VietGap của tin còn một chút này

29/04/2016 - 11:26

PNO - Biết trách ai đây, đành buông một tiếng thở dài ngậm ngùi: “Của tin còn một chút này. Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!”

Cái tin “heo VietGAP cũng dính chất cấm” làm xôn xao giới nội trợ vốn đã cắn răng từ bỏ các hàng thịt ngoài chợ vốn có giá mềm hơn, để tìm đến các quầy thịt heo Vissan, với niềm tin rằng thịt heo ở đây an toàn, không có chất cấm.

Ngày 27/4, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 80 con heo nhập vào Vissan vì chứa salbutamol. Chủ của lô heo này bị xử phạt, buộc tiêu hủy toàn bộ đàn heo. Tính ra, mức phạt là 25 triệu đồng, giá heo hơi thị trường hiện khoảng 51.000đ/kg, bầy heo trên có giá trị trên 350 triệu đồng, chi phí tiêu hủy đàn heo này khoảng 100 triệu đồng nữa… Từ sự kiện này, người ta lại trông chờ một thông tin pháp lý được áp dụng sớm hơn nữa, bởi, tới tận ngày 1/7/2016, hành vi buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn mới có thể chịu án đến 20 năm tù.

Nhưng chưa nói tới chuyện tội phạm và hình phạt, vụ 80 con heo dính chất salbutamol này đã đánh một cú chí mạng vào chút lòng tin mong manh trong cơn bão thực phẩm bẩn. Một lần nữa, đứa trẻ non nớt mang tên “thực phẩm sạch” bị dồn đến đường cùng, nó vừa mon men từ ngoài chợ vào trong quầy, bây giờ đã bị đá văng từ trong quầy ra chợ!

VietGap cua tin con mot chut nay
“Heo VietGAP cũng dính chất cấm làm người tiêu dùng hoang mang - Ảnh minh họa: Internet

Trước ma trận thực phẩm bẩn, thực phẩm tràn lan chất cấm, người tiêu dùng được hướng dẫn phải tin vào một số loại tiêu chuẩn nào đó, như một hàng rào bất khả xâm phạm mà các doanh nghiệp chăn nuôi - cung ứng dựng nên để đảm bảo sản phẩm của mình an toàn. VietGAP (GAP là Good Agricultural Practice - thực hành nông nghiệp tốt) là một niềm tin không rẻ, được xây dựng sau một quá trình gian nan chọn lựa từ người chăn nuôi cho đến công ty thu mua và giết mổ gia súc.

Khó khăn lắm mới áp dụng được tiêu chuẩn sạch cho chuỗi nông sản Việt. Bởi đã nhiều dạo các quầy rau VietGAP héo úa vì không người mua, vì giá cao, vì người mua thiếu lòng tin; nay vừa gượng lại được phần nào vì người ta sợ chất cấm, sợ thực phẩm không an toàn quá. Nhưng giờ thì, sau sự kiện đàn heo 80 con xém chút nữa thì lọt tới quầy thực phẩm sạch, lòng tin của người tiêu dùng vào VietGAP đã bắt đầu lung lay.

Biết trách ai đây, đành buông một tiếng thở dài ngậm ngùi: “Của tin còn một chút này. Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!”. Lối tư duy manh mún, lối nghĩ ngắn làm gián đoạn tầm nhìn của người chăn nuôi, người thu mua, khiến họ phủi tay, coi như xong, không áy náy khi trách nhiệm đã chuyển sang người khác trong quy trình. Nhưng rồi thực tế sẽ chỉ cho họ thấy, xuyên suốt trong dây chuyền thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn, mỗi một khâu đều quan trọng như nhau, sơ sẩy ở một điểm thôi, chuỗi sản phẩm không còn an toàn và sẽ bị “dội hàng”, người chăn nuôi, người cung cấp đều “chết chùm”, thiệt hại đó, người tổn thất lớn nhất vẫn là người nông dân thôi.

Áp lực cạnh tranh lên sản phẩm nông nghiệp đã bắt đầu tăng khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự cạnh tranh này không chỉ về giá cả. Nay trước cơn bão thực phẩm bẩn đang hoành hành, áp lực này đã định hình rõ ràng, cụ thể hơn, ngay cả đối với những sản phẩm sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đã vi phạm thì phải xử nghiêm và công khai tất cả những thông tin liên quan là một cách làm tích cực, để cảnh báo, để nâng cao ý thức của người chăn nuôi, người buôn bán, người tiêu dùng. Chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” thôi, nhưng xin đừng tìm cách giấu “con sâu” đi…

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI