlines đăng ký cách ly - cần kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly. 

Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để lây nhiễm trong quá trình cách ly

Chiều 1/12, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, nghe Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đề cao cảnh giác, chứ không đợi “mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên, ngày 30/11, TPHCM đã xuất hiện ca lây nhiễm đầu tiên ra cộng đồng sau 88 ngày không ghi nhận. Bệnh nhân thứ 1.347 mắc COVID-19 do tiếp xúc với bệnh nhân thứ 1.342 - trong thời gian cách ly tại nhà. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này ở từng bộ phận, từng cá nhân và các cơ quan trong thực hiện quy trình cách ly. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI