Vietcombank gây khó ngư dân sau thảm họa Fomosa

31/08/2016 - 20:54

PNO - Quyết định của ngân hàng đã gây khó dễ cho các hộ dân, nhất là khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra vẫn còn để lại hậu quả nặng nề...

Vietcombank gay kho ngu dan sau tham hoa Fomosa
Ngư dân cần vay vốn đóng tàu vươn khơi bám biển....

Vietcombank gây khó cho ngư dân?

Ông Trần Sông Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội khẳng định, trên địa bàn xã hiện nay còn 3 hộ ngư dân vướng mắc thủ tục vay vốn của ngân hàng Vietcombank. Đó là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, Lê Văn Thắm, Trần Quốc Tuấn.

“3 hộ dân trên có thủ tục vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của chính phủ và hướng dẫn của tỉnh nhưng không được chấp nhận. Người dân rồi xã cũng đã làm việc với đại diện Vietcombank. Họ cũng cử người về tận địa phương để xác nhận.

Tuy nhiên sau khi công bố nguyên nhân Formosa gây ra sự cố cá chết, ngân hàng liền gọi ngư dân đến, từ chối cho vay tiền và trả lại hồ sơ luôn. Họ nói sau sự cố cá chết thì khả năng thu hồi vốn khó khăn nên không cho vay”, ông Hương khẳng định.

Nói về quyết định của Vietcombank, ông Hương cho rằng ngân hàng đã không có sự cảm thông, chia sẻ với người dân trong sự cố thảm họa môi trường này.

“Ngân hàng là doanh nghiệp tiền tệ, họ cảm thấy bất an về mặt nguồn vốn nên không đầu tư. Nhưng thực tế dân rất cần vốn. Quyết định từ chối vay vốn của Vietcombank đã ảnh hưởng đến 1 chủ trương lớn của nhà nước.

Tiếp theo là gây khó khăn, giải quyết đời sống lao động cho ngư dân.

Chia sẻ quan điểm này, Ông Võ Văn Tùng – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hội cho rằng quyết định của ngân hàng đã gây khó dễ cho các hộ dân, nhất là khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra vẫn còn để lại hậu quả nặng nề.

“Trên địa bàn xã cũng có 6 hộ dân được vay vốn của 1 ngân hàng khác, số tiền có hộ lên tới 19 tỷ đồng và khởi công đóng tàu rồi. Chỉ có 3 hộ dân nhà anh Thắm, Hồng và Tuấn không được ngân hàng Vietcombank đồng ý cho vay thôi.

Chúng tôi căn cứ vào quy định của nghị định 67 và quy định bổ sung nghị định 89 của chính phủ, căn cứ vào các hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về cho vay vốn này thì thấy trả lời của ngân hàng như vậy là chưa hợp lý, nhất là khi người dân đã phải bỏ ra hàng mấy chục triệu để thuê tư vấn, thiết kế tàu. Nếu không đòng ý thì phải nói sớm từ đầu, không nên để người dân chờ đợi lâu thế”, ông Tùng đánh giá.

Ông Tùng cũng cho biết, phía xã đã phải cử lãnh đạo, cán bộ động viên tinh thần và chia sẻ những khó khăn với 3 hộ dân bị từ chối cho vay tiền.

Chính quyền vào cuộc

Một số ngư dân tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về việc bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hồng Lĩnh từ chối cho vay vốn đóng tàu lớn theo nghị định 67 của chính phủ với lý do Formosa xả thải.

Anh Lê Văn Thắm (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) cho biết: “Gia đình tôi có nguyện vọng vay 15 tỷ đồng để đóng tàu lớn bám biển ra khơi. Gần bờ thì ảnh hưởng của sự cố môi trường do Formosa xả thải mà xa bờ thì ngân hàng không cho vay tiền. Chúng tôi không biết làm cách gì để sống cả. Thật sự rất lo lắng”, anh Thắm lo lắng.

Theo đúng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, gia đình anh đã làm đầy đủ các thủ tục, hồ sơ và nộp cho ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hồng Lĩnh từ tháng 2/2016.

Vietcombank gay kho ngu dan sau tham hoa Fomosa
Ảnh minh họa

“Sau khi có chủ trương vay vốn, ngân hàng đã về tận nơi để thẩm định, làm việc với xã và gia đình rồi mới chấp nhận cho làm thủ tục để vay tiền. Phía ngân hàng Vietcombank nói hồ sơ đã đầy đủ và chờ đợi sẽ giải quyết theo quy định. Tuy nhiên đến tháng 7 vừa rồi ngân hàng gửi công văn bảo không cho vay nữa vì giá hải sản giảm sau sự cố Formosa.

Lúc đầu Vietcombank nói do chưa biết chính xác nguyên nhân cá chết nên không cho vay. Đến khi biết do Formosa gây ra thảm họa môi trường thì tiếp tục từ chối”, anh Thắm buồn bã nói.

Cũng trong cuộc trò chuyện với phóng viên, anh Thắm cho biết gia đình mới nhận được công văn khẩn cấp của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nóng về vụ việc này.

“14h ngày mai, UBND tỉnh mời tôi cùng các hộ ngư dân khác đến họp. Theo văn bản tôi nhận được thì ngoài các ngư dân, tỉnh còn mời thêm chủ tịch huyện Nghi Xuân, mời các ngân hàng trên địa bàn tỉnh rồi cả Sở nông nghiệp, Sở công thương, Sở tài chính đến bàn tháo gỡ những khó khăn này. Tôi rất tin tưởng và hi vọng vào ngày mai”, anh Thắm khẳng định.

  • Hồng Mai 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI